Kinh tế Đà Nẵng duy trì xu hướng tích cực, tạo đà tăng trưởng dịp cuối năm
05/11/2024 10:07
Theo Cục Thống kê thành phố, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10/2024 ước tăng 1,10% so với tháng trước và tăng 14,04% so với tháng cùng kỳ năm 2023.
Ngay từ đầu năm, thành phố Đà Nẵng đã triển khai đồng bộ các giải pháp, quyết liệt khắc phục các tồn tại, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công, đặc biệt là các dự án quan trọng, dự án phát triển hạ tầng trọng điểm có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội.
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng ấn tượng
Theo Cục Thống kê thành phố, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10/2024 ước tăng 1,10% so với tháng trước và tăng 14,04% so với tháng cùng kỳ năm 2023.
Nhờ đàm phán, ký kết được một số hợp đồng có giá trị lớn nên dự kiến tháng 10-2024, một số ngành đạt chỉ số tăng trưởng so với cùng kỳ khá ấn tượng như: sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic (tăng 40,21%); sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (tăng 45,75%); sản xuất phương tiện vận tải cụ thể là ngành công nghiệp đóng tàu thủy (tăng 74,22%).
Tính chung 10 tháng năm 2024, chỉ số IIP tăng 5,99% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong những tháng gần đây có tín hiệu phục hồi khá tích cực, đạt mức tăng cao hơn chỉ số toàn ngành (tăng 6,13%).
Một số ngành đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng của lĩnh vực chế biến, chế tạo phải kể đến như dệt (tăng 34,01%); sản xuất đồ uống (tăng 12,84%); sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic (tăng 13,35%); sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (tăng 17,86%); sản xuất máy móc, thiết bị (động cơ 1 chiều; bộ lọc dầu...) (tăng 16,26%); sản xuất phương tiện vận tải (tăng 7,13%)...
Xuất siêu 10 tháng năm 2024 đạt 476 triệu USD
Thời gian qua, Đà Nẵng nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, kịp thời giải quyết những vướng mắc để hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.
Nhờ đó, tình hình xuất nhập khẩu trên địa bàn thành phố 10 tháng năm 2024 có những chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả khả quan.
Ước tính tháng 10/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa hai chiều đạt 264 triệu USD, giảm 0,4% so với tháng trước và tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, xuất khẩu ước đạt 153 triệu USD, giảm 2,3% so với tháng trước và tăng 5,0% so với cùng kỳ năm 2023; nhập khẩu đạt 111 triệu USD, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 10 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 2.695 triệu USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, xuất khẩu hàng hóa ước đạt 1.585 triệu USD, tăng 3,6%; nhập khẩu hàng hóa ước đạt 1.109 triệu USD, tăng 19,1%. Cán cân thương mại hàng hóa 10 tháng năm 2024 tiếp tục duy trì xuất siêu 476 triệu USD.
Tháng 10/2024, tình hình hoạt động của doanh nghiệp cũng ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực với 347 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký với tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 1.176 tỷ đồng
Lũy kế 10 tháng năm 2024 (tính đến 25-10-2024), Đà Nẵng đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 3.372 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 11.344 tỷ đồng.
Số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2023 (tương đương với 1.551 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc so với 1.533 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc cùng kỳ năm 2023).
Thu ngân sách nhà nước tiếp tục đà tăng cao
Thu ngân sách nhà nước 10 tháng năm 2024 tiếp tục đà tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Để có được kết quả đó là nhờ vào sự chỉ đạo quyết liệt trong công tác thu, chi ngân sách; tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp về thu thuế, phí và thu khác, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp và người dân được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của chính quyền thành phố.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tính sơ bộ đến 25/10 đạt 21.064 tỷ đồng, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thu ngân sách Trung ương đạt 5.304 tỷ đồng, thu ngân sách địa phương đạt 15.760 tỷ đồng.
Trong tổng thu ngân sách nhà nước, hoạt động thu nội địa tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu (88,5%) và là cơ sở để thực hiện cân đối các nguồn chi trong năm.
Trong tổng thu nội địa, các khoản thu chiếm tỷ trọng cao gồm các khoản thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh chiếm 21,4%, tăng 44,8% so với cùng kỳ năm 2023; thu từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chiếm 19,2%, tăng 45,1%; thuế thu nhập cá nhân chiếm 13,4%, tăng 39,5%; các khoản thu về nhà, đất chiếm 11,8%, tăng 13,6%; thu từ doanh nghiệp nhà nước chiếm 6,0%, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tăng
Dự kiến tháng 10/2024, tiến độ thực hiện các của các dự án, công trình sẽ không tăng tốc nhanh như các tháng trong quý 3/2024. Nguyên nhân là do bên cạnh các vướng mắc, khó khăn còn tồn tại, thành phố Đà Nẵng đã bắt đầu vào mùa mưa với những đợt mưa rất lớn, gây ngập úng ở nhiều nơi.
Giá trị vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 10/2024 ước đạt 737 tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Một số dự án có khối lượng thực hiện khá cao điển hình như dự án Đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung; Công trình cầu Quảng Đà và đường dẫn đầu cầu; Đường ven biển nối Cảng Liên Chiểu; Đầu tư xây dựng Nâng cấp, mở rộng cảng cá Thọ Quang (giai đoạn 2); Đầu tư xây dựng Nâng cấp Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng...
