Tăng cường chống gian lận xuất xứ, bảo vệ uy tín và lợi ích hàng xuất khẩu
16/04/2025 13:37
Lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu Cục Xuất nhập khẩu đề xuất các biện pháp ngăn chặn tình trạng chuyển tải bất hợp pháp, chống gian lận xuất xứ, bảo vệ uy tín và lợi ích của hàng hóa xuất khẩu.
Doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn cao để thúc đẩy xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)
Ngày 15/4, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 09/CT-BCT về tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động kiểm tra, giám sát xuất xứ hàng hóa trong tình hình mới.
Chỉ thị 09/CT-BCT nêu rõ, hiện nay, tình hình thương mại quốc tế diễn biến phức tạp, nhanh, khó lường, cạnh tranh chiến lược ngày càng mạnh mẽ, nhạy cảm, đặc biệt khi Hoa Kỳ áp dụng chính sách thuế quan đối ứng đối với nhiều nước trên thế giới bao gồm cả Việt Nam. Chưa hết, căng thẳng thương mại leo thang dẫn đến các hành vi gian lận thương mại, trong đó gian lận xuất xứ hàng hóa có xu hướng ngày càng gia tăng và phức tạp nhằm tránh các biện pháp trừng phạt mà các nước sẽ áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu.
Để chủ động thích ứng với tình hình mới, với mục tiêu thúc đẩy thương mại cân bằng, bền vững, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa Việt Nam và các nước đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Việt Nam, Bộ trưởng yêu cầu Cục Xuất nhập khẩu chủ trì, phối hợp Vụ Pháp chế nghiên cứu, tham mưu kịp thời với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất xứ hàng hóa phù hợp với Luật Tổ chức Chính phủ năm 2025 và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương 2025 để tổ chức triển khai thực hiện việc cấp chứng nhận xuất xứ (C/O) trong tình hình mới.
Một lô hàng quần áo gắn nhãn “Made in Viet Nam” chưa chắc đã có chứng nhận xuất xứ của Việt Nam và ngược lại, một lô hàng quần áo có C/O của Việt Nam nhưng có thể lại không gắn mác “Made in Viet Nam.”
“Cục Xuất nhập khẩu chỉ đạo các cơ quan, tổ chức cấp C/O tăng cường công tác cấp và kiểm tra C/O, đặc biệt xác định tiêu chí xuất xứ theo quy tắc cụ thể mặt hàng từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu, trong trường hợp cần thiết, đề xuất các biện pháp cụ thể ngăn chặn tình trạng chuyển tải bất hợp pháp, chống gian lận xuất xứ, bảo vệ uy tín và lợi ích của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam,” chỉ thị nêu rõ.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên giao Vụ Pháp chế phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan để đề xuất xây dựng cơ chế thực hiện cấp C/O phù hợp trong tình hình mới. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cục Xuất nhập khẩu, Cục Phòng vệ thương mại, Cục Hải quan (Bộ Tài chính) trong công tác giám sát, kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa xuất khẩu nhằm kịp thời đề xuất biện pháp xử lý trong tình hình mới.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng yêu cầu Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường phát hiện và xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa, đặc biệt nguyên liệu nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ để sản xuất hàng xuất khẩu, trong trường hợp cần thiết chuyển cơ quan chức năng xử lý đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Chỉ thị 09/CT-BCT về tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động kiểm tra, giám sát xuất xứ hàng hóa trong tình hình mới có hiệu lực từ 15/4/2025./.
Nguồn: vietnamplus.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Việt Nam và Slovakia có nhiều tiềm năng thúc đẩy hợp tác nông nghiệp
Hướng dẫn xử lý biện pháp phòng vệ thương mại với hàng xuất khẩu của Việt Nam
Petrovietnam-Vinachem: Hợp tác toàn diện, hướng tới tương lai công nghệ cao
Giá vàng ngày 16/4: Bảng giá vàng tại các công ty vàng bạc đá quý
Bộ Công Thương phát động cuộc thi Tuyên truyền viên tiết kiệm điện năm 2025
Nhận định bóng đá U17 Indonesia vs U17 Triều Tiên: Viết tiếp lịch sử
Cầu nối giúp doanh nghiệp Việt Nam thích ứng thị trường Hàn Quốc
Bến Tre: Giá dừa khô nguyên liệu tăng cao, người trồng phấn khởi
Nhiều tiềm năng và dư địa phát triển quan hệ song phương Việt Nam-Hy Lạp
Giá vàng được dự báo chạm ngưỡng 3.700 USD/ounce vào cuối năm 2025