Nâng tầm giá trị cho sản phẩm nho Ninh Thuận
27/12/2023 16:55
Ninh Thuận có diện tích trồng nho lớn nhất cả nước với trên 1.000 ha, mỗi năm cung cấp cho thị trường từ 26.000 – 28.000 tấn nho tươi. Để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, tỉnh đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào các khâu sản xuất, chế biến đa dạng hóa các sản phẩm từ quả nho và gắn với phát triển du lịch nông nghiệp.
Đổi mới hoạt động sản xuất và chế biến
Ðể tăng hiệu quả kinh tế, nhiều cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn Ninh Thuận đang đẩy mạnh liên kết sản xuất, nghiên cứu cho ra đời các dòng sản phẩm chế biến từ quả nho tươi. Ông Nguyễn Đình Quang, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Thương mại nông sản Thái Thuận - Ninh Thuận (xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn) cho biết, bên cạnh việc liên kết sản xuất thu mua nho, táo tươi, công ty đã đặt hàng với các trung tâm nghiên cứu chế biến nông sản, viện công nghệ thực phẩm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ chế biến quả nho và táo. Đồng thời, được sự hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công của Quốc gia, công ty bỏ vốn đầu tư hệ thống máy móc tiên tiến để sản xuất.
Mỗi năm, công ty cung cấp cho thị trường khoảng 180 tấn nho tươi và 150 tấn nho chế biến thành các dòng sản phẩm chủ đạo như: Vang nho (5.000 lít), rượu Brandy (1.000 lít), si rô nho (3.000 lít), dấm nho (1.000 lít), nho sấy tách hạt và nguyên hạt (5 tấn). Trong đó, có 4 sản phẩm đạt OCOP 4 sao (nho xanh tươi, nho đỏ tươi, vang nho, rượu Brandy) và 2 sản phẩm đạt OCOP 3 sao (nho sấy tách hạt, nho sấy nguyên hạt). Các sản phẩm đã được đưa vào bán tại các siêu thị, chuỗi bán lẻ trên cả nước, ông Nguyễn Đình Quang chia sẻ thêm.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, thời gian qua từ các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp, Ninh Thuận phối hợp với các cơ quan khoa học chuyển giao công nghệ xử lý bảo quản quả nho sau thu hoạch, dây chuyền sấy nông sản, xây dựng mô hình sản xuất vang, kho lạnh hỗ trợ các cơ sở sản xuất phát triển các dòng sản phẩm chế biến từ nho tươi như: mứt nho, rượu nho, vang nho, mật nho, sirô nho, nho sấy, ô mai nho,... Qua đó, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến sâu, mở rộng thị trường tiêu thụ, đáp ứng thị hiếu đa dạng của khách hàng.
Trước nhu cầu tiêu thụ nho tươi của thị trường rất lớn, đặc biệt là nho chất lượng cao, quả to, ăn giòn, chắc thịt và ngọt thơm càng được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. Chính vì vậy, sản xuất các nho giống mới và mở rộng sản xuất đang được các hộ dân, trang trại trên địa bàn Ninh Thuận nhân rộng. Anh Tống Minh Hoàng (xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước) cho biết, trang trại đang trồng 10 giống nho kết hợp, trong đó có nhiều giống nho mới chất lượng cao như nho Ngón tay đen, nho Hạ đen, nho Mẫu đơn, nho hồng NH01-152... mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội. Cùng với bán nho tươi, trang trại Hoàng Yến mở cửa đón khách tham quan, thưởng thức sản phẩm các giống nho mới ngay tại vườn.
Thời gian qua, để nâng cao hiệu quả sản xuất, tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng 4 chuỗi liên kết giá trị nho, xây dựng cánh đồng lớn trồng nho với diện tích 30ha, cấp 5 mã số vùng trồng nho với diện tích gần 73 ha, mở rộng diện tích trồng nho theo tiêu chuẩn VietGAP lên gần 214ha. Các địa phương đang tích cực triển khai áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa công nghệ cao vào sản xuất trồng giống nho mới, giống nho không hạt chất lượng cao, trồng nho theo tiêu chuẩn VietGAP, trồng nho trong nhà màng, sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm, sử dụng chế phẩm sinh học, quản lý dịch hại cây trồng tổng hợp. Tính đến nay, diện tích cây nho ứng dụng công nghệ cao chiếm 31% tổng diện tích trồng nho toàn tỉnh, trồng nho công nghệ cao cho thu nhập từ 500 - 600 triệu đồng/ha/vụ và từ 1 - 1,2 tỷ đồng/ha/năm.
