Tập trung gieo sạ vụ lúa Đông - Xuân, hạn chế mặn xâm nhập
24/12/2023 12:42
Hiện nay, nông dân Sóc Trăng đang chủ động đẩy nhanh tiến độ xuống giống vụ lúa Đông - Xuân 2023 - 2024 nhằm ứng phó với nước mặn xâm nhập ở cuối vụ. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, năm nay vụ lúa Đông - Xuân xuống giống sớm từ 20 - 30 ngày so với cùng kỳ năm trước.
Những ngày qua, nông dân ở thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) đang tập trung gia cố đê bao và bơm tát nước để gieo sạ vụ lúa Đông Xuân. Anh Nguyễn Văn Nhanh phường 2, thị xã Ngã Năm cho hay, vụ lúa Đông - Xuân năm nay, anh sản xuất 1 ha lúa với giống ST24, hiện đã gieo sạ hơn 15 ngày cây lúa sinh trưởng khá tốt.
Theo anh Nhanh, năm nay, ngành chức năng và chính quyền địa phương khuyến cáo xuống giống sớm hơn 20 ngày so với năm trước. Nguyên nhân thời tiết năm nay ít mưa, nên mặn có thể xâm nhập sớm hơn mọi năm, do vậy chủ động xuống giống sớm nhằm hạn chế tình trạng mặn xâm nhập gây ảnh hưởng đến năng suất ở cuối vụ.
Lãnh đạo Phòng Kinh tế thị xã Ngã Năm cho biết, vụ lúa Đông - Xuân năm nay, toàn thị xã gieo sạ 18.500 ha, đến nay, đã gieo sạ trên 18.000 ha, chủ yếu các giống chủ lực như: ST25, ST24, RVT… và các nhóm giống OM thơm nhẹ.
Ông Hồng Minh Nhật, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ngã Năm thông tin, để chủ động ứng phó với hạn hán, mặn xâm nhập và dịch hại có thể ảnh hưởng đến diện tích lúa Đông Xuân, địa phương đã xây dựng lịch xuống giống sớm hơn so với cùng kỳ nhiều năm từ 15-20 ngày. Địa phương còn chủ động tuyên truyền nông dân gia cố đê bao chắc chắn để chủ động bơm trữ nước ngọt khi có mặn xâm nhập. Cùng đó, ngành chức năng đã tiến hành nạo vét 4 hệ thống kênh thủy lợi nội đồng với tổng chiều dài 24 km nhằm khơi thông dòng chảy chủ động bơm tát ứng phó với mặn xâm nhập.
Còn tại huyện Trần Đề (Sóc Trăng) có 22.400 ha lúa Đông - Xuân đã gieo sạ đạt 100% kế hoạch đề ra. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Đề Trần Hoàng Dũng cho hay, toàn huyện có 95% diện tích lúa thơm, đặc sản; ngành chuyên môn đã tuyên truyền và mở các lớp tập huấn cho nông dân phòng ngừa các loại sâu bệnh, dịch hại ảnh hưởng đến cây lúa để nông dân phòng trị kịp thời. Ngoài ra, còn chuyển giao các biện pháp canh tác như, tưới ngập khô xen kẽ, "1 phải, 5 giảm", "3 giảm, 3 tăng"… để ứng phó hạn, mặn nhằm đảm bảo năng suất ở cuối vụ.
Vụ lúa Đông - Xuân 2023-2024, đến nay tỉnh Sóc Trăng đã gieo sạ trên 125.792 ha trong tổng số 171.000 ha, đạt trên 75% diện tích, cơ cấu giống lúa chủ yếu gồm OM18, Đài Thơm 8, OM5451, nhóm giống ST... Hiện, nhiều địa phương đã xuống giống theo đúng kế hoạch ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo, như: Trần Đề, Long Phú, Mỹ Xuyên, một phần huyện Châu Thành và thành phố Sóc Trăng nằm trong vùng có khả năng bị hạn, xâm nhập mặn.
Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sóc Trăng đề nghị các địa phương và nông dân nên thường xuyên cập nhật tình hình khí tượng, thủy văn, nguồn nước; đồng thời, tăng cường dự báo tình hình xâm nhập mặn để thông tin đến nông dân cũng như có biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả; tăng cường nạo vét kênh mương, gia cố bờ bao để chống rò rỉ và tích trữ nước ngọt.
Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sóc Trăng cũng lưu ý, về diễn biến tình hình rầy nâu trên đồng ruộng, nông dân nên tăng cường sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học bảo vệ thực vật và chỉ tiến hành phòng trừ dịch hại khi đến ngưỡng phòng trừ theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng Trần Tấn Phương thông tin, để ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn trong vụ lúa Đông - Xuân 2023 - 2024, ngành nông nghiệp tỉnh đã xây dựng lịch thời vụ gieo sạ sớm hơn 20 - 30 ngày so với vụ Đông - Xuân trước; vận động tuyên truyền nông dân xuống giống theo đúng lịch thời vụ nhằm để diện tích lúa phát triển đáp ứng nguồn nước của từng vùng trên địa bàn tỉnh.
Đối với vùng dự án Long Phú - Tiếp Nhựt (huyện Trần Đề và một phần huyện Long Phú, giáp dự án Kế Sách) và các vùng sử dụng nước mưa như: huyện Mỹ Xuyên, thành phố Sóc Trăng đã thực hiện tuyên truyền, vận động, khuyến cáo không sản xuất lúa trong vụ Đông - Xuân muộn (lúa vụ 3) vì nguy cơ thiếu nước ngọt và mặn xậm nhập.
Đối với vùng chưa có hệ thống thủy lợi khép kín ở địa bàn huyện Kế Sách, một phần huyện Châu Thành và các vùng có diện tích canh tác vụ Đông - Xuân muộn (lúa vụ 3) của huyện Mỹ Tú, Thạnh Trị, ngành chức năng khuyến cáo nông dân nên cân nhắc khi có nguồn nước trên các kênh rạch nội đồng đủ khả năng phục vụ cho sản xuất, mới quyết định xuống giống.
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng
Vùng ngọt hóa Gò Công bội thu rau màu Thu Đông
Tạo cơ chế chủ động thu hút đầu tư vùng Đông Nam Bộ
Quảng Ninh: Thúc đẩy trồng trọt vụ Đông để khắc phục thiệt hại do bão số 3
Nông sản tìm cơ hội trong thách thức xuất khẩu
Doanh thu bán lẻ từ thị trường thương mại điện tử sẽ tăng mạnh vào năm 2025
Sản lượng lúa các tỉnh phía Bắc năm 2024 đạt trên 12,7 triệu tấn
Xuất khẩu gỗ tìm được cơ hội lội ngược dòng để về đích vượt mục tiêu
Dong riềng được mùa, được giá, làng miến Bình Lư tất bật vào vụ sản xuất
Quảng Ninh: Tốc độ sản xuất nuôi trồng thủy sản đang phục hồi rất khả quan