Sản xuất công nghiệp: Hóa giải thách thức, tạo ‘đòn bẩy’ dẫn dắt tăng trưởng
28/12/2023 16:48
Theo chuyên gia, việc phục hồi các hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo không chỉ góp phần tăng trưởng kinh tế mà quan trọng là tiếp tục thực hiện định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Việt Nam năm 2023 tiếp tục chịu nhiều tác động từ biến động cung-cầu của thế giới. Đơn hàng giảm dẫn tới tiêu thụ các mặt hàng công nghiệp đi xuống.
Vì vậy, để tiếp tục giữ vai trò “động lực dẫn dắt tăng trưởng” của nền kinh tế, cần nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất-kinh doanh, cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn cao của nhà nhập khẩu.
Khó khăn khi tiêu dùng sụt giảm
Những dấu hiệu sụt giảm tiêu dùng đã xuất hiện từ năm 2022. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, rất nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam như dệt may, da giày, đồ gỗ, sắt thép, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện… bị giảm đơn hàng.
Lần đầu tiên sau hơn hai mươi năm phát triển, nền kinh tế đã ghi nhận mức tăng trưởng “âm” tới 6,3% về chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trong 2 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo giảm sâu tới 6,9%.
Cũng tại thời điểm đó, đã có tới 15 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm mạnh trong quý đầu năm so với cùng kỳ năm trước, trong đó, 4 trung tâm phát triển công nghiệp trọng điểm là Bắc Ninh, Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu và Vĩnh Phúc tăng trưởng âm kéo theo giá trị tăng thêm của toàn ngành công nghiệp giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước - là mức giảm sâu nhất của cùng kỳ các năm trong suốt 12 năm trở lại đây.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, thị trường của phần lớn các ngành công nghiệp chủ yếu hướng vào xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào thị trường toàn cầu do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của nội địa, đặc biệt là đối với các ngành hàng như dệt may, da giày, điện tử, chế biến thực phẩm, thép xây dựng…
Tuy nhiên, do kinh tế thế giới suy giảm, cầu tiêu dùng vẫn ở mức thấp ảnh hưởng lớn tới các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong nước, dẫn đến sản xuất công nghiệp sụt giảm đáng kể và hồi phục rất chậm.
"Sản xuất công nghiệp phục hồi chậm, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn, chi phí đầu vào, chi phí vốn, chi phí tuân thủ còn cao; năng lực sản xuất công nghiệp chậm được cải thiện, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp có tính nền tảng, then chốt. Mức độ liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành và liên ngành còn hạn chế; liên kết giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước còn yếu," Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho hay.
Đánh giá tác động của việc sụt giảm này, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, trong các phân ngành công nghiệp thì công nghiệp chế biến chế tạo đóng vai trò chủ đạo, tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất cho khu vực công nghiệp, cũng như đóng góp trong GDP hàng năm lớn nhất, qua đó tác động lan tỏa tổng thể đến chất lượng tăng trưởng kinh tế.
Phần lớn các lĩnh vực quan trọng của kinh tế đất nước trực tiếp hoặc gián tiếp đều phụ thuộc vào khu vực sản xuất. Công nghiệp chế biến chế tạo cũng là nguồn cung việc làm dài hạn và thu nhập ổn định.
Với nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, sản xuất hàng hoá chủ yếu phục vụ xuất khẩu, khi sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tới hơn 85% kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của cả nước thì hệ quả của giảm sản xuất sẽ kéo theo khó khăn của doanh nghiệp trong hoạt động, mở rộng sản xuất, trả nợ vay ngân hàng, đảm bảo việc làm, thu nhập của người lao động, thu ngân sách, phúc lợi và an sinh xã hội…
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh đánh giá việc phục hồi các hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo không chỉ góp phần tăng trưởng kinh tế mà quan trọng là tiếp tục thực hiện định hướng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Khơi thông thị trường, tạo sức bật mới
Được đánh giá là lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, do vậy, trước những khó khăn của thị trường, rất nhiều các biện pháp cấp bách để hỗ trợ thị trường, thúc đẩy sản xuất đã được đưa ra, trong đó có việc kích cầu đầu tư công các dự án lớn trong lĩnh vực hạ tầng, giao thông, năng lượng để tạo thị trường cho một số ngành hàng như sắt thép, xi măng, vật liệu xây dựng, phương tiện vận tải, cơ khí xây lắp và chế tạo… đồng thời với đẩy mạnh giao thương xuất khẩu hàng hóa.
Ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo liên quan đến cả một chuỗi sản xuất, tập trung từ nguyên liệu đầu vào, công nghiệp luyện kim nền tảng. Đặc biệt là trong thời gian vừa qua chúng ta cũng đã phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ nước ngoài, cho nên phát triển nguyên vật liệu để phục vụ phát triển sản xuất trong nước rất quan trọng.
