Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng ngành công nghiệp ô tô châu Âu
04/02/2025 15:45
Sản lượng sụt giảm, làn sóng cắt giảm nhân sự và những thách thức từ xe điện đang đẩy ngành công nghiệp ô tô châu Âu vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Từ sức mua giảm sút, chi phí sản xuất cao đến những áp lực từ chính sách khí thải, liệu ngành ô tô châu Âu có thể tìm ra lối thoát?

Theo trang tin châu Âu Euractiv.com, ngành công nghiệp ô tô châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng khi sản lượng sản xuất sụt giảm mạnh, kéo theo làn sóng cắt giảm việc làm quy mô lớn. Điều này đã thúc đẩy Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen phải tổ chức "cuộc đối thoại chiến lược" với các bên liên quan để tìm giải pháp.
Nhu cầu yếu - nguyên nhân chính của khủng hoảng
Xu hướng "nội địa cho nội địa" cũng góp phần làm suy giảm sản xuất tại châu Âu. Các nhà sản xuất, đặc biệt là các thương hiệu Đức, ngày càng chuyển việc sản xuất và cung ứng về gần thị trường tiêu thụ. Ví dụ, họ sản xuất xe tại Bắc Mỹ để phục vụ thị trường Mỹ thay vì xuất khẩu từ châu Âu.
Làn sóng cắt giảm việc làm và đóng cửa nhà máy
Theo số liệu từ Eurofound, năm 2024 đã có 88.000 việc làm bị cắt giảm, trong đó Volkswagen - nhà sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu - thông báo sẽ cắt giảm 35.000 việc làm vào năm 2030. So sánh với đối thủ Toyota cho thấy vấn đề về năng suất: hãng xe Volkswagen cần tới 680.000 nhân viên để sản xuất 9 triệu xe mỗi năm, trong khi Toyota chỉ cần 375.000 người để đạt sản lượng tương đương.
Judith Kirton-Darling, Tổng thư ký Liên đoàn công đoàn châu Âu IndustriAll nhận định: "Đây thực sự là một cuộc khủng hoảng, nhưng gánh nặng đang dồn lên vai người lao động, các nhà cung cấp và các đơn vị nhỏ trong chuỗi giá trị". Bà cũng chỉ ra rằng các hãng xe đã tạo ra lợi nhuận kỷ lục những năm gần đây bằng cách "tận dụng tối đa động cơ đốt trong" và "ép buộc lực lượng lao động" thông qua việc trả lương thấp.
Trong khi đó, quá trình chuyển đổi sang xe điện đang gặp nhiều khó khăn hơn dự kiến. Sigrid de Vries, Tổng Giám đốc Hiệp hội các nhà sản xuất xe hơi châu Âu (ACEA) cho biết: "Sự chuyển đổi này khó khăn hơn nhiều so với mọi người tưởng tượng". Người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng vào xe điện, chủ yếu do thiếu hạ tầng sạc. Khi các chương trình trợ giá bị cắt giảm, như trường hợp của Đức, nhu cầu xe điện đã sụt giảm mạnh.
Các nhà sản xuất ô tô cũng gặp khó khăn khi phải bán xe điện với giá lỗ để đạt mục tiêu về khí thải CO2. Điều này dẫn đến việc ACEA kêu gọi EU miễn tiền phạt cho các hãng xe không đạt mục tiêu, và đã nhận được sự ủng hộ từ nhiều quốc gia như Đức, Pháp, Italy và Cộng hòa Séc.
Trước tình hình này, EU đã cam kết trong Báo cáo La bàn năng lực cạnh tranh sẽ "xác định các giải pháp tức thời" cho các khoản tiền phạt sắp tới, đồng thời "xem xét các khả năng linh hoạt" nhưng vẫn "không hạ thấp tham vọng chung của các mục tiêu năm 2025".
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Cần Thơ phát hiện 3 mẫu sữa không đạt chất lượng
Nền kinh tế lớn nhất châu Âu có thể thiệt hại 330 tỷ USD do thuế quan
Giá gạo Ấn Độ giảm xuống mức thấp nhất 5 tháng
Giá vàng cuối tuần giảm mạnh, thương hiệu SJC ”bốc hơi” 6 triệu đồng mỗi lượng
Tăng cường hợp tác giữa Hà Nội với các địa phương và doanh nghiệp tại Séc
Bộ Công Thương tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bị áp thuế đối ứng
Bộ Công Thương yêu cầu kiểm tra thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sữa và thuốc giả
Triển vọng lạc quan về thỏa thuận thương mại Mỹ-Liên minh châu Âu
Tỷ giá ngày 18/4: Các ngân hàng thương mại tiếp tục tăng giá đồng USD
Mỹ đề xuất áp thuế mới với thiết bị hàng hải Trung Quốc