Làn sóng giảm lãi suất lan mạnh sau cuộc họp của Ngân hàng Nhà nước

03/04/2020 16:30

Hàng loạt ngân hàng đã thực hiện giảm sâu lãi suất cho vay từ 1%-4,5%đối với doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Lan song giam lai suat lan manh sau cuoc hop cua Ngan hang Nha nuoc hinh anh 1
Giao dịch tại HDBank. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Sau chỉ đạo của Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ngay trong ngày 1-2/4, hàng loạt ngân hàng đã thực hiện giảm mạnh lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Đây cũng được cho là đợt giảm mạnh lãi suất từ đầu năm đến nay.

Lãi suất giảm sâu

Giảm mạnh lãi suất lần này phải kể đến Ngân hàng Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank). Theo đó, ngân hàng này triển khai gói giảm lãi suất vay ưu đãi từ 2-4,5% cho các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ bị ảnh hưởng dịch COVID-19 trong cả nước.

Hỗ trợ này có hiệu lực từ ngày 31/3, HDBank sẽ giảm lãi suất cho các khoản giải ngân mới mà không cần khách hàng phải chứng minh bất kỳ khó khăn nào gặp phải; miễn phí cam kết rút vốn, phí hạn mức tín dụng dự phòng. 

Tiếp đến, Ngân hàng Kiên Long (Kienlongbank) cũng quyết định giảm đến 3%/năm lãi suất cho vay trong hạn so với mức lãi suất đang áp dụng theo thỏa thuận của hợp đồng tín dụng đã ký kết đối với cả khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp. Thời gian áp dụng giảm lãi vay từ ngày 1/4-30/6 đối với những khách hàng tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ưu tiên 5 tỉnh đã công bố tình huống khẩn cấp là Kiên Giang, Bến Tre, Cà Mau, Tiền Giang và Long An).

[Các ngân hàng quyết định giảm thêm 2%-2,5% lãi suất cho vay]

Đây là chương trình nhằm bổ sung vốn sản xuất nông nghiệp (nuôi, trồng, chăm sóc): cây lúa, cây ăn trái, rau củ quả, thủy sản đối với 5 tỉnh bị ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn. Trong thời gian này, Kienlongbank còn hỗ trợ khách hàng miễn phạt tiền lãi nợ quá hạn và tiền lãi chậm trả lãi. Thời gian được miễn/giảm lãi suất tối đa 3 tháng và không vượt quá ngày 30/6.

Còn tại Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng giảm 2% lãi suất cho các khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ cho cả khách hàng hiện hữu lẫn khách hàng mới. Cụ thể, đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm, mức giảm lãi suất tối đa 1,5%/năm đối với khoản vay VND, 1%/năm đối với khoản vay USD. Đối với các khoản vay không có tài sản bảo đảm, VPBank áp dụng mức giảm lãi suất tối đa 2%/năm đối với khoản vay VND và 1%/năm đối với các khoản vay USD.

Đại diện VPBank cho biết, gói mở rộng, hỗ trợ lãi suất sâu thêm đến 2%/năm của ngân hàng vừa công bố nhằm hưởng ứng chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước với hệ thống các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp trong cuộc họp chiều ngày 31/3.

Tại cuộc họp trực tuyến của Ngân hàng Nhà nước với một số ngân hàng thương mại, 4 bank lớn (Vietcombank, BIDV, VietinBank, AgriBank) đã cam kết giảm sâu lãi suất cho vay tới 2,5%/năm, đặc biệt cho doanh nghiệp phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu trong đại dịch COVID-19.

Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch BIDV cho biết ngân hàng đã cơ cấu giảm nợ cho 3.300 khách hàng, đồng thời miễn giảm lãi các dư nợ cũ từ 0,5%-1,2%/năm. Ngân hàng cũng đã chuẩn bị gói tín dụng 125.000 tỷ đồng để giải ngân cho khách hàng vay vốn trong giai đoạn này.

Bên cạnh đó, BIDV tiếp tục cơ cấu lại nợ, giãn nợ cho khách hàng đến sau 3 tháng ngày Chính phủ công bố hết dịch. Các khách hàng là doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong ngành nghề rất nặng như vận tải, hàng không, khách sạn, du lịch, dịch vụ ăn uống... sẽ được ngân hàng giảm lãi suất cho vay từ 0,5%-2%/năm đối với VND, 0,5%-1% đối với USD.

