Sôi động thị trường sản phẩm công nghệ mùa dịch COVID-19

03/03/2021 10:10

Sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, một số tỉnh, thành phố lớn buộc phải giãn cách xã hội do sự lây lan của dịch COVID-19. Điều này, khiến người dân phải tạm dừng các hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm việc công sở, kể cả là học tập theo phương thức trực tiếp.

Chú thích ảnh

Giáo viên Hải Phòng giảng dạy online trên phần mềm trực tuyến Microsoft Teams 365. Ảnh: Minh Thu/TTXVN

Để duy trì đời sống xã hội và thích ứng với bối cảnh tái dịch, nhiều bộ, ngành và địa phương cùng một số cơ quan, doanh nghiệp đã sáng kiến ứng dụng công nghệ kết nối trực tuyến nhằm tạo điều kiện cho cán bộ quản lý và người lao động có thể làm việc từ xa hay giáo viên và học sinh các trường phổ thông vẫn được lên lớp giảng và dạy học trên nền tảng số.

Đây chính là lý do khiến thị trường các sản phẩm công nghệ như máy tính để bàn, laptop, máy tính bảng hay card mạng viễn thông... trở nên sôi động.

Bà Lê Thị Hương Giang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại máy tính An Phát cho hay, sử dụng công nghệ trực tuyến phục vụ công việc của người lao động và học tập của các cháu học sinh là quyết định sáng suốt của ngành giáo dục và các cơ quan công sở. Cũng nhờ đó, hỗ trợ phần nào giúp các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ, máy tính điện tử giảm bớt khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến liên miên từ năm 2020 tới nay. 

Riêng trong khoảng tháng 2/2021, doanh số các mặt hàng, sản phẩm công nghệ được bán ra thị trường tăng trưởng từ 50 - 60% so với cùng kỳ năm trước và đủ bù đắp cho hơn 1 tuần lễ nghỉ Tết nguyên đán. Nhu cầu thị trường tăng đột biến khiến cho nhà cung cấp và các hãng sản xuất không đủ lượng hàng để cung cấp.

"Rất may, An Phát đã có sự chuẩn bị từ trước nên dự trữ 1 lượng hàng nhất định tạm đủ đáp ứng nhu cầu của một số cơ quan đối tác và các gia đình có trẻ nhỏ đang học phổ thông. Thực tế, nếu các hãng máy tính phân phối số lượng nhiều hơn, chắc chắn doanh số sản phẩm được An Phát bán ra sẽ còn cao hơn mức đã đề cập", bà Giang nhấn mạnh. 

Nhìn lại thời điểm dịch COVID-19 năm 2020, khi các doanh nghiệp đều như "ngồi trên đống lửa" vì đa phần các hình thức kinh doanh truyền thống và phổ biến đều bị tạm dừng do giãn cách xã hội, bà Giang cho biết, trong mọi khó khăn, An Phát luôn nghiên cứu các giải pháp để tìm hướng đi cho riêng mình, tranh thủ nắm bắt cơ hội để không chỉ duy trì hoạt động của toàn hệ thống, mà còn phải tận dụng thời cơ để tạo động lực thúc đẩy sự tăng trưởng.

Giai đoạn này chính là 1 trong những điển hình bởi nhờ những kế hoạch kịp thời, An Phát vẫn được giữ nhịp kinh doanh ổn định. Khó khăn của đại dịch không làm doanh nghiệp chùn bước và tụt lùi; thậm chí còn là thách thức để An Phát trở nên vững vàng, mạnh mẽ và phát triển tốt hơn trong tương lai. 

Ông Nguyễn Sơn, đại diện Cửa hàng Máy tính số 100 Thái Thịnh cho biết, trong đợt tái dịch vừa qua, khi một số địa phương và Hà Nội buộc phải giãn cách và quyết định cho các trường phổ thông chuyển phương thức dạy và học trực tuyến qua nền tảng zoom, nhiều gia đình đã tất bật mua sắm thêm phương tiện để con em có thể theo kịp chương trình dạy học của trường.

Mặt hàng bán chạy tại đây lại là các máy tính "lướt" - đã qua sử dụng với giá thành từ từ 1 - 3 triệu đồng. Bởi quan điểm của nhiều cha mẹ là học trực tuyến chỉ mang tính chất tạm thời, không thể tiến hành lâu dài, khi dịch lắng xuống, con em lại tới trường thì việc đầu tư thiết bị công nghệ đắt tiền lại là sự lãng phí. Hơn nữa, đây cũng là giải pháp phù hợp đối với nhiều gia đình có mức thu nhập thấp hoặc gia đình đông con, cùng đang trong độ tuổi học phổ thông, đều cần phải sử dụng máy tính để học zoom. 

Đồng quan điểm, ông Bùi Ngọc Quang, một cư dân thuộc phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm cho hay, triển khai học trực tuyến qua nền tảng zoom có nhiều lợi ích và giúp duy trì thói quen học tập của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, phía người sử dụng cũng gặp nhiều bất tiện do phải phụ thuộc vào chất lượng đường truyền. Số lượng các sản phẩm VGA (card màn hình) không nhiều, giá thành lại cao nên không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Sau bối cảnh tái dịch COVID-19 và buộc phải tổ chức dạy - học trực tuyến để giãn cách xã hội thì sử dụng nền tảng zoom có thể là 1 giải pháp tình thế. Tuy nhiên, nếu còn kéo dài, ông Quang cho rằng, ngành giáo dục cần nghiên cứu giải pháp để triển khai ngay và rộng khắp việc sử dụng nền tảng số một cách đơn giản, dễ dàng và kinh tế đối với người sử dụng; thuận lợi và thống nhất, tiện cho các cơ quan và đơn vị triển khai. Có như vậy mới thúc đẩy được thành phong trào và khuyến khích toàn dân, toàn xã hội hướng tới xây dựng 1 quốc gia số, 1 nền kinh tế số ổn định và vững mạnh.

 

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới