Sức mua thực phẩm ngày Rằm tháng Bảy tăng đến 20%
17/08/2024 07:53
Chỉ còn ít ngày nữa là đến Rằm tháng Bảy hay còn gọi là lễ Vu Lan báo hiếu, ngày xá tội vong nhân được người dân rất coi là lễ trọng trong năm. Theo truyền thống dân gian ngày Rằm tháng Bảy, người dân bắt đầu cúng từ 11-15/7 âm lịch. Vì vậy, trong những ngày này thị trường các loại thực phẩm, rau xanh, hoa quả tươi, vàng mã... rất sôi động, sức mua hiện tăng 15-20% so với năm trước.
Dạo qua các chợ truyền thống như chợ Hôm Đức Viên, chợ Kim Liên, chợ Thành Công, chợ Hàng Bè, Nguyễn Công Trứ, Mùng 8-3, Dốc Đề... nguồn hàng hóa dồi dào, mức giá bình ổn. Riêng mặt hàng thực phẩm chay, rau cải, hoa quả có giá tăng nhẹ so với ngày thường.
Theo đó, các loại trái cây tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/kg; giá các loại hoa tươi tăng khoảng 5.000 đồng/bó, tùy loại; các loại thực phẩm chay khác như nấm, đậu hũ tăng từ vài nghìn đồng. Đánh giá sức mua của người tiêu dùng dịp tháng Bảy năm nay, bà Nguyễn Thị Mỹ, tiểu thương chợ Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, sức mua hiện tăng 15-20% so với năm trước.
"Năm nay, người dân đi mua thực phẩm cúng Rằm sớm, các mặt hàng đồ khô, đông lạnh được mua nhiều. Tôi cũng tranh thủ nhập hàng sớm để kịp bán cho khách từ đây đến Rằm", bà Mỹ nói.
Riêng các mặt hàng rau xanh có tăng lên do mưa lớn gần đây làm rau xanh dập nát, hỏng nhiều. Cụ thể như bắp cải 20.000-22.000 đồng/kg, súp lơ xanh 18.000-20.000 đồng/chiếc, cà rốt 12.000 đồng/kg, cải ngọt từ 14.000-16.000 đồng/kg, xà lách 15.000-20.000 đồng/kg, dưa chuột 13.000-18.000 đồng/kg, cà chua từ 18.000-20.000 đồng/kg, rau muống 13.000-15.000 đồng/bó…
Bên cạnh đó, các loại hoa cắm để dâng lễ đều tăng giá như hoa hồng 5.000-8.000 đồng/bông, hoa ly từ 15.000- 30.000 đồng/bông, hoa cúc từ 5.000 - 6.000 đồng/bông, hoa lay ơn từ 12.000 - 15.000 đồng/bông... Các loại quả tươi cũng nhích lên như thanh long 25.000 - 35.000 đồng/kg, xoài 50.000 - 55.000 đồng/kg, na 35.000 - 55.000 đồng/kg, dưa hấu 20.000-25.000 đồng/kg, nho từ 150.000-250.000 đồng/kg...
Đối với các mặt hàng thủy hải sản tươi sống, giá cả các mặt hàng này cũng nhích lên so với ngày thường như tôm sú từ 250.000 - 400.000 đồng/kg, mực ống từ 150.000 - 250.000 đồng/kg, bạch tuộc sữa từ 150.000-160.000 đồng/kg, cá tầm 330.000 đồng/kg; giá thịt lợn hiện đang ở mức từ 130.000 - 150.000 đồng/kg tùy loại; giá thịt bò ở mức từ 220.000 - 270.000 đồng/kg tùy loại, giò lợn 220.000 đồng/kg, chả ram tôm 160.000 đồng/kg... Giá gà trống từ 130.000 - 140.000 đồng/kg, giá gà mái ở mức thấp hơn khoảng 100.000-110.000 đồng/kg...
Bác Lê Thị Hằng, ở phố Hàm Long, quận Hoàn Kiếm cho biết, Rằm tháng Bảy là ngày lễ quan trọng trong năm còn gọi là Tết Trung nguyên, lễ Vu Lan báo hiếu. Lễ cũng cho ngày này thường có các lễ: cúng phật, cúng thần linh, cúng gia tiên, cúng thí thực cô hồn và cúng phóng sinh. Ngày lễ này gia đình bác làm lễ cúng Trời Phật, gia tiên tiền tổ để con cháu tưởng nhớ tới công lao sinh thành của ông bà, cha mẹ và biết ơn các điểm tựa Trời Phật, hồn thiêng sông núi.
"Tưởng nhớ không phải ở chỗ mâm cao, cỗ đầy, mà ở thái độ và tâm của mỗi con người. Đây cũng là dịp ông bà cha mẹ và con cháu trong gia đình quây quần bên nhau để tưởng nhớ tổ tiên và cùng sum họp gia đình. Đây cũng là nét văn hóa đẹp "uống nước nhớ nguồn" của cha ông ta"- bác Lê Thị Hằng chia sẻ.
