Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Hà Nội tăng mạnh, đạt 15,5 tỷ USD

08/11/2024 07:41

10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Hà Nội ước tính đạt 15,5 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước.

Chú thích ảnh

Sản xuất hàng may mặc tại Xí nghiệp Sơ mi, Veston của Tổng Công ty May 10 tại Sài Đồng, Quận Long Biên, Hà Nội. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 10 của Hà Nội đạt 1,5 tỷ USD, tăng 2,1% so với tháng trước và tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: khu vực kinh tế trong nước đạt 842 triệu USD, tăng 2,3% và tăng 3,8%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 635 triệu USD, tăng 1,9% và tăng 7,0%. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Thủ đô từ đầu năm đến nay tăng rất mạnh với mức tăng 12,3% so với cùng kỳ.

Trong tháng 10, một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ như: máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 211 triệu USD, tăng 15,6%; hàng dệt may đạt 192 triệu USD, tăng 26,7%; máy móc, thiết bị và phụ tùng đạt 191 triệu USD, tăng 10,6%; hàng nông sản đạt 127 triệu USD, tăng 36,2%; hàng hóa khác đạt 368 triệu USD, tăng 10,4%.

Trong tháng Mười, có 4 nhóm hàng chủ yếu kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ: phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 163 triệu USD, giảm 20,7%; xăng dầu đạt 85 triệu USD, giảm 35,7%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 52 triệu USD, giảm 23,3%; hàng gốm sứ đạt 18 triệu USD, giảm 10,2%.

Tính chung 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 15,5 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,1 tỷ USD, tăng 15,1%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 6,4 tỷ USD, tăng 8,6%.

Một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ: máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 2,3 tỷ USD, tăng 18,7%; hàng may, dệt đạt 1,9 tỷ USD, tăng 8,3%; máy móc thiết bị phụ tùng đạt 1,9 tỷ USD, tăng 9,2%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1,8 tỷ USD, tăng 16,3%; hàng nông sản đạt 1,3 tỷ USD, tăng 43,9%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 632 triệu USD, tăng 0,4%; hàng hóa khác đạt 3,8 tỷ USD, tăng 10,6%.

Có 2/12 nhóm hàng chủ yếu kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ: xăng dầu đạt 1,1 tỷ USD, giảm 2,1%; giầy dép và sản phẩm từ da đạt 290 triệu USD, giảm 9,0%.

Bên cạnh đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 10 ước tính đạt 3,2 tỷ USD, tăng 3,7% so với tháng trước và giảm 2,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 33,2 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 27,6 tỷ USD, tăng 10,2%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đạt 5,6 tỷ USD, tăng 6,9%.

Một số nhóm hàng có giá trị nhập khẩu lớn như: máy móc thiết bị, phụ tùng đạt 5,7 tỷ USD, tăng 17,3%; xăng dầu đạt 3,8 tỷ USD, giảm 15,6%; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 2,1 tỷ USD, tăng 14,5%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1,9 tỷ USD, tăng 24,7%; sắt thép đạt 1,8 tỷ USD, tăng 20,2%; kim loại khác đạt 1,2 tỷ USD, tăng 48,5%; chất dẻo đạt 1,1 tỷ USD, tăng 5,6%; hàng hóa khác đạt 11,7 tỷ USD, tăng 10,3%.

UBND thành phố Hà Nội cũng đề ra rất nhiều các giải pháp để thực hiện phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa tại Hà Nội trong những tháng cuối năm 2024. Thành phố đã, đang và sẽ tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tổ chức triển lãm và giao thương kết nối doanh nghiệp xuất nhập khẩu với các đối tác trong và ngoài nước. Cung cấp thông tin về thị trường, sản phẩm, và xu hướng tiêu dùng.

Thành phố hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp các chương trình đào tạo, tư vấn về xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp, giúp họ nắm vững quy trình, thủ tục và các quy định liên quan. Hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường và khách hàng.

UBND thành phố chỉ đạo Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung nâng cao chất lượng hàng hóa, sản phẩm OCOP để có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng, chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc cải tiến công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Trong chiến lược lâu dài, thành phố chú trọng tăng cường hợp tác quốc tế, thiết lập các mối quan hệ hợp tác với các tổ chức, hiệp hội thương mại quốc tế để mở rộng thị trường xuất khẩu. Tham gia vào các hiệp định thương mại tự do để tận dụng lợi thế thuế quan.

Cạnh đó, Hà Nội đẩy mạnh, cải thiện hệ thống logistics và hạ tầng giao thông để giảm chi phí vận chuyển, nâng cao hiệu quả xuất nhập khẩu. Đầu tư vào các kho bãi, cảng biển, và hệ thống vận tải. Đồng thời sử dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào lĩnh vực xuất nhập khẩu, từ việc theo dõi đơn hàng đến quản lý kho bãi. Sử dụng các nền tảng thương mại điện tử để mở rộng kênh phân phối.

Ông Nguyễn Ánh Dương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch cho biết, được sự chỉ đạo của UBND thành phố, Trung tâm tập trung cao độ cho công tác xúc tiến, tăng cường kết nối, lan tỏa hình ảnh, thương hiệu mạnh của Thủ đô cho các chính quyền và doanh nghiệp trên thế giới biết tới. Thời gian qua và cũng như tới đây thành phố xây dựng và quảng bá thương hiệu hàng hóa của Hà Nội ra thị trường quốc tế một cách mạnh mẽ hơn, giúp nâng cao giá trị sản phẩm và thu hút khách hàng.

 

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới