Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu 'chới với' khi giá càphê liên tục lập đỉnh
12/04/2024 07:02
Nguồn cung càphê nhân hạn chế có thể sẽ đẩy giá càphê tiếp tục tăng thêm, có khả năng sẽ lên mức 120.000 đồng/kg và việc thu mua của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu càng khó khăn.
Giá càphê nhân tại Việt Nam liên tục lập đỉnh mới, trong khi người dân phấn khởi thì nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lại “chới với” vì tình trạng chậm giao hàng, hủy giao hàng của một số đơn vị thu mua trung gian. Tình trạng này dẫn đến việc đứt gãy chuỗi cung ứng, nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của ngành càphê Việt Nam với đối tác nước ngoài.
Đây là nội dung được nhiều đại biểu chia sẻ tại Hội nghị Ban chấp hành mở rộng Hiệp hội Càphê-Cacao Việt Nam (Vicofa) được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 11/4.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Càphê-Cacao Việt Nam cho biết, trong 6 tháng đầu niên vụ càphê 2023-2024 (từ tháng 10/2023-3/2024), Việt Nam xuất khẩu 956.000 tấn càphê, tổng kim ngạch đạt hơn 3 tỷ USD. Riêng trong tháng 3/2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng 185.000 tấn càphê, kim ngạch xuất khẩu khoảng 680,86 triệu USD, giảm 11,9% về lượng nhưng tăng 41,1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, giá càphê nội địa liên tục lập đỉnh mới, nếu như tháng 3/2023 ở mức 47,000 đồng/kg, đến tháng 10/2023 giá dao động 58,000 đồng/ kg) còn thời điểm hiện tại giá càphê đã ở mức 107,000 đồng/kg.
Theo ông Đỗ Hà Nam, việc giá càphê tăng nhanh và quá cao tạo nhiều thách thức cho các doanh nghiệp trong ngành. Theo đó, giá thu mua càphê đã tăng gấp hơn 2 lần so đầu vụ càphê trước do đó các doanh nghiệp phải huy động nguồn vốn lớn. Tuy nhiên hạn mức tín dụng của các ngân hàng dành cho doanh nghiệp không tăng. Tốc độ tăng nhanh của giá gắn liền với rủi ro cao đối với các doanh nghiệp thu mua hàng để xuất khẩu thông qua các đại lý, thương lái.
Thời gian qua đã có hiện tượng đại lý thu mua và doanh nghiệp thu mua không giao hàng đúng thời hạn quy định trong hợp đồng mua bán cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam gây thiệt hại lớn cho người mua và làm mất uy tín của ngành càphê Việt Nam.
Tình trạng trên có dấu hiệu lan rộng, dẫn đến sự đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất kinh doanh ngành càphê, đó là thách thức lớn nhất, nếu không có giải pháp cân đối sẽ để lại hệ luỵ lâu dài.
Ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Càphê Vĩnh Hiệp nêu vấn đề nhiều hợp đồng giao dịch càphê thời gian gần đây bị trì hoãn giao hàng trong khi giá càphê tăng nhanh và cao có thể xuất phát từ việc giảm và thiếu hụt sản lượng càphê trong vài năm trở lại đây.
Nguyên nhân sâu xa là suốt một thời gian dài khoảng chục năm (2013-2023), giá càphê duy trì mức thấp và không vượt qua 40.000-50.000 đồng/kg dẫn đến một số nông dân chặt bỏ, chuyển đổi sang các loại cây trồng khác như bơ, sầu riêng... Diện tích cây càphê ở các tỉnh Tây Nguyên giảm nhiều nhưng chưa được khảo sát, đánh giá cụ thể dẫn đến nhận định sai về tổng sản lượng.
Theo ông Thái Như Hiệp, sản lượng càphê thực tế thấp hơn tính toán. Các thông tin cho rằng lượng tồn kho càphê trong dân và đại lý còn nhiều không có cơ sở chắc chắn bởi với tâm lý của người dân, khi giá càphê tăng từ dưới 50.000 đồng/kg lên 90.000 đồng/kg chỉ trong vài tháng thì không ai dám dự trữ số lượng lớn. Ước tính sản lượng càphê còn trong dân và đại lý khoảng 300.000 tấn. Trong khi đó, tính trung bình 6 tháng còn lại của niên vụ càphê 2023-2024, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần khoảng 80.000 tấn.
“Nguồn cung càphê nhân hạn chế có thể sẽ đẩy giá càphê tiếp tục tăng thêm, có khả năng sẽ lên mức 120.000 đồng/kg và việc thu mua của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu càng khó khăn. Doanh nghiệp thương mại ký kết hợp đồng mua xa, bán xa sẽ vô cùng rủi ro,” ông Thái Như Hiệp dự báo.
Ông Edward Olivier Helmond, Đại diện Công ty Neumann Gruppe Việt Nam, cho biết: Công ty đã đồng hành cùng ngành càphê Việt Nam trong 3 thập kỷ qua và đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy xuất khẩu càphê Việt Nam. Trong suốt thời gian qua, càphê Việt Nam được đánh giá cao và tạo được vị thế trên thị trường thế giới. Thị trường càphê qua các năm đều có biến động nhưng không đáng kể, tuy nhiên tình hình hiện nay rất đáng lo ngại.
