Kinh tế Việt Nam: Kỳ vọng tăng trưởng bền vững giữa áp lực hội nhập và cải cách
02/05/2025 13:16
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn nhiều bất định, các định chế tài chính quốc tế lớn như WB và ADB vẫn đánh giá lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2025
Các container hàng hóa tại Cảng biển Cái Mép. (Ảnh: Đoàn Mạnh Dương/TTXVN)
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn nhiều bất định, các định chế tài chính quốc tế lớn như Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vẫn đánh giá lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2025.
Những con số 5,8% từ WB (cao hơn so với nhiều nước ở Đông Á-Thái Bình Dương) và 6,6% từ ADB không chỉ là dự báo, mà còn là sự ghi nhận cho những nỗ lực ổn định vĩ mô, cải cách chính sách và thúc đẩy hội nhập kinh tế của Việt Nam thời gian qua.
Động lực tăng trưởng đến từ xuất khẩu, FDI và bất động sản
WB nhấn mạnh rằng đà tăng trưởng hiện tại chủ yếu được dẫn dắt bởi sự phục hồi mạnh mẽ của xuất khẩu - tăng tới 15,5% trong năm 2024 - cùng với tín hiệu khởi sắc của thị trường bất động sản nhờ mặt bằng lãi suất thấp và nguồn cung gia tăng.
Những yếu tố này đã kéo theo sự cải thiện rõ rệt trên thị trường lao động, trong đó việc làm trong ngành chế biến chế tạo phục hồi đáng kể, thu nhập thực tế tăng gần 5% - tất cả góp phần vào xu hướng giảm nghèo rõ rệt, với tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn quốc tế dự kiến chỉ còn 3,6% vào năm 2025.
Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn chưa thể hoàn toàn tận dụng được hiệu ứng lan tỏa. Tỷ lệ tiết kiệm trong dân cư vẫn ở mức cao, đạt 37,2%. Nông nghiệp - vốn là trụ đỡ thu nhập của nhóm dân cư nghèo nhất - lại đang tăng trưởng chậm, khiến tiêu dùng nội địa chưa phục hồi tương xứng.
Áp lực từ bên ngoài và yêu cầu cải cách nội tại
Các rủi ro bên ngoài - từ bất ổn địa chính trị, xung đột thương mại cho đến chính sách thuế quan mới từ Mỹ - tiếp tục là những yếu tố tiềm ẩn có thể ảnh hưởng đến đà phục hồi kinh tế.
Trong bối cảnh đó, ADB nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy nhanh cải cách thể chế, tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) để nâng cao sức chống chịu và khả năng cạnh tranh quốc gia.
Các chuyên gia của ADB cũng lưu ý rằng mặc dù các nhà đầu tư FDI có xu hướng thận trọng trước sự bất định, họ thường lập kế hoạch dài hạn. Do đó, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để giữ chân và thu hút dòng vốn chất lượng.
Triển vọng đàm phán thương mại hiệu quả
Trong khi tiếp tục đẩy mạnh cải cách trong nước, Việt Nam đang chủ động thúc đẩy tiến trình đàm phán thương mại với Mỹ nhằm tìm giải pháp về thuế quan.
Theo các nguồn tin quốc tế (Reuters, The Straits Times), ngày 23/4, Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Trưởng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) Jamieson L. Greer đã có cuộc điện đàm về “các vấn đề kinh tế và thương mại song phương”
Hai bên đều nhất trí về tầm quan trọng của việc đạt được tiến triển nhanh chóng hướng tới thương mại có đi có lại và cân bằng giữa Mỹ và Việt Nam.Việt Nam đã thể hiện thiện chí thông qua việc tăng cường nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ.
Trang regtechtimes.com (Ấn Độ) dự báo, dù chưa có quyết định cuối cùng, các cuộc đàm phán cho thấy cả hai bên đều sẵn sàng thảo luận các vấn đề. Kết quả sẽ phụ thuộc vào việc liệu hai nước có thể tìm ra cách để bảo vệ lợi ích của mỗi bên trong khi vẫn duy trì mối quan hệ thương mại bền chặt hay không.
Tham vọng về một trung tâm tài chính quốc tế
Không chỉ dừng ở cải cách vĩ mô, Việt Nam còn đang thể hiện tầm nhìn dài hạn với kế hoạch xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh - một tham vọng lớn nhằm nâng tầm vị thế quốc gia trên bản đồ tài chính toàn cầu.
Với nền kinh tế số phát triển nhanh, vị trí chiến lược ở Đông Nam Á, sự hội nhập sâu rộng thông qua các FTA và quan hệ hợp tác với những trung tâm tài chính như Luxembourg, Việt Nam đang tạo ra một tiền đề hấp dẫn cho các nhà đầu tư quốc tế.
Trang b-company.jp (Nhật Bản) nhận định, để tham vọng này “cất cánh”, Việt Nam cần giải quyết một số vấn đề nền tảng liên quan đến rào cản liên quan đến dòng vốn, nhân lực chất lượng cao, quyền sở hữu nước ngoài và chuyển đổi tiền tệ.
Nguồn: vietnamplus.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Tổng thống Trump nêu tên các nước có thể đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ
Kinh tế toàn cầu phân mảnh: Thách thức đối với các nước đang phát triển
Bộ Công Thương thu hồi 10 giấy chứng nhận kinh doanh xuất khẩu gạo
Giới doanh nghiệp Venezuela ngưỡng mộ thành tựu của Việt Nam
Giá dầu thế giới chạm mức thấp nhất trong hai tuần
Bước tiến thắt chặt hợp tác trong lĩnh vực ngân hàng giữa Việt Nam và Hàn Quốc
Đồng ý chủ trương mua tàu bay không cấp bảo lãnh Chính phủ
HOSE ra mắt giao diện website mới cùng thời điểm vận hành KRX
Hoàn thành 50 công trình 110kV chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam
Việt Nam mang "hơi thở xanh" đến Triển lãm thời trang quốc tế Hong Kong