Ngân hàng kỳ vọng sức hấp thụ vốn của nền kinh tế
22/06/2024 11:01
Ngành Ngân hàng đã có nhiều giải pháp kích cầu tín dụng nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn thấp. Nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) kỳ vọng về sức hấp thụ vốn của nền kinh tế từ nay tới cuối năm; đồng thời rà soát khách hàng tốt để tăng hạn mức cũng như cơ cấu nợ.
Gỡ khó doanh nghiệp, ngân hàng mới “khỏe”
“Chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát, ban hành gói tín dụng với lãi suất thấp, tập trung triển khai gói nhà ở xã hội (NƠXH) theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN). BIDV tăng cường tổ chức Hội nghị kết nối với doanh nghiệp để tìm hiểu khó khăn của doanh nghiệp, khách hàng, cùng khách hàng tháo gỡ, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng 6 tháng cuối năm”, Tổng giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm cho biết.
Theo ông Lê Ngọc Lâm, thời gian qua, bên cạnh sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, NHNN quyết liệt chỉ đạo nên nền kinh tế Việt Nam đã có sự phục hồi nhất định. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng, mặt bằng lãi suất đang ở mức thấp là động lực thúc đẩy tăng trưởng, song thực tế tín dụng vẫn gặp khó.
“Dù ngân hàng rất muốn cho vay, thậm chí sốt ruột nhưng sức hấp thụ vốn kém khiến tín dụng tăng chậm. Nhìn số liệu doanh nghiệp rút khỏi thị trường hoặc tạm ngừng kinh doanh, giải thể tăng do gặp khó thời hậu COVID-19 cho thấy, ‘sức khỏe’ doanh nghiệp đã giảm sút kéo dài dẫn đến cầu tín dụng yếu”, lãnh đạo BIDV chia sẻ.
Về phía BIDV, ông Lê Ngọc Lâm cho biết: Ngân hàng tiếp tục có các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng 6 tháng cuối năm; tổ chức đối thoại, kết nối giữa doanh nghiệp với ngân hàng để gỡ vướng mắc; đồng thời triển khai các gói tín dụng ưu đãi, giảm lãi suất.
Ông Phạm Như Ánh - Tổng Giám đốc MB cho biết: MB sẽ hoàn thành tăng trưởng tín dụng 15,5% vào đầu quý IV/2024. "Hết tháng 6/2024, MB dự kiến tín dụng tăng trưởng 6 - 6,5%. Như vậy, chúng tôi cần đạt khoảng 8% nữa trong 6 tháng cuối năm mới hoàn thành kế hoạch tăng trưởng khoảng 15,5% năm 2024. Điều mà MB và các ngân hàng đang kỳ vọng nhất là sức hấp thụ của nền kinh tế", ông Phạm Như Ánh nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo MB, hiện các ngân hàng đều có các giải pháp tổng hợp, không có giải pháp duy nhất nào để đảm bảo tăng trưởng tín dụng và hấp thụ thị trường. “Đến nay, các ngân hàng đã giảm lãi suất sâu nhất, có lẽ trong vòng 10 năm trở lại đây. Giá thấp, cầu tín dụng sẽ tăng. Các ngân hàng tiếp tục tiết giảm chi phí để giải quyết khâu về giá”, ông Phạm Như Ánh cho biết.
Đặc biệt, MB sẽ dựa vào nền tảng App MBBank cho khách hàng cá nhân (KHCN) và BIZ MBBank cho khách hàng doanh nghiệp (KHDN) để cho vay và phê duyệt tự động. MB đang tập trung các tiến trình end-to-end, mang đến cho khách hàng các trải nghiệm tự động hóa trên các ứng dụng số của MB.
Đề cập về tình hình vay vốn cho bất động sản (BĐS), Tổng Giám đốc MB cho biết: Thị trường BĐS đang có dấu hiệu “ấm” lên, tùy từng phân khúc sẽ là điều kiện để kích cầu tín dụng. BĐS có 4 lĩnh vực gồm: Ngân hàng cho người dân vay để mua nhà ở; BĐS khu công nghiệp; BĐS các dự án nhà ở; BĐS nghỉ dưỡng.
“Đối với cho vay BĐS mua nhà để ở, do kinh tế khó khăn, tình hình thu nhập của người dân giảm nên nhu cầu mua nhà, chuyển đổi nhà trong 6 tháng đầu năm chậm. Tín dụng bán lẻ của các ngân hàng đều bị ảnh hưởng, trong đó có MB. Lĩnh vực khó khăn thứ hai là BĐS nghỉ dưỡng. Sau COVID-19, mảng này vẫn chưa được phục hồi”, ông Phạm Như Ánh cho biết.
Mặc dù theo MB, lượng khách du lịch được phục hồi một phần nhưng lượng cung của bất động sản nghỉ dưỡng quá lớn trong giai đoạn COVID-19 và trước COVID-19 nên mảng này vẫn gặp khó. Hiện, BĐS khu công nghiệp có thể nói là điểm sáng của 6 tháng đầu năm.
Các dự án BĐS khu công nghiệp cơ bản cũng được tháo gỡ các vướng mắc về mặt pháp lý. NHNN cũng hạ hệ số rủi ro tín dụng BĐS công nghiệp từ 200% xuống 160%, khuyến khích các ngân hàng cho vay. MB cũng là một ngân hàng cho vay nhiều trong mảng BĐS công nghiệp. “Sự dịch chuyển của FDI vào Việt Nam cũng có tác động tốt lên mảng này. BĐS các dự án nhà ở trong mấy năm qua vẫn nói nhiều về cơ chế vướng liên quan tới pháp lý. Vừa qua, Chính phủ cũng như các Bộ, ban, ngành cũng đang tập trung tháo gỡ nhưng mới gỡ được phần nào. Quá trình này phụ thuộc vào các luật mới như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/8”, Tổng Giám đốc MB bày tỏ.
