Ngành Nông nghiệp sẽ linh hoạt trong điều hành, tăng tốc xuất khẩu năm 2024
02/01/2024 10:05
Những tín hiệu xuất khẩu tốt của một số ngành hàng trong năm 2023 sẽ tạo tiền đề để năm 2024 ngành Nông nghiệp linh hoạt trong điều hành sản xuất và thị trường, tăng tốc xuất khẩu.
Khó khăn về thị trường đã khiến cho mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản năm 2023 không thể đạt 54 tỷ USD như kế hoạch đặt ra. Tuy nhiên, một số ngành hàng đã tăng trưởng mạnh với giá trị xuất khẩu tăng vọt trong năm 2023.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến đã trao đổi với báo chí về những kết quả xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản năm 2023 và kế hoạch thực hiện mục tiêu năm 2024 của ngành Nông nghiệp.
- Thứ trưởng đánh giá thế nào về kết quả xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản năm 2023?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Có thể nói, 2023 là năm rất khó khăn đối với toàn thế giới, nền kinh tế đất nước và ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, toàn ngành còn phải hứng chịu những thách thức riêng như hạ tầng còn yếu kém, chế biến chưa sâu, dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến ngành nông nghiệp. Tuy vậy nhưng toàn ngành vẫn đạt được những con số tăng trưởng tích cực 3,83%, đây là con số tăng trưởng cao nhất troeng 10 năm trở lại đây mới có con số tăng trưởng cao như vậy.
Năm 2023, xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản đạt hơn 53,1 tỷ USD tuy chưa đạt đạt mục tiêu đề ra (54 tỷ USD) nhưng thặng dư thương mại lại đạt mức cao kỷ lục, lớn nhất trong 10 năm trở lại đây với hơn 12,1 tỷ USD, tăng 43,7%, chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước.
Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 53 tỷ USD, thặng dư thương mại toàn ngành đạt trên 11 tỷ USD (mức cao nhất trong những năm gần đây và chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước).
Trong bối cảnh thuỷ sản và lâm nghiệp gặp khó khăn, kết quả xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản vẫn khả quan là do một số mặt hàng xuất khẩu tăng cao kỷ lục như: Hàng rau quả đạt 5,69 tỷ USD, tăng 69,2%; Gạo đạt 4,78 tỷ USD, tăng 38,4%; Hạt điều 3,63 tỷ USD, tăng 17,6%; Càphê 4,18 tỷ USD, tăng 3,1%. Đặc biệt, sầu riêng lần đầu tiên trở thành sản phẩm xuất khẩu tỷ USD với giá trị xuất khẩu năm 2023 là hơn 2,2 tỷ USD.
Nhìn chung trong năm 2023, ngoài chỉ tiêu xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản chưa đạt mục tiêu, còn lại tất cả các chỉ tiêu trong các lĩnh vực đều hoàn thành kế hoạch. Lúa gạo mặc dù giảm về diện tích khoảng 9.000 hécta nhưng tăng về sản lượng và năng suất, vẫn về đích 43,5 triệu tấn.
Ngành chăn nuôi năm nay cũng ghi nhận mức tăng trưởng 5,72% với nhiều con số tích cực từ thịt, trứng, sữa. Ngành thủy sản tăng trưởng 3,71%, trồng trọt chưa bao giờ tăng trưởng trên 2% năm nay cũng ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ với hơn 3%. Về lâm nghiệp, lần đầu tiên Việt Nam bán được 10,3 triệu tín chỉ carbon, thu về hơn 1.200 tỷ đồng và còn tiềm năng lợi thế rất lớn.
Tới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ đánh giá lại kết quả đạt được và nguyên nhân, tồn tại hạn chế để đưa ra các giải pháp phù hợp, phấn đấu năm 2024 tiếp tục tăng trưởng, năm 2025 về đích, đạt đúng mục tiêu của Nghị quyết Trung ương Đảng khóa XII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
- Năm 2023, xuất khẩu rau quả tăng gần tới 70%, thứ trưởng đánh giá như thế nào về tiềm năng của ngành hàng này?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Năm 2023, xuất rau quả đạt 5,69 tỷ USD, tăng 69,2%. Có thể nói, tiềm năng lợi thế về rau quả rất lớn, trong đó có sầu riêng. Diện tích sầu riêng 112.000 ha với khoảng 840.000 tấn nhưng mới chỉ thu hoạch ở diện tích hơn 60.000 ha, phần còn lại đang thiết kế cơ bản năm tới sẽ được thu hoạch.
Bên cạnh đó, nếu thời gian tới ký kết được Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc được hoàn tất, giá trị xuất khẩu sầu riêng sẽ tăng lên. Năm 2023 xuất khẩu sầu riêng đạt trên 2,2 tỷ USD, giá trị rất lớn.