Ông Phạm Hoàng Đức, Chủ tịch Agribank cho biết Agribank đã ban hành văn bản gói ưu đãi lãi suất quy mô khoảng 100.000 tỷ đồng, giải ngân từ ngày 1/4 đến thời điểm sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch COVID-19 hoặc đến khi giải ngân hết gói tín dụng này. Khách hàng là đối tượng của chương trình sẽ được áp dụng lãi suất thấp hơn 1% (đối với khoản vay bằng Đồng Việt Nam) và thấp hơn 0,5% (đối với khoản vay bằng ngoại tệ) so với lãi suất cho vay cùng loại.

Cũng từ 1/4, VietinBank tiếp tục triển khai chương trình tín dụng lãi suất trong nhóm thấp nhất thị trường có quy mô lên đến 60.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay giảm đến 2%/năm so với các chương trình tín dụng đã từng triển khai trước đây (trước thời điểm có dịch). Ngân hàng này đặc biệt ưu đãi cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho người dân trong giai đoạn đại dịch COVID-19.

Vietcombank cũng tiếp tục kéo dài chính sách giảm lãi suất từ 1%-1,5%/năm đối với dư nợ hiện hữu đến hết ngày 30/9  thay vì hết tháng Tư như công bố trước đây. Với chính sách này, Vietcombank ước tính sẽ giảm lợi nhuận 300 tỷ đồng để chia sẻ khó khăn với khách hàng bị thiệt hại bởi dịch bệnh.

Lan song giam lai suat lan manh sau cuoc hop cua Ngan hang Nha nuoc hinh anh 2
Sản xuất khẩu trang kháng khuẩn tại một đơn vị thành viên của Vinatex. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Chính phủ đánh giá cao ngành ngân hàng

Ở một diễn biến khác, tại phiên họp trực tuyến Chính phủ thường kỳ tháng Ba của Chính phủ diễn ra ngày 1/4, sau khi Thống đốc Lê Minh Hưng phát biểu ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao hoạt động của ngành ngân hàng, nhất là trong việc triển khai các giải pháp, chỉ đạo của Chính phủ trong việc phòng, chống dịch COVID-19.

Ngành ngân hàng đã tích cực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn, giải ngân kịp thời nhiều gói hỗ trợ, thực hiện giảm lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhấn mạnh Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, điều hành tốt chính sách tỷ giá… góp phần quan trọng giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định đời sống nhân dân.

Báo cáo Chính phủ tại cuộc họp này, Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh: Đến thời điểm này, hoạt động ngân hàng đảm bảo thông suốt, tình hình thanh khoản của thị trường, tỷ giá diễn biến khá ổn định mặc dù thị trường quốc tế có rất nhiều biến động và đồng tiền của các nước biến động rất mạnh.

Cũng theo Thống đốc, đến thời điểm này Ngân hàng Nhà nước chưa phải sử dụng dự trữ ngoại hối để bình ổn và can thiệp thị trường.

Về hoạt động tín dụng, riêng trong tháng Ba đã có mức tăng dư nợ tín dụng khá tốt, chứng tỏ nền kinh tế có bước tiếp cận tín dụng tốt hơn và là diễn biến có tính tích cực hơn so với tháng Một và tháng Hai trong hoạt động tín dụng ngân hàng.

Về thực hiện các giải pháp cấp bách của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện giảm các mức lãi suất điều hành, thực hiện điều tiết thị trường, thanh khoản hàng ngày linh hoạt. Đây là cơ sở rất quan trọng để các tổ chức tín dụng hoạt động ổn định và tiếp tục giảm mạnh lãi suất cho vay. Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng là tập trung tiết giảm chi phí hoạt động, đặc biệt là chi phí lương, thưởng và trong năm nay không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung mọi nguồn lực cần thiết để có thể giảm mạnh lãi suất cho vay.

Đối với dự thảo Nghị định của Chính phủ về giãn thuế, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề nghị các tổ chức tín dụng cũng thuộc đối tượng được thực hiện giãn thuế, giãn việc nộp thuế thu nhập doanh nghiệp vì các tổ chức tín dụng vừa qua tham gia rất trách nhiệm, gương mẫu trong việc triển khai tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn. Vì vậy, cần được xem xét để giãn việc nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tạo cho tổ chức tín dụng có dòng tiền, có thanh khoản để hỗ trợ và tiếp tục cung ứng vốn cho nền kinh tế.

Ngoài ra, Thống đốc Lê Minh Hưng kiến nghị Chính phủ sớm xem xét phê duyệt hạn mức tăng trưởng tín dụng cho Ngân hàng Chính sách xã hội để triển khai nhanh việc cho vay hỗ trợ cho người nghèo và các đối tượng chính sách./.

 

Nguồn: vietnamplus.vn

Viết bình luận mới