Theo ông, với một số ngành trọng tâm trọng điểm chế biến, chế tạo, như cơ khí, gia công hay điện tử thì tiếp tục phát triển, tập trung vào nâng cao năng lực doanh nghiệp trong nước đối với những ngành nghề, lĩnh vực như vậy…
Với những giải pháp đồng bộ và quyết liệt, hoạt động sản xuất và các đơn hàng đã hồi phục dần trở lại, song mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp năm 2023 ở mức thấp nhất kể từ năm 2017 đến nay, đòi hỏi cần phải có thêm nhiều nỗ lực mạnh mẽ hơn từ chính sách.
Trong các cơ chế, chính sách đó thì cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt là đơn giản hóa các quy định, điều kiện, thủ tục đầu tư xây dựng… để đẩy nhanh tiến độ đưa các dự án đầu tư xây dựng mới trong các ngành công nghiệp vào hoạt động là vô cùng quan trọng.
Cùng với đó, phải có cơ chế thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp tư nhân trong nước vào chuỗi sản xuất công nghiệp toàn cầu thông qua liên kết với các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, nếu nhìn dòng vốn FDI trong thời gian vừa qua thì rõ ràng là doanh nghiệp FDI về chế biến, chế tạo, trong lĩnh vực điện thoại, linh kiện điện tử tăng trưởng rất nhanh, trong khi mức độ này vẫn còn chậm ở nhiều doanh nghiệp tư nhân trong nước khi chuyển dịch lên những ngành có giá trị gia tăng cao hơn, có giá trị xuất khẩu cao hơn.
“Giải pháp ở đây là làm sao thúc đẩy các doanh nghiệp tư nhân trong nước phải hoạt động tốt hơn, cũng như phải được tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu một cách chủ động và hiệu quả hơn,” chuyên gia này khuyến nghị.
Các dự báo cho thấy, năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức tác động trực tiếp, nhiều chiều tới nền sản xuất trong nước. Trong đó phải kể đến các điều kiện về sản xuất xanh và tiêu dùng bền vững - đáng kể như “cơ chế điều chỉnh biên giới carbon” (CBAM) được Liên minh châu Âu (EU) chính thức áp dụng cho 6 loại hàng hóa công nghiệp nhập khẩu vào nước này kể từ đầu tháng 10/2023.
Đây cũng là đòi hỏi của nhiều thị trường đối tác nhập khẩu lớn các mặt hàng công nghiệp chủ lực và có thế mạnh của Việt Nam. Tất cả các yêu cầu ấy đòi hỏi Việt Nam cần tiếp tục có các chính sách mạnh mẽ và phù hợp hơn, bởi muốn tăng tốc phát triển công nghiệp, phải có những đột phá trong xuất khẩu.
Tiến sỹ Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) lưu ý việc đẩy mạnh hướng dẫn để doanh nghiệp xây dựng những báo cáo và tuân theo những quy trình sản xuất cũng như đáp ứng được Chứng chỉ Xanh để xuất khẩu vào thị trường EU.
Bên cạnh đó, hướng dẫn các doanh nghiệp kiểm soát được quy trình sản xuất, kiểm soát được tất cả các mức độ phát thải của mình đối với hàng sản xuất không chỉ đối với quy trình sản xuất và dịch vụ hàng hóa, kể cả những nguồn nguyên liệu và các vấn đề khác liên quan đến để xây dựng được các báo cáo về đáp ứng tiêu chuẩn của EU…
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc phải lựa chọn những ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh và có tác động lan tỏa đến các ngành kinh tế khác để ưu tiên phát triển, đồng thời cũng phải là các ngành sử dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, có thế mạnh về xuất khẩu, có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao và có khả năng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu…/.
Nguồn: vietnamplus.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng
Vùng ngọt hóa Gò Công bội thu rau màu Thu Đông
Tạo cơ chế chủ động thu hút đầu tư vùng Đông Nam Bộ
Quảng Ninh: Thúc đẩy trồng trọt vụ Đông để khắc phục thiệt hại do bão số 3
Nông sản tìm cơ hội trong thách thức xuất khẩu
Doanh thu bán lẻ từ thị trường thương mại điện tử sẽ tăng mạnh vào năm 2025
Sản lượng lúa các tỉnh phía Bắc năm 2024 đạt trên 12,7 triệu tấn
Xuất khẩu gỗ tìm được cơ hội lội ngược dòng để về đích vượt mục tiêu
Dong riềng được mùa, được giá, làng miến Bình Lư tất bật vào vụ sản xuất
Quảng Ninh: Tốc độ sản xuất nuôi trồng thủy sản đang phục hồi rất khả quan