Ngoài ra, nếu các giải pháp về hạ tầng được giải quyết, đó là cửa khẩu thông minh, đường sắt, đường bộ kết nối cũng như thống nhất kiểm dịch, cắt giảm thủ tục hành chính và làm rõ được mã vùng rồng, mã đóng gói thì sản lượng rau quả còn nhiều tiềm năng, lợi thế để tăng trưởng trong năm 2024.
- Sự tăng trưởng của các ngành hàng cũng kéo theo sự thay đổi về cơ cấu thị trường như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Năm 2023, cơ cấu thị trường đã thay đổi. Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng chiếm tỷ trọng lên tới 23%, còn tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ giảm so với các năm trước.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất trong năm 2023 với giá trị xuất khẩu đạt trên 12,2 tỷ USD, chiếm 23% tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản năm 2023 và là thị trường còn nhiều tiềm năng, lợi thế lớn. Tiếp đến là thị trường Hoa kỳ với giá trị xuất khẩu là 10,9 tỷ USD, chiếm 21%, Nhật Bản 3,9 tỷ USD chiếm 7,3%, châu Âu và các thị trường khác 21,7 tỷ chiếm 41%...
Trong năm 2023, chúng ta xoay trục rất nhanh, linh hoạt trong điều hành và sản xuất. Trong lúc xuất khẩu thuỷ sản, lâm nghiệp sụt giảm, chúng ta đẩy mạnh xuất khẩu rau quả, gạo và các loại nông sản khác góp phần vào kết quả xuất khẩu cả năm 53,1 tỷ USD của toàn ngành.
Những tín hiệu xuất khẩu tốt của một số ngành hàng trong năm 2023 sẽ tạo tiền đề để năm 2024 ngành Nông nghiệp tăng tốc trong xuất khẩu. Tới đây, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ còn tăng cao khi chúng ta ký thêm Nghị định thư xuất khẩu một số sản phẩm sang thị trường này.
- Năm 2024, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đặt mục tiêu đạt 54-55 tỷ USD, ngành Nông nghiệp sẽ làm gì để đạt được mục tiêu đó trong bối cảnh thị trường thế giới cũng vẫn còn nhiều khó khăn?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Trước hết chúng ta phải có căn cứ thực tiễn, khoa học và định hướng thị trường. Sau nhiều năm tái cơ cấu, quy mô ngành hàng nông nghiệp đã rất rõ, liên kết thì ngày càng chặt chẽ. Chúng ta phải đẩy mạnh liên kết chuỗi “rủi ro chia sẻ, lợi ích hài hòa” thì mới có sự phát triển bền vững và nhanh.
Về thị trường, đối với thị trường Trung Quốc, các nghị định đã từng bước được ký kết, chúng ta sẽ có lợi thế. Bên cạnh đó, về lợi thế về hạ tầng, chúng ta có trao đổi hai chiều thuận lợi hơn. Kiểm dịch thực vật đang được căt giảm thủ tục hành chính đẻ nhanh và chính xác hơn. Ngoài ra, một số mặt hàng khác cũng đang rất tiềm năng với xuất khẩu sang Trung Quốc là dừa và yến. Đến nay, có 7 doanh nghiệp đã xuất khẩu yến sang Trung Quốc.
Trong năm 2024, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ căn cứ vào thị trường và cơ cấu sản xuất để thúc đẩy đối tượng, phát huy tiềm năng lợi thế của các thị trường sẽ giúp toàn ngành đạt được mục tiêu đã đề ra.
Thời gian tới, tất cả các trục như ngành như lúa gạo, rau quả, lâm nghiệp, thuỷ sản, chăn nuôi... đều phải tăng tốc, phát huy đồng độ. Tất cả các “dòng sông” đều chảy thì chúng ta sẽ “hợp long” đạt được mục tiêu xuất khẩu năm 2024 đề ra với sản lượng với giá trị lớn hơn năm 2023.
- Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Nguồn: vietnamplus.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng
Vùng ngọt hóa Gò Công bội thu rau màu Thu Đông
Tạo cơ chế chủ động thu hút đầu tư vùng Đông Nam Bộ
Quảng Ninh: Thúc đẩy trồng trọt vụ Đông để khắc phục thiệt hại do bão số 3
Nông sản tìm cơ hội trong thách thức xuất khẩu
Doanh thu bán lẻ từ thị trường thương mại điện tử sẽ tăng mạnh vào năm 2025
Sản lượng lúa các tỉnh phía Bắc năm 2024 đạt trên 12,7 triệu tấn
Xuất khẩu gỗ tìm được cơ hội lội ngược dòng để về đích vượt mục tiêu
Dong riềng được mùa, được giá, làng miến Bình Lư tất bật vào vụ sản xuất
Quảng Ninh: Tốc độ sản xuất nuôi trồng thủy sản đang phục hồi rất khả quan