Nguồn cung thịt lợn đảm bảo nhu cầu cuối năm
15/08/2024 12:36
Sáng 14/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức “Hội nghị thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn bền vững” nhằm nâng cao khả năng sản xuất, chăn nuôi có chất lượng tốt, đảm bảo an toàn thực phẩm góp phần bình ổn thị trường trong các tháng cuối năm.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, chăn nuôi lợn của Việt Nam được xác định là ngành chủ lực, quan trọng đã và đang chuyển dịch dần từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang chăn nuôi tập trung, hàng hóa, quy mô lớn. Ngày càng nhiều mô hình chăn nuôi trang trại, tập trung và hình thành các chuỗi giá trị chăn nuôi. Hiện giá thịt lợn đang ở mức khá cao đã đem lại lợi nhuận cho người chăn nuôi và doanh nghiệp sau một thời gian bị thua lỗ. Trong rổ thực phẩm, thịt lợn chiếm 65% chỉ số CPI.
Do đó, ngành chăn nuôi đặt ra yêu cầu vừa đảm bảo tăng trưởng, nguồn cung thực phẩm, đảm bảo người chăn nuôi có lãi song cũng cần chúng ta phải sớm có những giải pháp quyết liệt, kịp thời để chỉ số CPI tăng ở mức hợp lý, hài hòa lợi ích giữa người chăn nuôi và người tiêu dùng, góp phần nâng cao đời sống của người dân.
Ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho biết, nguồn cung hiện nay đang có xu hướng sụt giảm do dịch bệnh tả lợn châu Phi lan rộng nhưng vẫn đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Ông Hòa dự báo, từ nay đến cuối năm 2024, giá thực phẩm nói chung và thịt lợn nói riêng có xu hướng ổn định do nguồn cung dồi dào và nhu cầu ổn định nhờ giá nguyên liệu trong nước được duy trì.
Theo ông Phạm Kim Đăng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 6 tháng đầu năm 2024, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, thắt chặt nhập khẩu, tăng cường phòng chống nhập lậu, thúc đẩy xuất khẩu, giá sản phẩm chăn nuôi tăng trên giá thành sản xuất thu hút tái đàn nên tổng đàn lợn vẫn duy trì tốc độ phát triển tốt. Hiện tổng số lợn của cả nước khoảng 25,5 triệu con, tăng khoảng 2,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Năm 2023, chăn nuôi lợn phát triển ổn định trong bối cảnh chăn nuôi nông hộ chuyển mạnh sang chăn nuôi bán công nghiệp, liên kết với doanh nghiệp, chăn nuôi trang trại theo chuỗi, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và ứng dụng công nghệ tiên tiến ngày càng gia tăng, đẩy mạnh. Chính những nỗ lực, kết quả này đã giúp đưa ngành chăn nuôi của Việt Nam từ manh mún, nhỏ lẻ, tự cung tự cấp trước đây thành quốc gia có ngành chăn nuôi lợn đứng thứ 5 trên thế giới về đầu con và thứ 6 về sản lượng.
Cũng theo ông Đăng, ngành chăn nuôi trên toàn thế giới đã và đang có nhiều biến động, được dự báo vẫn tiếp tục phát triển trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Đối với chăn nuôi lợn đang có những xu thế mới và một số xu thế này đang và sẽ ảnh hưởng đến cách thức tiếp cận của Việt Nam. Đặc biệt, trước tình hình diễn biến phức tạp của một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như tiêu chảy cấp, tai xanh hoặc dịch tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi lợn, việc áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học là yêu cầu hết sức cấp thiết cho chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng. Do vậy, chăn nuôi an toàn sinh học không chỉ áp dụng cho các trang trại chăn nuôi lợn mà còn áp dụng ở tất cả các khâu của chuỗi như vật tư đầu vào, thức ăn, giống, giết mổ, chế biến, bảo quản và phân phối…
Tuy nhiên, theo ông Đăng, ở Việt Nam, chăn nuôi an toàn sinh học và kiểm soát dịch bệnh chưa thực sự được triển khai đồng bộ. Dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng… vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ tái bùng phát thì việc chăn nuôi an toàn sinh học chưa được chủ trang trại thực sự quan tâm để triển khai thực hiện từ trước, trong và sau quá trình chăn nuôi, đặc biệt là khu vực chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ và vừa.
Bên cạnh đó, giải pháp tất yếu cũng được Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi đề cập là áp dụng công nghệ chính xác; sử dụng nhà nhiều tầng; chăn nuôi hữu cơ; giảm phát thải, chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn; không sử dụng kháng sinh; nhân đạo với vật nuôi…
Tại hội nghị, ông Đăng mong muốn thời gian tới sẽ đẩy mạnh xây dựng và ban hành kế hoạch hành động ở các cấp để khẩn trương triển khai các nội dung, định mức của chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi, ổn định tổng đàn, thứ đẩy sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, đẩy mạnh liên kết…
Ông Phan Quang Minh - Phó Cục trưởng Cục Thú y chia sẻ, đến nay cả nước có 306 ổ dịch tả lợn châu Phi thuộc 100 huyện của 29 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày. Số lợn mắc bệnh bệnh là 34.304 con, số lợn chết và tiêu hủy là 34.416 con. Một hạn chế mà ông Minh nêu ra đó tình trạng người dân bán chạy lợn bệnh, nghi mắc bệnh vẫn còn tồn tại, và công tác quản lý giết mổ, vận chuyển lợn trong vùng dịch bệnh vẫn chưa được thực hiện theo quy định…
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Bắc Ninh: Khởi sắc trong hoạt động sản xuất công nghiệp
Ngân hàng Thế giới: Lộ trình để Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập cao
Không để thiếu hàng, tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán
Nhân rộng mô hình thí điểm thành công Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao
Ninh Thuận: Liên kết chuỗi giá trị hướng đến xuất khẩu sản phẩm lợi thế
Kon Tum: Lý do khó phát triển diện tích chanh dây
Chuỗi tỷ USD rót vào sản xuất xanh
Làng hoa An Lạc hối hả chuẩn bị vụ Tết
Năng suất lúa sản xuất theo hướng hữu cơ tăng từ 10 - 15%
Xanh hóa quy trình sản xuất và chế biến trong xuất khẩu cá tra