Nông sản Việt Nam chú trọng chinh phục thị trường nội địa
17/07/2020 09:42
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, việc phát triển thị trường trong nước sẽ có tác dụng giảm áp lực xuất khẩu giúp tăng giá xuất khẩu và khai thác thị trường 100 triệu dân qua đó thúc đẩy sản xuất.
Đại dịch COVID-19 đã khiến xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong 6 tháng đầu năm nay giảm 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Với sức sản xuất lớn của một nước nông nghiệp, việc tiêu thụ nông sản đã và đang trải qua khoảng thời gian gian nan.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá, tác động của đại dịch một lần nữa càng khẳng định vai trò quan trọng của thị trường trong nước với 100 triệu dân.
Đây không chỉ là nơi tiêu thụ hàng hóa mà còn là cơ sở để đảm bảo sự phát triển bền vững kinh tế đất nước; trong đó có nông nghiệp.
Cá tra - sản phẩm chủ lực của không ít địa phương ở lưu vực sông Cửu Long vừa qua được ngành nông nghiệp và các doanh nghiệp tổ chức sự kiện kết nối sản xuất - tiêu thụ tại miền Bắc.
Đây không phải là lần đầu tiên con cá tra được giới thiệu, quảng bá ở khu vực này. Tuy nhiên, những lần trước sự mặn mà của cả doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn chưa đủ để hấp dẫn con cá tra tiến sâu hơn với thị trường miền Bắc.
Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp sản xuất lớn, trước đây thường chỉ đẩy mạnh xuất khẩu do việc bán sản phẩm ra nước ngoài dễ hơn, doanh nghiệp chỉ cần cung cấp cho một đầu mối và số lượng lại lớn.
Trong khi ở trong nước, kênh phân phối chính vẫn là chợ truyền thống, các đầu mối phân phối lớn còn ít. Chính vì vậy, muốn bán hàng ở trong nước, doanh nghiệp phải rất vất vả trong việc tổ chức mạng lưới phân phối. Chưa kể là hệ thống logistics trong nước còn hạn chế, chi phí cao.
Nhưng từ đầu năm đến nay, xuất khẩu cá tra đối mặt với thách thức mới khi dịch đại dịch COVID-19 xảy ra trên thế giới. Dịch diễn biến phức tạp ở nhiều nước đã làm tăng thêm cái khó đầu ra cho cá tra và còn khả năng kéo dài trong thời gian tới.
Xuất khẩu cá sang thị trường Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm giảm trên 15% mà đây là thị trường lớn nhất chiếm đến trên 30% thị phần xuất khẩu. Hay thị trường lớn thứ hai là Hoa Kỳ, chiếm khoảng 16% thị phần cũng giảm trên 24%. Thậm chí thị trường lớn thứ 3 là EU cũng có mức tăng trưởng âm.
Sự sụt giảm quá nhanh và mạnh tại các thị trường lớn, khiến xuất khẩu cá tra gặp rất nhiều khó khăn. Song, đây cũng là động lực thúc đẩy ngành hàng này mở rộng, tìm kiếm thị trường mới.
Riêng với sản phẩm này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá, sau hơn 20 năm phát triển, ngành hàng cá tra với chỉ 6.000 ha nuôi nhưng cho giá trị xuất khẩu tới 2,5 tỷ USD mỗi năm.
Tuy nhiên, để mở rộng sản xuất hơn, giá ổn định hơn thì ngoài mở rộng thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp cần coi trọng thị trường trong nước.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, việc quá chú trọng xuất khẩu nên gây gánh nặng trong việc mở cửa thị trường. Đây là thời điểm các doanh nghiệp cần nhìn nhận lại và coi trọng thị trường nội địa hơn nữa để ngành hàng này phát triển bền vững.
Việc phát triển được thị trường trong nước sẽ có hai tác dụng. Đó là giảm áp lực xuất khẩu sẽ giúp tăng giá xuất khẩu và khai thác được thị trường 100 triệu dân qua đó tăng thêm được sản lượng, thúc đẩy được sản xuất.
“Việc phát triển thị trường trong nước sẽ giúp chúng ta đạt “mục tiêu kép” vừa tăng được sản lượng, vừa tăng giá trị của con cá tra và tạo ra một thị trường tiêu thụ với sản phẩm đa dạng, người dân có thêm nhiều lựa chọn cho tiêu dùng,” Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Trước việc xuất khẩu còn nhiều khó khăn, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, thị trường trong nước là ưu tiên hiện nay. Việc tổ chức liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất cá tra và các đơn vị tiêu thụ, đặc biệt tại khu vực phía Bắc phải làm quyết liệt. Khi làm tốt được thị trường trong nước thì thị trường xuất khẩu sẽ phát triển ổn định, bền vững.
