Siết chặt kiểm soát thị trường cuối năm

22/12/2023 10:07

Nhằm bảo đảm bình ổn thị trường cuối năm và dịp lễ, Tết, trong cao điểm cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán 2024, để giữ thị trường ổn định, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã thực hiện cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường cuối năm, ngăn chặn hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hành vi tăng giá bán bất hợp lý mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, gây bất ổn thị trường.

Chú thích ảnh

Đội quản lý thị trường huyện Bắc Hà (Lào Cai) tăng cường kiểm tra kiểm soát các mặt hàng tiêu dùng thiệt yếu dịp cuối năm tại một siêu thị trên địa bàn thị trấn. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ - Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết: Cuối năm và Tết Nguyên đán đến gần cũng là thời điểm nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, dự báo sẽ là khoảng thời gian tình hình buôn lậu có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn, phương thức tinh vi.

Chính vì vậy, nhiều thương lái bất chấp lợi nhuận tham gia buôn lậu nhằm tuồn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vào thị trường nội địa để tiêu thụ. Cùng đó, cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng bất chấp lợi nhuận để đưa ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ảnh hưởng tới quyền lợi và sức khoẻ người tiêu dùng.

Theo ông Nguyễn Đức Lê, các mặt hàng bị làm giả và nhập lậu nhiều vào thời điểm này là hàng thiết yếu như: dầu ăn, bánh kẹo, đường cát, rượu, bia, thuốc lá điếu, mỹ phẩm, dược phẩm… Ngoài ra, còn có các loại mặt hàng khác nguy hiểm như: chất gây nổ, pháo, chất kích thích, ma tuý… Bởi, các đối tượng nhập lậu và sản xuất hàng giả theo nhu cầu của “thượng đế” và bất chấp mọi thủ đoạn để qua mắt lực lượng chức năng. 

Nhận định về vấn đề này, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho hay: Bám sát sự chỉ đạo, điều hành năm 2023 của Chính phủ, Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường đã triển khai tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm như chủ động giám sát, tấn công hàng giả trên môi trường mạng, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin vào khâu nghiệp vụ; đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, tăng cường kỷ luật, kỷ cương… 

Theo báo cáo tổng kết năm 2023, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã đã phát hiện, kiểm tra 71.910 vụ việc và xử lý 52.349 vụ vi phạm, tăng 16% so với năm 2022. Nhiều vụ việc trọng tâm, trọng điểm, tương đối phức tạp liên quan đến hàng giả, hàng lậu tại một số địa phương đã bị lực lượng quản lý thị trường triệt xóa. 

Tuy nhiên, theo ông Trần Hữu Linh, để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đòi hỏi lực lượng quản lý thị trường cần nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước cũng như hoạt động công vụ quản lý thị trường.

Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) vừa ký ban hành Kế hoạch Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Kế hoạch nêu rõ, cùng với nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao vào các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, dự báo tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá, gian lận thương mại và hàng giả đối với các mặt hàng cấm (như ma túy, pháo nổ, vật liệu nổ...) và hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng (như xăng dầu, khí hoá lỏng, khoáng sản, phân bón, đường cát, lương thực, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng điện tử...) có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, hiện đại hơn trên tất cả các tuyến, lĩnh vực, nhất là tuyến biên giới đất liền, vùng biển, cảng hàng không quốc tế và địa bàn nội địa trọng điểm trong cả nước.

Để chủ động kiểm soát tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia ban hành Kế hoạch nhằm tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương chủ động, kịp thời kiểm soát tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Song song đó, chủ động phương án bố trí lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát chặt chẽ trên các tuyến biên giới; cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường sông, đường biển, đường hàng không và các đường mòn, lối mở, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới để ngăn chặn hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá vào nội địa. Đặc biệt, tập trung vào hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng nhập khẩu có điều kiện, hàng thuế suất cao, hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán...

Xác định việc đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ chính trị quan trọng, Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, địa phương đã tăng cường kiểm tra những khu vực tập kết hàng hóa gần khu công nhân, chợ đầu mối, những địa bàn hàng hóa trọng điểm; đồng thời, phân công nhiệm vụ và xác định rõ trách nhiệm quản lý, kiểm soát địa bàn cho từng đội quản lý thị trường.

Ông Nguyễn Hùng Em, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Cần Thơ chia sẻ: Từ nay đến cuối năm, Cục Quản lý thị trường thành phố Cần Thơ sẽ tiến hành kiểm tra, kiểm soát đối với những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thương mại.

Bên cạnh đó, Cục còn chú trọng kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp Tết để tăng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường, nhất là mặt hàng thiết yếu được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2024. 

Ngoài ra, lực lượng sẽ tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý nhằm góp phần đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân. 

Mặt khác, Cục cũng chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường trực thuộc chú trọng kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết; chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, nhất là với những mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao; tập trung kiểm tra, kiểm soát hàng hóa tại các chợ truyền thống; các điểm buôn bán trên tuyến đường; cơ sở sản xuất, kinh doanh. 

Cũng trong cao điểm kiểm tra kiểm soát hàng hoá cuối năm, Đội Quản lý thị trường số 2 - Cục  phối hợp cùng Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Ninh Bình tiến hành kiểm tra đột xuất đối với Cửa hàng gia dụng siêu rẻ Nho Quan có địa chỉ tại phố Tân Lập, thị trấn Nho Quan, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình do ông Màn Xuân Toản làm chủ hộ. 

Qua kiểm tra phát hiện cửa hàng đang bày bán 20kg ngô cay, 23kg kẹo lạc, 15kg hạt điều khô không gắn nhãn hàng hoá, không có bất kỳ thông tin nào gắn trên bao bì sản phẩm, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Số lượng hàng hoá 80 bộ dầu gội, xả do nước ngoài sản xuất, không có hoá đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Đoàn kiểm tra phát hiện cửa hàng chuyển địa điểm kinh doanh nhưng không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện. 

Do đó, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trên với số tiền phạt hành chính 31,5 triệu đồng, trị giá hàng hoá tịch thu ước tính 24 triệu đồng, buộc tiêu huỷ toàn bộ hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ là thực phẩm có trị giá 8,3 triệu đồng.

Đại diện Tổng cục Quản lý thị trường khẳng định: Trước bối cảnh giao thương ngày càng được mở rộng và phát triển, tình trạng vi phạm trong hoạt động thương mại, nhất là trên môi trường thương mại điện tử vẫn còn gia tăng và nhiều khó khăn thách thức. Điều này đòi hỏi lực lượng Quản lý thị trường cần làm tốt hơn nữa nhiệm vụ kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; trong đó, phải phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng khác, bảo vệ sự phát triển của nền kinh tế, quyền lợi của doanh nghiệp, các tổ chức và người dân. Đẩy mạnh số hóa, áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào quản lý điều hành và kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng quản lý thị trường. 

Đặc biệt, phải đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, nếu để xảy ra tình trạng buôn lậu kéo dài hoặc nghiêm trọng trên địa bàn nào người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm; đồng thời gắn với trách nhiệm xây dựng lực lượng quản lý thị trường trong sạch, vững mạnh từ Trung ương đến địa phương. Qua đó, góp phần bình ổn thị trường, từng bước làm lành mạnh môi trường kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; đóng góp vào hiệu quả quản lý nhà nước; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng trong những năm tiếp theo.
 
Nguồn: baotintuc.vn
Viết bình luận mới