Ngành gỗ Việt Nam xanh hóa để tăng cạnh tranh

20/12/2023 16:27

Gỗ và các sản phẩm gỗ Việt Nam được xuất khẩu đến 150 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới. Mặt hàng đồ gỗ Việt Nam vốn đã được người tiêu dùng thế giới biết đến và lựa chọn.

Chú thích ảnh

Sản phẩm gỗ cao su ghép thanh xuất khẩu của Công ty TNHH gỗ Nam Mỹ. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Tuy nhiên, với xu thế tiêu dùng vừa đáp ứng nhu cầu dân sinh, vừa góp phần bảo vệ môi trường hiện nay, các sản phẩm đều phải đáp ứng tiêu chí an toàn cho môi trường và cuộc sống của con người. Do đó, ngành gỗ Việt Nam cũng dần đi theo con đường xanh hóa trong các khâu để phát triển bền vững.

Dồi dào tín chỉ carbon từ rừng

Thời gian qua, do tác động của suy thoái kinh tế và chính sách tiền tệ thắt chặt tại nhiều quốc gia, đặc biệt là các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc đã khiến cho nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh. Mức độ lưu thông hàng hóa chững lại, tác động mạnh đến quy trình sản xuất hàng hóa của nhiều ngành hàng; trong đó có ngành chế biến và xuất khẩu gỗ Việt Nam.

Thêm vào đó, thị trường lớn đang có nhiều tiêu chuẩn hơn đối với nguồn hàng nhập khẩu từ các quốc gia khác; trong đó, tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và đời sống con người càng được quan tâm sâu sắc. Do đó, để tiếp tục thiết lập mối quan hệ giao thương, xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam bắt buộc phải tuân thủ, thực hiện đầy đủ tiêu chuẩn khắt khe như:tuân thủ quy định của châu Âu về chống phá rừng, giải trình của ngành gỗ để thực hiện tốt Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và châu Âu nhằm tạo khung pháp lý cho mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu (VPA/FLEGT).

Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh, thách thức đối với ngành công nghiệp gỗ và lâm nghiệp là phải xây dựng nguồn nguyên liệu đủ, ổn định về khối lượng cả trong nước lẫn nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhóm ngành công nghiệp gỗ; đồng thời, bảo đảm mục tiêu bền vững môi trường trong nước và cam kết quốc tế của Việt Nam.

Tại Việt Nam, tín chỉ carbon trong ngành công nghiệp gỗ sẽ đến từ carbon lâm nghiệp. Việt Nam có 14,2 triệu ha rừng, chiếm 42% diện tích tự nhiên; trong đó, rừng tự nhiên trên 10 triệu ha, còn lại là rừng trồng. Ở cả hai khu vực rừng tự nhiên và rừng trồng, nếu quản trị hiệu quả, chứng minh được sự tăng trưởng sinh khối và giảm phát thải thì đây chính là nguồn tín chỉ carbon dồi dào. Vừa qua, Việt Nam đã nhận được hơn 41 triệu USD đầu tiên (tương đương với 10,3 triệu tín chỉ carbon) từ Ngân hàng Thế giới do chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng.

Đặc biệt, Việt Nam còn có cơ hội từ việc trồng rừng cho mục tiêu lấn biển, giữ đất ở khu vực biển phía Nam, Tây Nam từ Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh), Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang… Riêng trong lĩnh vực chế biến gỗ, về cơ bản đây vẫn là ngành phát thải âm. Nếu doanh nghiệp xây dựng được hệ thống kiểm đếm phát thải khí nhà kính, giúp truy vết dấu chân carbon (carbon footprint) thì khả năng sẽ có thừa tín chỉ carbon để thương mại, có nguồn thu ngoài sản phẩm chính.

Xây dựng tiêu chí trong chuỗi cung ứng nguyên liệu

Chú thích ảnh

Sản xuất, chế biến gỗ xuất khẩu tại Công ty TNHH khai thác, chế biến lâm sản Đà Lạt (Lâm Đồng). Ảnh: TTXVN

Rừng và diện tích rừng của Việt Nam vốn được đánh giá đủ tiêu chuẩn cung ứng cho ngành gỗ chế biến, xuất khẩu. Tuy nhiên, việc nhất quán toàn hệ thống tiêu chí này từ phía doanh nghiệp đến các nông hộ trồng rừng vẫn còn chưa thực hiện lưu loát.

Bà Lương Kim Anh, đại diện tổ chức Forest Trends cho biết, ngay từ 10 năm trước, Chính phủ đã ra quyết định đóng cửa rừng tự nhiên, mà diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang trồng rừng đang còn chiếm tỷ lệ nhỏ, nên việc cung cấp các chứng từ pháp lý cho nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng còn cần thời gian hoàn thiện. Hiện nhiều hộ tiểu điền trồng rừng với diện tích nhỏ cũng đang chờ hồ sơ pháp lý đầy đủ cho sản phẩm gỗ nguyên liệu sản xuất từ rừng trồng, mới cung ứng được cho các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu. Chính vì vậy, cả phía doanh nghiệp lẫn các nông hộ trồng rừng đang cần có chuỗi hồ sơ pháp lý để đáp ứng tiêu chuẩn liên quan đến nguyên liệu gỗ an toàn cho môi trường.