Việc đẩy mạnh các sản phẩm có giá trị dinh dưỡng rất tốt cho sức khỏe này còn giúp đa dang hóa khẩu phần ăn của người tiêu dùng, giảm áp lực cho các lĩnh vực sản xuất khác, điều hòa chung trong tổng thể sản xuất của ngành nông nghiệp, đảm bảo lương thực, thực phẩm cho người dân.
Tới đây, chương trình sẽ được nhân rộng ở miền Trung, Tây Nguyên vì nhiều người tiêu dùng vẫn chưa biết đến sản phẩm cá tra.
Tại sự kiện kết nối sản xuất-tiêu thụ cá tra ở miền Bắc vừa qua, không chỉ có 8 biên bản được ký kết hợp tác, nhiều doanh nghiệp khác cũng đang mong muốn liên kết để đưa sản phẩm thủy sản ra phía Bắc. Ngành thủy sản đang tính toán và tin tưởng chỉ riêng tiêu thụ trong nước có thể được 20-30% tổng sản lượng cá tra. Cơ sở trên hoàn toàn có căn cứ khi chỉ riêng một doanh nghiệp đã dự kiến 1 tháng có thể tiêu thụ được 230 tấn sản phẩm, tương đương 1.000 tấn cá tra.
Theo ông Đỗ Lập Nghiệp, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Nam Việt (ANV), sản phẩm cá tra có chất lượng cao, với nhiều sản phẩm đa dạng, nguồn cung ổn định nên việc đáp ứng cho những những khu vực có số xuất ăn lớn là hoàn toàn có thể. Do đó, công ty đã đưa ra thị trường miền Bắc ngay được 100 tấn cho các đơn vị và đã có siêu thị mua hàng để bán thử.
Cá tra có thể chế biến được tới 60 sản phẩm, tuy nhiên phụ thuộc vào thị hiếu của người tiêu dùng, nên ban đầu công ty mới đưa ra khoảng 5-6 sản phẩm chủ lực ra thị trường miền Bắc. Bản thân doanh nghiệp cũng sẽ phải đẩy mạnh quảng cáo sản phẩm, kết nối với các nhà hàng, bếp ăn để từng bước chinh phục thị hiếu người tiêu dùng trong nước, ông Đỗ Lập Nghiệp cho hay.
Không chỉ cá tra, nhiều nông sản khác đã được các ngành chức năng đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, điển hình là các sản phẩm trái cây ít được chế biến như thanh long, dưa hấu… gặp khó xuất khẩu khi dịch COVID-19 mới chỉ xảy ra ở Trung Quốc.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho hay, tình hình dịch COVID-19 còn phức tạp, càng cần phải kích cầu tiêu dùng sản phẩm nội địa. Bộ đã phối hợp với các địa phương tổ chức các tuần lễ hàng nông sản với 2 tuần/phiên chợ tại các địa phương trên cả nước để tạo điều kiện cho hợp tác xã, doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng. Đồng thời giới thiệu tới người tiêu dùng về sự đa dạng, chất lượng các sản phẩm nông sản trong nước.
Thứ trưởng Trần Thành Nam cũng cho biết, hiện cũng có các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hợp tác xã, doanh nghiệp đưa sản phẩm về Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp giới thiệu. Đồng thời có các hỗ trợ về chi phí vận chuyển, hay các cuộc thi sản phẩm người tiêu dùng ưa thích… nhằm khuyến khích các chủ thể sản xuất tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, một sự tiến bộ vượt bậc trong thời gian tái cơ cấu ngành vừa qua là tất cả hàng nông sản Việt Nam không chỉ có chất lượng ngày một nâng cao mà ngay cả trình độ công nghệ chế biến cũng tốt lên.
Nhờ đó, lượng hàng hóa nông sản Việt Nam được tiêu thụ ở thị trường trong nước ngày càng tăng, đặc biệt là các nhóm nông sản thiết yếu đã đảm bảo cho tiêu dùng trong nước./.
Nguồn: vietnamplus.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Doanh nghiệp sẵn sàng nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ
TP Hồ Chí Minh: Doanh nghiệp đẩy mạnh giảm giá kích cầu sức mua dịp cuối năm
Dự báo nhu cầu sử dụng than cho điện tăng trong tháng cuối năm
Chỉ số PMI chững lại do ảnh hưởng của hoạt động xuất khẩu
Giá cà phê tại Bà Rịa - Vũng Tàu cao gấp đôi vụ năm trước
Trái ngọt trên núi đá được mùa, được giá
Người trồng dứa Kiên Giang trúng mùa được giá, thu lời hơn 120 triệu đồng mỗi ha
UOB dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2025 của Việt Nam ở mức 6,6%
Bình Dương ước đạt kỷ lục xuất siêu 10 tỷ USD trong năm 2024
Doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà với chế biến sản phẩm rong biển