Kiên Giang: Sản lượng lúa trong năm lương thực 2024 đạt hơn 4,6 triệu tấn
25/10/2024 10:20
Tỉnh Kiên Giang có 27.087ha sản xuất lúa đạt chuẩn SRP, hữu cơ, GlobalGAP, VietGAP, kiểm soát dư lượng… phục vụ chế biến xuất khẩu gạo sang các thị trường EU, Mỹ, Nhật.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang, kết thúc năm lương thực 2024, sản lượng lúa thu hoạch của tỉnh ước hơn 4,6 triệu tấn, tăng vượt so với kế hoạch hơn 200.000 tấn.
Năm 2024, toàn tỉnh gieo trồng 725.210/700.000 ha, đạt 101,81% kế hoạch, với tỷ lệ gieo trồng lúa có chất lượng gạo cao chiếm 93,52%, gồm lúa vụ Mùa, Đông Xuân, Hè Thu và Thu Đông; trong đó, lúa vụ Mùa và Đông Xuân gieo trồng trên 352.800 ha, với tổng sản lượng đã thu hoạch hơn 2,57 triệu tấn; lúa Hè Thu gieo trồng 277.295 ha cơ bản thu hoạch xong, sản lượng khoảng 1,6 triệu tấn; lúa Thu Đông gieo trồng 95.584 ha, đạt 129,17% kế hoạch, đã thu hoạch 78.650 ha và ước tính vụ lúa này sản lượng thu hoạch khoảng 504.100 tấn.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết đơn vị phối hợp với các huyện, thành phố triển khai kế hoạch sản xuất lúa năm 2024; dự báo, thông báo tình hình sinh vật gây hại kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn lịch thời vụ gieo sạ, tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, phòng, trừ dịch hại trên cây lúa. Đồng thời, tăng cường theo dõi diễn biến thời tiết, thủy văn, chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó khi xảy ra khô hạn, xâm nhập mặn, ngập, úng do mưa bão… nhằm làm giảm tác động bất lợi đến sản xuất.
Mặt khác, tỉnh đẩy mạnh ứng dụng quy trình canh tác giảm chi phí, giảm phát thải khí nhà kính như: 3 giảm-3 tăng, 1 phải 5 giảm, chuẩn SRP, sản xuất theo chuỗi giá trị, tập trung nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả và sức cạnh tranh; sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, an sinh xã hội và lợi ích kinh tế, góp phần hình thành và phát triển ngành nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu, bền vững.
Bên cạnh đó, Chi cục Thủy lợi Kiên Giang vận hành đóng, mở các cống tuyến đê biển Rạch Giá-Kiên Lương, An Biên-An Minh và tuyến đê bao Ô Môn-Xà No thuộc huyện Giồng Riềng, Gò Quao, các cống trên địa bàn thành phố Rạch Giá và các huyện Châu Thành, U Minh Thượng để điều tiết nước phục vụ sản xuất. Đồng thời, phối hợp với Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi miền Nam vận hành hệ thống thủy lợi Cái Lớn, Cái Bé và Xẻo Rô để tiêu thoát nước, chống ngập úng tại những khu vực trũng thấp.
Tiếp đến, thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm theo mô hình cánh đồng lớn, năm 2024, toàn tỉnh tổ chức sản xuất 767 cánh đồng, với diện tích khoảng 116.500ha, giảm 567 cánh đồng và diện tích giảm 50.726ha so với năm 2023.
Trong số đó, có 405 cánh đồng lớn gắn với liên kết tiêu thụ với diện tích 73.537,6ha, giảm 621 cánh đồng và giảm 47.159ha so với năm 2023, do giá lúa nguyên liệu tăng cao, các bên liên quan không thương lượng được giải pháp hiệu quả nên nông dân thu hoạch lúa bán tự do dẫn đến diện tích liên kết tiêu thụ giảm.
Có 27.087ha sản xuất lúa đạt chuẩn SRP, hữu cơ, GlobalGAP, VietGAP, kiểm soát dư lượng… phục vụ chế biến xuất khẩu gạo sang các thị trường EU, Mỹ, Nhật.
Ngoài ra, tỉnh thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại hai huyện Tân Hiệp và An Minh, với tổng diện tích 60ha, trong đó, có 10 ha ở An Minh sản xuất theo mô hình lúa-tôm.
Sản xuất lúa năm 2024 của tỉnh Kiên Giang tương đối thuận lợi, giá lúa luôn tăng và ở mức cao có lợi cho nông dân. Tuy nhiên, sản xuất lúa đối mặt với không ít khó khăn, bất lợi.
Cụ thể là thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ cao, nguồn nước ngọt đầu nguồn về sụt giảm… làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và làm chậm tiến độ xuống giống lúa Hè Thu 2024 ở một số nơi, nhất là vùng Tứ giác Long Xuyên.
Tiếp đến, bước vào mùa mưa, áp thấp nhiệt đới, ảnh hưởng hoàn lưu bão gây mưa to kèm theo dông lốc làm ngập úng, đổ ngã hàng ngàn ha Hè Thu và Thu Đông ở nhiều nơi trên địa bàn.
Hiện nay, tỉnh Kiên Giang bước vào triển khai thực hiện năm lương thực 2025. Lúa vụ Mùa 2024-2025 đã gieo trồng hơn 76.186ha, tập trung ở các địa phương như Hà Tiên, Giang Thành, An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng và lúa đang giai đoạn mạ, đẻ nhánh, làm đòng 400ha.
Cùng đó, lúa Đông Xuân 2024-2025 đã gieo sạ hơn 4.740ha ở các huyện Vĩnh Thuận, U Minh Thượng, Giang Thành, Châu Thành và thành phố Rạch Giá./.
Nguồn: vietnamplus.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Chuỗi tỷ USD rót vào sản xuất xanh
Làng hoa An Lạc hối hả chuẩn bị vụ Tết
Năng suất lúa sản xuất theo hướng hữu cơ tăng từ 10 - 15%
Xanh hóa quy trình sản xuất và chế biến trong xuất khẩu cá tra
Giá nhiều loại thủy sản tăng cao
Nhu cầu đặt hoa cúc mâm xôi Tết tăng cao, giá cũng tăng
Bến Tre: Mở rộng diện tích sản xuất dừa hữu cơ, đẩy mạnh xuất khẩu
Việt Nam và Malaysia hướng tới dấu mốc mới trong quan hệ thương mại
Sản xuất công nghiệp đang phục hồi mạnh mẽ
'Chất xúc tác' cho phát triển ngành logistics