Ngoài sức hấp thụ vốn giảm, lãnh đạo các ngân hàng chia sẻ: Lý do quan trọng nữa dẫn đến tín dụng chậm là vướng thủ tục pháp lý. Tổng giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng cho biết: Chính phủ và NHNN đã chỉ đạo nhiều giải pháp nhưng hiện vẫn vướng thủ tục đầu tư, liên quan đến đất đai, điều chỉnh dự án mới, chuyển nhượng đất đai, giao dịch đảm bảo khó khăn.
“Agribank tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; tập trung vốn tín dụng đối với các lĩnh vực là động lực phát triển (xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng), tiếp tục tiếp cận và đầu tư vốn đối với các dự án NƠXH, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (lúa gạo, lâm thuỷ sản ); triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất cho từng đối tượng khách hàng và có chính sách lãi suất phù hợp”, ông Phạm Toàn Vượng cho biết.
Theo ông Phạm Duy Hiếu - Quyền Tổng Giám đốc ABBank, với ABBank, việc bảo vệ danh mục tín dụng là rất quan trọng. Theo đó, ngân hàng đã rà soát các khách hàng, khách hàng nào tốt, ngân hàng chủ động tăng hạn mức. Đối với các khách hàng có cơ hội hồi phục, ngân hàng cũng cơ cấu lại theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó.
Với nhóm khách hàng không thể cơ cấu lại, ABBank tập trung thu hồi nợ, tính từ năm ngoái đến nay, tổng số nợ thu hồi thuộc nhóm khách hàng này khoảng 8.000 tỷ đồng. “Việc này là bắt buộc để bảo vệ tính lành mạnh của danh mục. ABBank rất mong muốn tăng trưởng tín dụng, rất may phần tăng trưởng mới không phát sinh nợ xấu, từ tháng 6/2023 đến tháng 6/2024. Việc chọn lựa đúng khách hàng, chấm điểm khách hàng góp phần vào tăng trưởng tín dụng của ngân hàng. Tổng danh mục đến nay, ABBank tăng trưởng âm 10,88%. Nhưng chúng tôi thấy rất may mắn là thu hồi được nợ xấu”, ông Phạm Duy Hiếu chia sẻ.
Theo lãnh đạo ABBank, dự kiến tháng 7/2024, ABBank sẽ tăng trưởng dương trở lại, cam kết đến cuối năm tăng trưởng tín dụng sẽ đạt được mức NHNN cho phép.
Đại diện VIB cho biết: Tính đến ngày 31/5, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đạt 1,14%, dự kiến cuối quý II/2024 sẽ đạt khoảng 2%. Nguyên nhân tín dụng tăng chậm là do đặc thù tệp khách hàng của VIB, chủ yếu là khách cá nhân. Những khó khăn của nền kinh tế, của thị trường BĐS… đã tác động mạnh đến nhu cầu mua sắm của các khách hàng.
Cần giải pháp thiết thực; kiến nghị hỗ trợ vốn cho xuất khẩu
Theo ông Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), để gỡ khó cho doanh nghiệp, Chính phủ cần có các giải pháp cụ thể, thiết thực, trong đó xem xét các chương trình hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp xuất khẩu.
“Tiếp tục phát huy hiệu quả các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước, kéo dài chương trình giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% cho tới cuối năm 2024 và có thể mở rộng các đối tượng được cắt giảm thuế này. Đặc biệt, muốn phục hồi tiêu dùng trong nước đồng nghĩa với việc không tăng thêm thuế phí trong năm. Ngoài ra, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ đặc thù đối với những lĩnh vực tiêu dùng tạo giá trị gia tăng cao, tiêu dùng xanh”, ông Nguyễn Quốc Việt kiến nghị.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết: NHNN dự kiến tăng trưởng tín dụng các tháng cuối năm tăng trưởng khả quan. “NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu tại Nghị quyết 01 của Chính phủ”, ông Đào Minh Tú cho biết.
Phía NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục có các giải pháp khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tiếp tục chỉ đạo các TCTD công bố công khai lãi suất cho vay bình quân; chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, đúng, trúng mục tiêu, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng…
Với việc Thông tư 06/2024/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 02 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn đã được ban hành, Phó Thống đốc yêu cầu các TCTD nghiêm túc thực hiện.
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Lãi suất tiền gửi duy trì tăng
Nông sản Việt nhiều cơ hội thâm nhập thị trường Halal
TP Hồ Chí Minh I nhất toàn đoàn Giải vô địch Thể dục nghệ thuật toàn quốc
Xuất khẩu gạo Việt Nam vượt 8 triệu tấn với trị giá 5,05 tỷ USD
Thúc đẩy phát triển kinh tế xanh trong nông nghiệp
Bắc Ninh: Khởi sắc trong hoạt động sản xuất công nghiệp
Ngân hàng Thế giới: Lộ trình để Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập cao
Không để thiếu hàng, tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán
Nhân rộng mô hình thí điểm thành công Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao
Ninh Thuận: Liên kết chuỗi giá trị hướng đến xuất khẩu sản phẩm lợi thế