Vì vậy, những ngày này thị trường phục vụ cho ngày lễ cúng Rằm tháng Bảy sôi động, phong phú và đa dạng tùy theo nhu cầu của mỗi gia đình. Nổi bật, dịch vụ đi chợ online thu hút được đông đảo các bà nội chợ. Từ mua thực phẩm để tự sơ chế đến những mâm cỗ đầy đủ các món chay, mặn với giá cả phù hợp nhu cầu.
Các sản phẩm hoa quả trên chợ online đang khá đắt khách và thường được các chủ shop bán theo combo. Cụ thể, na Đồng Bành (Lạng Sơn) size 3-5 quả/kg giá 120.000 đồng/3kg; na size nhỏ hơn được bán với mức giá 100.000 đồng/3kg. Trong khi đó, na Thái (Sơn La) được chào bán với mức giá 80.000 đồng/kg, đóng thùng 5 kg (5-7 quả/thùng); nhãn quê 100.000 đồng/5kg. Hoa sen quan âm cũng được bán với giá 120.000 đồng/10 bông với 2 màu trắng và hồng, nếu kèm thêm thị thì cửa hàng báo giá 55.000 đồng/kg
Cùng với hoa quả, các gà mái ri, trống quê được làm sẵn cũng được các chủ shop bán hàng online chào mời với mức giá rất hấp dẫn từ 110.000 - 180.000 đồng/con (nặng từ 1,5 - 1,7 kg/con), mua từ 2 còn còn được giảm giá 10.000 đồng/con và miễn phí ship. Chả sụn sống được quảng cáo làm từ sụn non, người dùng chỉ cần giã đông rồi rán trên lửa nhỏ được bán với giá 140.000 đồng/kg.
Chị Bùi Hằng Trang, nhân viên văn phòng công ty TNHH DO GREEN ở quận Long Biên cho biết, do tính chất công việc nên chị hay đi chợ online, dịp này chợ rất đa dạng hàng hóa từ rau, hoa, trái cây, xôi, bánh đến thịt, hải sản dễ dàng lựa chọn theo nhu cầu gia đình với giá cả hợp lý.
Cùng với những mâm cỗ truyền thống, những mâm cỗ chay cũng được rất nhiều người dân lựa chọn cho ngày Rằm tháng Bảy. Nắm bắt được nhu cầu đó, nhiều hàng quán, khách sạn, địa chỉ online đã lên đơn cho khách tấp nập từ rất sớm.
Chị Nguyễn Lan Anh, ở phố Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng chuyên bán đồ chay và nhận làm cỗ cho biết, cửa hàng đã nhận đơn của khách từ tháng 6 âm lịch. Năm nay nhu cầu đặt mâm cỗ chay cao hơn năm ngoái bởi không vướng dịch bệnh. Hiện tại, cửa hàng chị đã nhận được 100 đơn, gấp đôi so với năm ngoái. Với số lượng đơn cao nên bếp đã nhập về một số loại nguyên liệu để sơ chế dần.
"Càng gần Rằm tháng Bảy, cửa hàng phải huy động nhân lực, làm hết công suất cả ngày và đêm thì mới kịp trả đơn cho khách", chị Lan Anh chia sẻ.
Còn theo anh Phạm Mạnh Dũng, người chuyên bán hàng online về thực phẩm chay cho biết, hiện tại giá mâm cỗ chay khá đa dạng. Thấp nhất từ 450.000 - 600.000/mâm. Ngoài ra còn có mâm cỗ giá cao hơn tùy thuộc vào số lượng món, nguyên liệu theo yêu cầu của khách, có thể lên tới hơn triệu đồng một mâm cỗ.
Ngoài những mâm cỗ nấu sẵn như thế, anh Dũng cũng phục vụ cả những mâm cỗ sơ chế. Khách đặt chỉ nấu chín là có thể bày biện để cúng ngay. Theo anh Dũng, xu hướng hiện nay khách thích chọn mâm cỗ có sử dụng các nguyên liệu tự nhiên từ sen, các loại nấm, rau củ... hơn là thực phẩm chay dạng công nghiệp.
Một trong những hoạt động ý nghĩa nhằm báo ơn báo hiếu cho ông bà, cha mẹ trong Ngày Vu Lan đó chính là nên làm nhiều việc thiện, tích phước cầu an. Những ngôi chùa sẽ là địa điểm để mọi người có thể lui tới cầu siêu, cầu bình an, sức khoẻ, may mắn và hạnh phúc đến cho ông bà, cha mẹ và tất cả thành viên trong gia đình.
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Bắc Ninh: Khởi sắc trong hoạt động sản xuất công nghiệp
Ngân hàng Thế giới: Lộ trình để Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập cao
Không để thiếu hàng, tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán
Nhân rộng mô hình thí điểm thành công Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao
Ninh Thuận: Liên kết chuỗi giá trị hướng đến xuất khẩu sản phẩm lợi thế
Kon Tum: Lý do khó phát triển diện tích chanh dây
Chuỗi tỷ USD rót vào sản xuất xanh
Làng hoa An Lạc hối hả chuẩn bị vụ Tết
Năng suất lúa sản xuất theo hướng hữu cơ tăng từ 10 - 15%
Xanh hóa quy trình sản xuất và chế biến trong xuất khẩu cá tra