Bên cạnh đó, vẫn còn một số dự án công trình không hoàn thành theo đúng tiến độ hoặc chưa khởi công theo đúng kế hoạch đề ra năm 2024 như xây dựng Trạm xử lý nước thải Hòa Xuân (giai đoạn 3); Trung tâm Y tế quận Thanh Khê (giai đoạn 1); Khu tái định cư phục vụ giải tỏa dự án Làng Đại học; Dự án cải tạo cảnh quan vỉa hè đường Thăng Long (giai đoạn 2);...
Lũy kế 10 tháng năm 2024, ước vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 5.429 tỷ đồng, đạt 62,9% kế hoạch vốn được giao và tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Xét theo cơ cấu nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh, lũy kế 10 tháng năm 2024, khối lượng vốn cân đối ngân sách tỉnh ước đạt 3.260 tỷ đồng; vốn trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu ước đạt 882 tỷ đồng; xổ số kiến thiết ước đạt 137 tỷ đồng, vốn khác ước đạt 953 tỷ đồng.
Thu hút được hơn 2 tỷ USD vốn FDI
Về thu hút đầu tư trong nước, từ ngày 25/9 đến 25/10, thành phố thu hút được 1 dự án cấp mới nằm ngoài các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin với tổng vốn là 1.729 tỷ đồng.
Cộng dồn từ đầu năm đến 25/10, thành phố đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 8 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký mới đạt 26.945 tỷ đồng; trong đó có 6 dự án nằm ngoài khu công nghiệp với tổng vốn đăng ký đạt 26.135 tỷ đồng; 2 dự án nằm trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao & khu công nghệ thông tin với vốn đăng ký đạt 810 tỷ đồng.
Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong tháng 10 (tính đến 25/10) thành phố thu hút được 2,045 triệu USD vốn FDI, trong đó cấp mới 6 dự án với vốn đăng ký là 1,767 triệu USD; có 2 lượt dự án điều chỉnh với tổng vốn tăng 0,249 triệu USD; 1 lượt góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế với tổng giá trị 0,03 triệu USD.
Từ ngày 1/1 đến ngày 25/10, thành phố thu hút được 33,166 triệu USD vốn FDI; trong đó cấp mới 59 dự án với vốn đăng ký là 26,644 triệu USD; điều chỉnh tăng/giảm vốn 21 lượt dự án với tổng vốn 5,092 triệu USD; 18 lượt mua phần vốn góp trong tổ chức kinh tế với tổng giá trị 1,431 triệu USD.
Một số nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm
Để đảm bảo sự ổn định và duy trì đà phát triển kinh tế-xã hội, thành phố Đà Nẵng cần tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm dưới đây.
Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và môi trường kinh doanh. Việc cải cách hành chính cần được thực hiện một cách mạnh mẽ hơn, tập trung vào việc đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến thành lập doanh nghiệp, thuế, hải quan và đất đai; cần có các biện pháp quyết liệt để đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thứ hai là tiếp tục thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Việc phát triển nguồn nhân lực cần được xem là một chiến lược dài hạn. Thành phố cần đầu tư mạnh mẽ vào các chương trình đào tạo kỹ năng cao, phù hợp với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; cần có chính sách hỗ trợ việc làm, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao và dịch vụ, để đảm bảo rằng người lao động có cơ hội tiếp cận với các công việc có thu nhập tốt và ổn định nhằm giữ chân nhân tài.
Tiếp tục thúc đẩy cải cách trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng nhằm hỗ trợ tốt hơn cho nền kinh tế. Cần có các biện pháp để tăng cường khả năng tiếp cận vốn vay cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cải thiện tính minh bạch và ổn định của hệ thống ngân hàng, đảm bảo rằng các ngân hàng hoạt động an toàn và hiệu quả trong việc cung cấp dịch vụ tài chính cho doanh nghiệp và người dân trên địa bàn.
Đà Nẵng sẽ tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn, đồng hành cùng doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thành lập và hoạt động. Tiếp tục cải thiện, nâng cao Chỉ số Tiếp cận đất đai thuộc Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính; duy trì thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tập trung triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền nội dung liên quan Luật Đất đai (mới) theo quy định.
Thứ năm là triển khai hiệu quả Chương trình xúc tiến thương mại, Chương trình quảng bá thương hiệu sản phẩm Đà Nẵng gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam," thông qua việc tổ chức các hội chợ, triển lãm, phát động các chương trình khuyến mãi, các hoạt động kết nối giao thương, quảng bá, giới thiệu sản phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Tập trung triển khai các giải pháp đảm bảo nguồn cung, bình ổn thị trường trong các dịp lễ, Tết..../.
Nguồn: vietnamplus.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Năng suất lúa sản xuất theo hướng hữu cơ tăng từ 10 - 15%
Xanh hóa quy trình sản xuất và chế biến trong xuất khẩu cá tra
Giá nhiều loại thủy sản tăng cao
Nhu cầu đặt hoa cúc mâm xôi Tết tăng cao, giá cũng tăng
Bến Tre: Mở rộng diện tích sản xuất dừa hữu cơ, đẩy mạnh xuất khẩu
Việt Nam và Malaysia hướng tới dấu mốc mới trong quan hệ thương mại
Sản xuất công nghiệp đang phục hồi mạnh mẽ
'Chất xúc tác' cho phát triển ngành logistics
VPI dự báo giá xăng dầu tiếp tục giảm trong kỳ điều hành ngày 21/11
Thị trường quà tặng 20/11: Đa dạng về mẫu mã, phong phú về giá thành