Nhà vườn trồng cam sành ở Trà Vinh thất thu nặng
12/04/2024 13:09
Từ Tết Nguyên đán đến nay, giá cam sành ở Trà Vinh liên tục giảm; hiện tại, cam sành loại I chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán này, người trồng cam lỗ 2.000-3.000 đồng/kg.
Vườn cam 0,2 ha của ông Trần Văn Mừng, xã Thông Hòa, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.
Tổ hợp tác trồng cam sành ấp Rạch Nghệ, xã Thông Hòa, huyện Cầu Kè thành lập năm 2015 với 25 thành viên trồng trên diện tích 15,5 ha. Ông Huỳnh Bá Nhanh, Tổ trưởng Tổ hợp tác cam sành ấp Rạch Nghệ cho biết, khoảng 2 năm nay, giá cam sành ở Trà Vinh thường xuyên ở mức thấp khiến nhà vườn trồng cam sành thất thu nặng nể. Trước năm 2021, giá cam sành thường ở mức từ 18.000-30.000 đồng/kg, đem lại nguồn thu nhập rất cao cho các thành viên tổ hợp tác, với lợi nhuận bình quân 1 tỷ đồng/ha/năm. Tuy nhiên, từ đầu năm 2022, giá cam sành bắt đầu “lao dốc”, đến năm 2023, nhiều tháng liền cam sành đứng ở mức giá 5.000 đồng/kg, có thời điểm chỉ còn 2.000-3.000 đồng/kg khiến người trồng cam bị thua lỗ nặng nề.
Theo tính toán của nhà vườn, chi phí đầu tư ban đầu để trồng 1 ha cam sành gồm: cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cải tạo đất, lên liếp… khoảng 600 triệu đồng và những năm tiếp theo, chi phí khoảng 300 triệu đồng/năm. Đối với những nhà vườn thuê đất để trồng, chi phí phát sinh thêm từ 60-100 triệu đồng/ha/năm. Sau 2 năm cam cho trái vụ đầu tiên với năng suất từ 70-80 tấn/ha/năm. Từ năm thứ 3 trở đi, cam cho năng suất ổn định 90-100 tấn/ha và cho quả liên tục từ 6-10 năm.
Ông Võ Văn Sở, thành viên Tổ hợp tác trồng cam sành ấp Rạch Nghệ cho biết, 5 năm trở về trước, vườn cam 1,3 ha của gia đình ông mang lại lợi nhuận hơn 1,5 tỷ đồng/năm. Những năm gần đây, nhận thấy cây cam sành không mang lại hiệu quả kinh tế như trước kia nên gia đình ông chuyển đổi 0,7 ha sang trồng dừa.
Tỉnh Trà Vinh hiện có trên 3.400 ha trồng cam sành. Huyện Cầu Kè là địa phương có diện tích trồng cam nhiều nhất với trên 2.600 ha cho sản lượng khoảng 157.000 tấn/năm.
Ông Nguyễn Hùng Mận, Phó Chủ tịch Hội Thủy sản và Làm vườn tỉnh Trà Vinh cho biết, quả cam sành hiện nay chủ yếu tiêu thụ nội địa, chưa có thị trường xuất khẩu. Trong khi đó, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long liên tục mở rộng diện tích trồng cam sành nên cung vượt cầu.
Hội Thủy sản và Làm vườn tỉnh khuyến cáo nông dân trong tỉnh không mở rộng thêm diện tích trồng cam. Để giảm chi phí sản xuất, quả cam sành dễ tìm thị trường tiêu thụ bền vững, nhà vườn nên tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác, sản suất theo hướng hữu cơ để có sản phẩm sạch, an toàn.
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Doanh nghiệp châu Âu lạc quan vào tiềm năng tăng trưởng dài hạn của Việt Nam
Thị trường hàng hóa tiếp tục biến động mạnh, kim loại đồng loạt tăng giá
Truy quét hàng gian, hàng giả: Không để đánh trống bỏ dùi
Lãi suất ngân hàng ngày 30/6: Gửi tiết kiệm ở đâu lãi cao nhất?
Algeria tham vọng trở thành nhà cung cấp năng lượng sạch chủ chốt cho châu Âu
G7 ủng hộ đề xuất tránh mức thuế cao hơn cho các công ty Mỹ
Đề nghị JBIC hỗ trợ vốn và xử lý vướng mắc tại dự án lọc dầu tại Nghi Sơn
Dòng tiền luân chuyển tích cực giúp VN-Index vượt mốc 1.370 điểm
Giá vàng ngày 29/6: Bảng giá tại các công ty vàng bạc đá quý
Thủ tướng: Tiếp tục xem xét, giải quyết các quan tâm của phía Hoa Kỳ