Long An: Sản lượng lúa lần đầu vượt mức 3 triệu tấn
27/12/2023 12:48
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, năm 2023 hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn gặp nhiều thuận lợi và phát triển ổn định. Đặc biệt, sản lượng lúa của tỉnh lần đầu tiên vượt mức 3 triệu tấn.
Cụ thể, tổng diện tích lúa gieo sạ lúa năm 2023 của tỉnh Long An đạt trên 516.000 ha; năng suất thu hoạch ước đạt 5,94 tấn/ha, tăng 5,7% so với cùng kỳ. Sản lượng đạt 3,067 triệu tấn, tăng 7,2% so với cùng kỳ (năm 2022 đạt 2,861 triệu tấn; trong đó, sản lượng lúa chất lượng cao đạt trên 2 triệu tấn, chiếm 65,3% tổng sản lượng lúa. Kết quả trên đã vượt xa so với chỉ tiêu phấn đấu 2,8 triệu tấn của ngành nông nghiệp.
Song song đó, việc tiêu thụ lúa tương đối thuận lợi, giá bán liên tục tăng cao, có thời điểm đạt trên 9.000 đồng/kg giúp người nông dân đạt lợi nhuận khá. Cụ thể, gá lúa IR 50404 dao động từ 6.500-9.000 đồng/kg, tăng 1.100-3.000 đồng/kg; giá lúa OM các loại từ 6.500-8.900 đ/kg, tăng 800-2.000 đồng/kg; ST24 từ 7.400-9.000 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg; giá nếp từ 6.500-7.700 đồng/kg, tăng 1.100-1.400 đồng/kg; Đài thơm 8 từ 6.700-9.200 đồng/kg, tăng 800-3.100 đồng/kg…
Bên cạnh đó, một số loại cây trồng khác của địa phương cũng có sản lượng tăng như: cây chanh sản lượng đạ gần 184.000 tấn, tăng 5,62% so với cùng kỳ 2022; cây mít có sản lượng đạt gần 43.000 tấn, tăng 31,3%; rau màu các loại có sản lượng trên 252.000 tấn, tăng gần 10.000 tấn so với cùng kỳ...
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An Nguyễn Thanh Truyền, năm 2024, địa phương đặt ra kế hoạch sản lượng lúa đạt 2,85 triệu tấn; trong đó, sản lượng lúa chất lượng cao chiếm 70% tổng sản lượng. Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp năm 2024 nhằm nâng cao hiệu quả, sản lượng và chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Tập trung chỉ đạo tổ chức sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản giữ vững năng suất, chất lượng, nông sản. Theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng thủy văn, diễn biến tình hình sinh vật gây hại để chủ động bảo vệ sản xuất, hạn chế thiệt hại xảy ra; tiếp tục thực hiện giải pháp chỉ đạo gieo sạ tập trung, đồng loạt theo khung lịch khuyến cáo của tỉnh; nân rộng các mô hình hiệu quả cao trong sản xuất như: “Cánh đồng lớn”; “3 giảm 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, “Quản lý dịch hại bằng công nghệ sinh thái”…
Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhất là những tiến bộ kỹ thuật, thực hành sản xuất tốt. Hỗ trợ phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác nâng cao năng lực chủ động liên kết tiêu thụ đầu ra, ký kết hợp đồng liên kết sản xuất theo chuỗi sản xuất có địa chỉ, truy xuất nguồn gốc; duy trì, nhân rộng diện tích doanh nghiệp tham gia cánh đồng lớn theo hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản…
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng
Vùng ngọt hóa Gò Công bội thu rau màu Thu Đông
Tạo cơ chế chủ động thu hút đầu tư vùng Đông Nam Bộ
Quảng Ninh: Thúc đẩy trồng trọt vụ Đông để khắc phục thiệt hại do bão số 3
Nông sản tìm cơ hội trong thách thức xuất khẩu
Doanh thu bán lẻ từ thị trường thương mại điện tử sẽ tăng mạnh vào năm 2025
Sản lượng lúa các tỉnh phía Bắc năm 2024 đạt trên 12,7 triệu tấn
Xuất khẩu gỗ tìm được cơ hội lội ngược dòng để về đích vượt mục tiêu
Dong riềng được mùa, được giá, làng miến Bình Lư tất bật vào vụ sản xuất
Quảng Ninh: Tốc độ sản xuất nuôi trồng thủy sản đang phục hồi rất khả quan