Kiểm soát mặt bằng giá khi tăng lương
15/07/2024 12:49
Mặc dù lương cơ sở được điều chỉnh tăng từ ngày 1/7/2024, nhưng giá cả một số mặt hàng đã tăng theo lương, gây nhiều khó khăn cho người lao động.
Chị Nguyễn Hiền (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, theo quy định từ ngày 1/7/2024, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang được tăng lương 30%. Hai vợ chồng chị Hiền đều làm việc trong cơ quan Nhà nước, đến thời điểm này vẫn chưa được nhận theo lương mới. Theo hướng dẫn của cơ quan, phải đến tháng 8/2024 mới được nhận và truy lĩnh khoản tăng thêm tháng trước.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, khi đi chợ, siêu thị, mức chi phí của gia đình chị Hiền đã đội thêm khoản. “Các loại rau củ, thịt cá hiện đều tăng giá hơn so với trước. Nếu tháng trước, mỗi kg thịt ba chỉ là 120.000 - 130.000 đồng, tháng này đã tăng lên 140.000 - 150.000 đồng/kg, các loại rau củ cũng tăng thêm vài nghìn đồng tuỳ loại...”, chị Hiền chia sẻ.
Thực tế, theo khảo sát của phóng viên báo Tin tức tại một số chợ như: Yên Duyên (quận Hoàng Mai), Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), Nguyễn Cao (quận Hai Bà Trưng)... giá thịt lợn ba chỉ, bắp giò… đã tăng từ 120.000 - 130.000 đồng/kg trong tháng 6/2024 lên 150.000 đồng/kg hiện nay; giá rau xanh cũng tăng từ 2.000 - 3.000 đồng/mớ…
Chị Nguyễn Mai, tiểu thương bán rau tại chợ Yên Duyên cho biết, vì giá nhập rau cao, nên buộc phải đẩy giá khi bán. Cụ thể, mỗi kg cà rốt hiện 20.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg, củ cải 20.000 đồng/kg, cà chua 18.000 đồng/kg… Hành lá trước đây nhập vào giá 25.000 đồng/kg, hiện nay giá nhập đã tăng lên 30.000 đồng/kg... bắt buộc các tiểu thương phải tăng giá bán.
Tại hầu hết các chợ hiện nay, các loại thịt đều tăng giá, thịt ba chỉ dao động 140.000 - 160.000 đồng/kg, sườn non từ 150.000 - 180.000 đồng/kg, tăng 20 - 30% so với đầu năm và 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Giò heo, nạc dăm, thịt mông, nạc vai... cũng tăng thêm 20.000 đồng so với ba tháng trước và khoảng 10.000 đồng so với cùng kỳ năm 2023.
Chị Trần Hoa, một tiểu thương bán thịt tại chợ Nguyễn Cao cho hay, giá thịt tăng cao liên tục, khiến chị cũng phải nhập hàng giảm bớt đi, thay vì nhập nguyên con...
Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội, doanh nghiệp luôn chủ động phối hợp với các nhà cung cấp thực hiện các chương trình khuyến mãi tại 800 điểm bán trên toàn quốc. Trước, trong và sau Tết đến nay, hàng hóa và giá cả của siêu thị vẫn luôn ổn định. Mặc dù mức lương của công chức viên chức tăng, nhưng siêu thị vẫn giữ được giá bình ổn, để kích cầu tiêu dùng.
Vấn đề lương tăng và giá cả “chạy đua” theo đã lặp lại trong nhiều năm gần đây. Nhiều chuyên gia kinh tế đã đề nghị Chính phủ quan tâm thực hiện giải pháp bảo đảm nguồn lực ổn định, lâu dài và hiệu quả chính sách; tăng cường kiểm soát, quản lý giá và các giải pháp kiềm chế lạm phát sau khi tăng lương. Đặc biệt, cần có các giải pháp đảm bảo hạn chế được các tác động tiêu cực, đặc biệt hạn chế thấp nhất tình trạng tăng lương, nhưng kèm theo tăng giá, dễ làm giảm ý nghĩa của việc tăng lương.
Bộ Công Thương dự báo, thời gian tới, với các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, sản xuất kinh doanh sẽ được cải thiện, thị trường sẽ tương đối bình ổn.
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Thúc đẩy phát triển kinh tế xanh trong nông nghiệp
Bắc Ninh: Khởi sắc trong hoạt động sản xuất công nghiệp
Ngân hàng Thế giới: Lộ trình để Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập cao
Không để thiếu hàng, tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán
Nhân rộng mô hình thí điểm thành công Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao
Ninh Thuận: Liên kết chuỗi giá trị hướng đến xuất khẩu sản phẩm lợi thế
Kon Tum: Lý do khó phát triển diện tích chanh dây
Chuỗi tỷ USD rót vào sản xuất xanh
Làng hoa An Lạc hối hả chuẩn bị vụ Tết
Năng suất lúa sản xuất theo hướng hữu cơ tăng từ 10 - 15%