Petrovietnam: Chuẩn bị tốt nguồn lực khi được giao làm chủ đầu tư điện hạt nhân
20/02/2025 17:26
Chủ tịch HĐTV Petrovietnam đề nghị tập đoàn cần cố gắng cao ở mức cao nhất, để thực hiện bằng được nhiệm vụ chính trị khi được Chính phủ giao làm chủ đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Hội thảo Điện Hạt nhân - Khát vọng mới Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Ngay sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, chiều 19/2, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã tổ chức Hội thảo “Điện Hạt nhân-Khát vọng mới Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia Việt Nam.”
“Chìa khóa” hướng tới mục tiêu Net Zero
Tại Hội thảo, các chuyên gia đều đồng tình rằng điện hạt nhân là giải pháp tối ưu trong bối cảnh biến đổi khí hậu và khủng hoảng năng lượng. Năng lượng này sẽ trở nên quan trọng và tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, có vai trò lớn trong đảm bảo an ninh năng lượng. Điện hạt nhân hiện có phát thải ít nhất trong các loại hình năng lượng tái tạo, tạo ra nguồn điện công suất lớn, ổn định, phù hợp với bối cảnh hiện nay, nhất là hướng tới mục tiêu Net Zero.
Từ kinh nghiệm các nước, Tiến sỹ Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam nhấn mạnh ba trụ cột của điện hạt nhân, gồm: Nhà máy điện; pháp quy hạt nhân và an toàn hạt nhân, cùng với công tác nghiên cứu phát triển. Ở Việt Nam, từ tháng 7/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm nhà máy điện nguyên tử Obninsk (Liên Xô), mở đường cho quá trình nghiên cứu về điện hạt nhân của nước ta. Sau đó, Việt Nam đã có Chương trình phát triển điện hạt nhân nhiều thập niên trước và đã triển khai tích cực từ 1996- 2016, với các kết quả vẫn còn giá trị.
“Hiện Việt Nam đang nỗ lực triển khai các dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận, đã quy hoạch được địa điểm, xây dựng hệ thống pháp quy, đào tạo nguồn nhân lực hạt nhân. Chúng ta cần khẩn trương tiếp tục những kết quả đã chuẩn bị từ trước năm 2016 bởi phát triển điện hạt nhân cần thời gian dài, trong đó, nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng để thành công và công tác hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt hệ thống pháp quy hạt nhân thông qua sửa Luật Năng lượng nguyên tử là nhiệm vụ cần thiết,” Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam khuyến nghị.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã giải trình, làm rõ các ý kiến đóng góp và nhấn mạnh sự cần thiết của việc ban hành Nghị quyết về cơ chế đặc thù, để đảm bảo tiến độ và hiệu quả của dự án trọng điểm này.
Làm rõ hơn về các thế hệ công nghệ điện hạt nhân hiện nay, Tiến sỹ Lê Văn Hồng, nguyên Phó Viện trưởng, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam cho biết công nghệ điện hạt nhân hiện nay đang phát triển ở thế hệ cao nhất. So sánh sơ đồ nguyên lý của nhà máy điện hạt nhân, tiến sỹ Lê Văn Hồng nhận định có một vài điểm giống với các nhà máy nhiệt điện mà Petrovietnam đã xây dựng. Đây là thuận lợi của Tập đoàn nếu được giao làm chủ đầu tư dự án.
Một nội dung quan trọng khác về phát triển điện hạt nhân được Hội thảo tập trung làm rõ là cơ sở hạ tầng và khung pháp lý xây dựng các nhà máy. Theo Thạc sỹ Nguyễn An Trung, quyền Trưởng ban, Ban Hợp tác Quốc tế, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, quá trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân cần tuân thủ theo Hiệp định liên Chính phủ, Công ước và Điều ước quốc tế; Luật, Nghị định, Quyết định của Thủ tướng; Thông tư; Tiêu chuẩn kỹ thuật Quốc gia.
Các chuyên gia đầu ngành năng lượng nguyên tử tại Hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Trong 5 thách thức lớn của năng lượng hạt nhân (an toàn, tính kinh tế, nhiên liệu đã qua sử dụng, chống phổ biến vũ khí hạt nhân, sự chấp nhận của công chúng), thì yếu tố an toàn chính là thách thức lớn nhất, bao gồm kiểm soát phản ứng chuỗi, tải nhiệt phân rã và lưu giữ phóng xạ.
Làm rõ nội dung này, Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Văn Thái, Phó Viện trưởng, Viện Vật lý kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội đã giới thiệu về tiêu chuẩn an toàn hạt nhân của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) khi “đạt được điều kiện vận hành phù hợp, có khả năng phòng ngừa tai nạn và giảm thiểu hậu quả tai nạn, giúp bảo vệ người lao động, công chúng và môi trường khỏi các nguy cơ tác động quá mức về bức xạ.”
Trong những vấn đề lớn của xây dựng điện hạt nhân không thể không nhắc đến tính kinh tế. Từ nghiên cứu thời gian trung bình xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên thế giới, Tiến sỹ Hoàng Anh Tuấn, nguyên Cục trưởng, Cục Năng lượng Nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng Việt Nam có thể tìm cách tiết kiệm thời gian xây dựng để tiết kiệm chi phí.