Trong bối cảnh hiện nay, nhiều thị trường quốc tế đều đưa ra các tiêu chuẩn xanh mới ký kết hợp đồng giao thương, nhập khẩu gỗ và đồ gỗ Việt Nam. Điển hình như Nhật Bản yêu cầu sản phẩm gỗ khi xuất sang thị trường này phải có chứng chỉ bền vững. Thị trường Đức hiện đang áp dụng nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung, tác động gián tiếp đến nhà sản xuất Việt Nam. Nhà nhập khẩu Đức yêu cầu Việt Nam cung cấp các chứng nhận liên quan đến nguồn gốc sản phẩm, tình trạng sử dụng lao động, tiền lương, xử lý chất thải… Điều này cho thấy Việt Nam cần có sự thống nhất tiêu chí và quy định theo yêu cầu của nhà nhập khẩu, tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất nguyên liệu gỗ - ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội gỗ Việt Nam nhận định.

Vì lí do đó, các đơn vị quản lý, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam cũng đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn doanh nghiệp và sử dụng đa dạng hóa chứng chỉ gỗ rừng trồng theo tiêu chuẩn đã được pháp luật công nhận, bao gồm chứng chỉ quốc tế và chứng chỉ của Việt Nam.

Phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất hoặc ban hành khung pháp lý quy định cụ thể về triển khai cam kết phát thải bằng 0; hỗ trợ chuyên gia tư vấn cho doanh nghiệp trong việc triển khai hoạt động sản xuất xanh trong nhà máy chế biến gỗ để giảm phát thải carbon. Từ đó, đáp ứng yêu cầu của các thị trường. Đồng thời, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam cũng đề nghị các thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam công nhận chứng chỉ rừng bền vững theo tiêu chuẩn của Việt Nam, ông Đỗ Xuân Lập chia sẻ thêm.

Theo ông Nguyễn Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, hiện nay vẫn còn doanh nghiệp chưa nhận ra tầm quan trọng của các tiêu chí xanh trong chế biến, xuất khẩu gỗ nên còn chậm chuyển đổi để phù hợp với yêu cầu của thị trường. Thời gian tới, các thị trường nhập khẩu khó tính như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản sẽ dần có động thái kiểm soát đánh giá hàm lượng carbon trong các sản phẩm gỗ nhập khẩu.

Thời gian tới, chỉ có sản phẩm xanh, sản phẩm không làm suy thoái, mất rừng, không phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất mới đủ điều kiện để xuất khẩu vào thị trường khó tính. Nên dù muốn hay không, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ bắt buộc phải khắc phục các điểm khó để chuyển đổi xanh.

Theo quyết định 896/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 26/7/2022 Phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050, quy định các ngành công nghiệp sản xuất, chế biến giảm 38% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030. Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội gỗ Bình Dương nhận định, hiện nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ tại Bình Dương đã và đang lấy sản xuất “xanh” làm chiến lược và lợi thế cạnh tranh. Theo đó, các doanh nghiệp đã liên tục đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình theo chiều sâu, gắn với phát triển bền vững, thân thiện với môi trường. Những thách thức mới về thị trường liên quan đến sản xuất xanh cũng sẽ giúp ngành chế biến gỗ của tỉnh phát triển theo chiều hướng tích cực hơn, bền vững hơn.

Phát triển thị trường carbon cho ngành gỗ

Chú thích ảnh

Công ty CP Woodsland Tuyên Quang ở Cụm công nghiệp Thắng Quân (huyện Yên Sơn, Tuyên Quang). Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN

Ông Phạm Phú Ngọc Trai, chuyên gia kinh tế nhận xét, hiện các quốc gia châu Âu đã có yêu cầu về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), cơ chế này đã có hiệu lực từ tháng 10/2023. Theo đó, hàng hóa nhập khẩu vào thị trường châu Âu sẽ phải chịu thêm chi phí, chuyển đổi mô hình sản xuất ít phát thải hơn để có tín chỉ carbon. Với hiện trạng ngành gỗ Việt Nam có trữ lượng rừng trồng đáng kể. Vì thế, nếu các doanh nghiệp thiết lập lại và tổ chức kết nối tốt, thị trường tín chỉ carbon chính là cơ hội để doanh nghiệp sản xuất đồ nội thất Việt Nam gia tăng lợi thế. Ngành chế biến gỗ Việt Nam cần định vị lại mục tiêu, tầm nhìn trở thành trung tâm đồ nội thất thế giới xanh và bền vững.

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ cũng phải khẳng định tính chủ động thích ứng thị trường trong thời kỳ hội nhập. Ngoài thị trường khó tính, thì những thương hiệu nội thất lớn của Việt Nam đang mở rộng hiện diện ở thị trường xuất khẩu tiềm năng, đặc biệt là thị trường của các nước siêu giàu ở Trung Đông để tiếp cận cơ hội cung ứng cho siêu dự án bất động sản mới. Do đó, ngành gỗ rất cần một thị trường carbon để đáp ứng tiêu chí của nhà nhập khẩu.

Hiện nay Việt Nam đã có Luật Lâm nghiệp, các quy định VNTLAS – Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp, các Nghị định 102/2020/NĐ-CP quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam, Nghị định 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp… Chính phủ cũng đang xây dựng các quy định để tạo hành lang pháp lý cho thị trường tín chỉ carbon. Gần đây nhất là Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định cụ thể lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước.

Theo đó, đến hết năm 2027 sẽ xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước cũng như quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; thành lập, tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025; triển khai hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon. Từ năm 2028 sẽ vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức.

Khi có được sự hỗ trợ của thị trường carbon, Nhà nước, các định chế ngân hàng và bảo hiểm cần vào cuộc để tạo ra cơ chế thúc đẩy trồng rừng gỗ lớn, vừa tạo đầu ra có giá trị gia tăng cao, vừa thêm thu nhập từ tín chỉ carbon, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ cũng được hưởng lợi từ đó, ông Nguyễn Quốc Khanh cho biết thêm.

 

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới