Nhu cầu tiêu dùng tăng trưởng, mở ra cơ hội mới cho doanh nghiệp

08/11/2024 16:52

Tính chung 10 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 12,5% và du lịch lữ hành tăng 14,2%.

Tính chung mười tháng, người tiêu dùng trong nước đã mạnh tay chi tiêu xấp xỉ 5,25 triệu nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. (Ảnh: Vietnam+)

Tính chung mười tháng, người tiêu dùng trong nước đã mạnh tay chi tiêu xấp xỉ 5,25 triệu nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. (Ảnh: Vietnam+)

 

Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội do Tổng cục Thống kê công bố ngày 6/11 cho biết nhu cầu tiêu dùng nội địa trong 10 tháng qua tăng mạnh đã thúc đẩy sự tăng trưởng của nhóm ngành dịch vụ và bán lẻ.

Báo cáo chỉ ra tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng Mười ước đạt 545,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu đến từ nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 12,0% và nhóm phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 21,4%.Tính chung 10 tháng, người tiêu dùng trong nước đã "mạnh tay" chi tiêu xấp xỉ 5,25 triệu nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 9,8%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 4,6% (cùng kỳ năm 2023 tăng 7,3%).

Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt gần 4,05 triệu tỷ đồng, chiếm 77,2% tổng mức và tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 10,7%, phản ánh nhu cầu cơ bản của người tiêu dùng.

Đặc biệt, dữ liệu thể hiện sự phát triển mạnh mẽ của các ngành dịch vụ, đặc biệt là du lịch. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống trong 10 tháng ước đạt 602,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,5% tổng mức và tăng 12,5%. Doanh thu du lịch lữ hành cũng tăng ấn tượng đạt 50,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% tổng mức và tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả trên cho thấy sức hút ngày càng lớn của các điểm đến trong nước. Đồng thời, sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch phản ánh sự tin tưởng của du khách đối với nền kinh tế và các dịch vụ du lịch.

Các dữ liệu từ báo cáo cũng chỉ ra các nhóm hàng đồ dùng gia đình, may mặc, vật phẩm văn hoá, giáo dục đều có mức tăng trưởng về bán lẻ là đáng kể. Ngoài ra, sự tăng trưởng này ở các địa phương tương đối đồng đều. Đặc biệt là Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên-Huế, Cần Thơ, Đà Nẵng. Khánh Hòa có mức tăng trưởng nổi bật trong doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch đồng thời thể hiện rõ tiềm năng phát triển.

Qua báo cáo, sự tăng trưởng mạnh mẽ của các nhóm ngành cho thấy sức phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế. Đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ và dịch vụ tận dụng để mở rộng thị phần và tăng trưởng lợi nhuận./.

 

Nguồn: vietnamplus.vn

Viết bình luận mới