Hướng tới những mục tiêu xa hơn
Theo định hướng phát triển đến năm 2025, diện tích nho trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đạt khoảng 1.770 ha, sản lượng đạt 44,16 nghìn tấn. Trong đó, diện tích nho sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ đạt 1.070 ha (chiếm khoảng 60% tổng diện tích nho của tỉnh) với sản lượng khoảng 27,9 nghìn tấn. Đến năm 2030, tỉnh nâng diện tích trồng nho lên 2.000 ha, sản lượng thu hoạch đạt 51,3 nghìn tấn. Trong đó, diện tích nho sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ đạt 1.520 ha (chiếm khoảng 76% tổng diện tích nho của tỉnh) với sản lượng đạt 40,3 nghìn tấn.
Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, sở tiếp tục rà soát, tham mưu UBND tỉnh ban hành các chính sách tạo động lực cho phát triển nông nghiệp nói chung và cây nho nói riêng, bao gồm: chính sách hỗ trợ áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, thu hút đầu tư, thu hút nguồn nhân lực vào sản xuất; tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng ở những vùng trồng nho trọng điểm gắn với liên kết sản xuất trong chuỗi giá trị của cây nho.
Để đạt các mục tiêu trên, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục mở rộng quy hoạch vùng sản xuất nho an toàn, nho sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Trước mắt, duy trì diện tích sản xuất nho an toàn hiện có, đồng thời phát triển mở rộng vùng nho an toàn thông qua các giải pháp hỗ trợ người sản xuất xây dựng hạ tầng cơ sở sản xuất, hỗ trợ đào tạo, cấp giấy Chứng nhận VietGAP cho các hộ dân, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất nho theo tiêu chuẩn VietGAP.
Ngành nông nghiệp phối hợp chặt chẽ với các địa phương xây dựng kế hoạch chuyển đổi những diện tích cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp như các diện tích lúa cuối kênh, không chủ động nước và các cây trồng khác kém hiệu quả sang trồng nho. Thông qua các dự án, mô hình khuyến nông sẽ đào tạo cho người sản xuất, chuyển giao những mô hình điểm để người trồng nho học tập và áp dụng. Đồng thời, tăng cường nâng cao năng lực cho hợp tác xã, các tổ hợp tác, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nho, hình thành liên kết khép kín từ khâu sản xuất - bảo quản - chế biến – tiêu thụ sản phẩm.
Ngành cũng tiếp tục phối hợp nghiên cứu hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất nho theo hướng an toàn, chất lượng, gắn với bảo vệ môi trường, quy trình chăm sóc, bảo vệ thực vật đối với các giống nho khác nhau; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất phù hợp với sự biến động của khí hậu thời tiết; xây dựng các mô hình trình diễn theo hướng hữu cơ sinh học, phòng trừ tổng hợp để nhân rộng ra sản xuất.
Để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, các cơ sở, doanh nghiệp đẩy mạnh chế biến, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm. Tỉnh sẽ tiếp tục phát triển Chỉ dẫn địa lý “nho Ninh Thuận,” dán tem truy xuất nguồn gốc để bảo vệ thương hiệu. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ các đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm nho tham gia các chương trình xúc tiến thương mại giới thiệu, quảng bá sản phẩm thông qua các triển lãm, hội chợ kết nối thị trường tiêu thụ trong nước và hướng đến xuất khẩu.
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng
Vùng ngọt hóa Gò Công bội thu rau màu Thu Đông
Tạo cơ chế chủ động thu hút đầu tư vùng Đông Nam Bộ
Quảng Ninh: Thúc đẩy trồng trọt vụ Đông để khắc phục thiệt hại do bão số 3
Nông sản tìm cơ hội trong thách thức xuất khẩu
Doanh thu bán lẻ từ thị trường thương mại điện tử sẽ tăng mạnh vào năm 2025
Sản lượng lúa các tỉnh phía Bắc năm 2024 đạt trên 12,7 triệu tấn
Xuất khẩu gỗ tìm được cơ hội lội ngược dòng để về đích vượt mục tiêu
Dong riềng được mùa, được giá, làng miến Bình Lư tất bật vào vụ sản xuất
Quảng Ninh: Tốc độ sản xuất nuôi trồng thủy sản đang phục hồi rất khả quan