Cũng như các nhà xuất khẩu khác, Neumann Gruppe Việt Nam đang đối mặt với tình trạng nhà cung ứng chậm giao hàng, hủy không giao hàng, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và cả các bạn hàng trong lĩnh vực rang xay.
Đây là những đơn hàng đã được ký kết từ trước, nhưng khi giá càphê nội địa biến động mạnh, nhiều người bán không tôn trọng điều khoản giao hàng như cam kết. Tình trạng này không còn đơn lẻ mà có chiều hướng lan rộng; quan hệ kinh doanh bị phá vỡ, kể cả với các đối tác lâu năm của công ty.
“Một số người bán hàng hủy hợp đồng đã ký trước đó để tìm kiếm khách hàng mới để bán được giá cao hơn nhưng chưa bị chế tài xử lý. Trong khi đó, vì bị chậm giao, hủy hợp đồng các doanh nghiệp rang xay, chế biến buộc phải đi tìm nhà cung ứng khác, nhập khẩu càphê nguyên liệu từ Brazil để duy trì hoạt động sản xuất. Đây là tiền lệ xấu, gây nguy hại cho uy tín của ngành càphê Việt Nam với nhiều đối tác trên thế giới. Nếu kéo dài tình trạng trên, càphê Việt Nam sẽ đánh mất khách hàng, kể cả khách hàng truyền thống vào các quốc gia khác,” ông Edward Olivier Helmond bày tỏ lo ngại.
Đại diện các doanh nghiệp thu mua, chế biến càphê lớn như Nestle Việt Nam, Công ty Càphê Ngon cũng đề cập vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng càphê nguyên liệu trong hai năm trở lại đây. Việc thu mua càphê trong nước ngày càng khó khăn và rủi ro. Do đó, dù đặt mục tiêu duy trì thu mua, tiêu thụ càphê Việt Nam nhưng doanh nghiệp cũng phải xem xét việc nhập khẩu càphê từ các quốc gia khác để duy trì hoạt động sản xuất của các nhà máy chế biến.
Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty Simexco Đắk Lắk cho rằng, từ đầu niên vụ càphê 2023-2024 đến nay, ngành càphê đã vượt qua cơn “đại hồng thủy” với những biến động không thể lường trước. Trong khi nông dân trồng càphê hồ hởi hứng khởi thì các doanh nghiệp xuất khẩu lao đao.
Việc giá càphê tăng “chóng mặt” khiến một số đơn vị thu gom hủy hợp đồng, không giao hàng, làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp xuất khẩu không được giao hàng với các đơn đã ký giá thấp, buộc phải mua bù giá cao hơn để giao cho đối tác. Nhưng khi giá càphê tiếp tục tăng thì doanh nghiệp xuất khẩu lại tiếp tục bị đối tác hủy hợp đồng dẫn đến lỗ chồng lỗ.
Tuy nhiên, theo ông Lê Đức Huy, việc hủy kèo không phải là toàn cảnh bức tranh càphê Việt Nam, vẫn có những doanh nghiệp dù chịu lỗ cũng bằng mọi cách để giao hàng cho đối tác. Vấn đề của ngành càphê là những thách thức lớn hơn như tình trạng suy giảm diện tích, biến đổi khí hậu dẫn đến sụt giảm sản lượng.
Vì vậy, đây là lúc các thành viên trong chuỗi cung ứng càphê cần ngồi lại, trao đổi các vấn đề khó khăn và hợp tác trên tinh thần chia sẻ, đồng hành cùng phát triển. Đồng thời cũng có sự chọn lọc, loại bỏ dần các đơn vị, đối tác kinh doanh thời vụ, không uy tín ra khỏi chuỗi cung ứng.
“Các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm khảo sát, thống kê diện tích cây càphê thực tế để có dự báo chuẩn xác về sản lượng và tình hình cung-cầu. Những địa phương trồng càphê trọng điểm ở khu vực Tây Nguyên cần có giải pháp để tăng sản lượng, chất lượng càphê thông qua việc cải tạo giống, ứng dụng kỹ thuật canh tác mới, thích ứng với biến đổi khí hậu,” ông Lê Đức Huy khuyến nghị./.
Nguồn: vietnamplus.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Trái ngọt trên núi đá được mùa, được giá
Người trồng dứa Kiên Giang trúng mùa được giá, thu lời hơn 120 triệu đồng mỗi ha
UOB dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2025 của Việt Nam ở mức 6,6%
Bình Dương ước đạt kỷ lục xuất siêu 10 tỷ USD trong năm 2024
Doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà với chế biến sản phẩm rong biển
Thương hiệu SJC giảm tới 500.000 đồng mỗi lượng, tỷ giá USD cũng đi xuống
Số hóa chăn nuôi giảm phát thải
Giá gas bán lẻ trong nước giữ nguyên sau 4 tháng tăng liên tiếp
Giá lúa ở đồng bằng sông Cửu Long neo ở mức cao do nhu cầu tăng
Kích cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025