Theo ông Tuấn, năng lượng hạt nhân có chi phí cạnh tranh với các hình thức phát điện khác, trừ những nơi có thể tiếp cận trực tiếp với nhiên liệu hóa thạch chi phí thấp. Chi phí nhiên liệu cho các nhà máy hạt nhân chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng chi phí phát điện, mặc dù chi phí vốn lớn hơn so với các nhà máy đốt than và lớn hơn nhiều so với các nhà máy đốt khí. Đáng chú ý, chi phí hệ thống cho năng lượng hạt nhân thấp hơn rất nhiều so với năng lượng tái tạo phát điện không liên tục.
“Việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân là điển hình của các dự án cơ sở hạ tầng lớn trên thế giới, với chi phí và những thách thức lớn. Do đó, cần xem xét cung cấp chính sách ưu đãi vốn lớn trong dài hạn để đảm bảo một hệ thống cung cấp điện đa dạng và đáng tin cậy,” Tiến sỹ Hoàng Anh Tuấn khuyến nghị.
Sẵn sàng cho nhiệm vụ lớn
Tại Hội thảo, các ý kiến được đưa ra thảo luận đều được các chuyên gia đầu ngành về năng lượng nguyên tử, điện hạt nhân giải đáp và trao đổi kỹ lưỡng.
Với nhu cầu thực tiễn về năng lượng cho kịch bản đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành nước thu nhập trung bình cao và năm 2045, trở thành nước có thu nhập cao thì vấn đề phát triển năng lượng, đặc biệt là các nguồn điện nền là đặc biệt quan trọng. Cho nên mục tiêu đặt ra là Việt Nam sớm nhất có thể phải có nhà máy điện hạt nhân và theo Thủ tướng chỉ đạo năm 2030 và muộn nhất là 2031 phải đưa nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận vào vận hành thương mại. Đây là mục tiêu rất áp lực và đã áp lực thì phải có giải pháp đặc biệt.
Vậy nên Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trên, bên cạnh những cơ chế đặc biệt này thì các cơ chế, chính sách hành lang khác cũng cần tiếp tục được hoàn thiện song song, nhất là các cơ chế cụ thể cho chủ đầu tư.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, toàn Tập đoàn chuẩn bị tốt nguồn nhân lực, để có sự chuẩn bị trước khi chính thức được Nhà nước giao thực hiện dự án. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Theo ông Lê Mạnh Hùng, trên cơ sở Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị về một số định hướng phát triển của Petrovietnam, trong đó có mục tiêu phát triển Petrovietnam thành Tập đoàn Công nghiệp-Năng lượng Quốc gia. Về mặt chiến lược, Petrovietnam đang từng bước trở thành Tập đoàn Công nghiệp-Năng lượng Quốc gia, mở ra những lĩnh vực về năng lượng mới, năng lượng tái tạo.
Trước yêu cầu phát triển năng lượng của quốc gia, Chủ tịch Petrovietnam yêu cầu trong thời gian tới, lãnh đạo Tập đoàn cùng các kỹ sư và người lao động toàn tập đoàn cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế và tối ưu chi phí vốn; phối hợp với các chuyên gia để tự đánh giá, lựa chọn công nghệ điện hạt nhân trước khi đưa ra quyết định đầu tư.
Đảng ủy Petrovietnam xác định nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy; tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn Tập đoàn về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
“Tôi kêu gọi các lãnh đạo Tập đoàn, người lao động trong Tập đoàn, đặc biệt là các chuyên gia, kỹ sư, kỹ thuật với mục tiêu Petrovietnam trở thành Tập đoàn Công nghiệp-Năng lượng Quốc gia, cần cố gắng cao ở mức cao nhất, chủ động miệt mài học tập, với tinh thần cầu thị cao, quản trị tốt rủi ro để thực hiện bằng được nhiệm vụ chính trị khi được Chính phủ giao, đảm bảo thành công, an toàn cho dự án,” Chủ tịch Hội đồng thành viên Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh./.
Việc Petrovietnam tổ chức Hội thảo ngay sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã thể hiện rõ sự chủ động, trách nhiệm chính trị cao của tập thể lãnh đạo, người lao động Dầu khí trước nhiệm vụ đầy khó khăn, thách thức mà Đảng và Nhà nước giao.
Sự chủ động, quyết liệt của Petrovietnam không chỉ thể hiện qua việc nhanh chóng tổ chức hội thảo mà còn ở cách tiếp cận bài bản, khoa học và có tầm nhìn chiến lược. Trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh quá trình chuyển đổi năng lượng, việc triển khai thành công dự án điện hạt nhân sẽ đánh dấu một bước tiến quan trọng, đưa đất nước tiến gần hơn đến mục tiêu phát triển bền vững và hiện đại hóa ngành năng lượng.
Nguồn: vietnamplus.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Thủ tướng: Đủ điều kiện, năng lực, quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng 8%
VIATT 2025: Kết nối doanh nghiệp dệt may tham gia sâu hơn trong chuỗi cung ứng
Thủ tướng: Duy trì mức tăng trưởng cao, bền vững, liên tục trong 2 thập kỷ tới
Tỷ giá ngày 21/2: Giá đồng USD và nhân dân tệ tăng giảm trái chiều
Lãi suất ngân hàng ngày 21/2: Nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng
Nguồn cung bất động sản cải thiện nhưng giá ở mức cao, người có nhu cầu khó mua
Giá hồ tiêu vượt mốc 150.000 đồng một kg, cao nhất kể từ năm 2016
Dịch vụ chất lượng của VietinBank giúp doanh nghiệp FDI “cất cánh”
Chống lãng phí đất đai, bất động sản: Cần giải quyết gốc rễ định giá đất
Ký biên bản ghi nhớ xây dựng khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