Không lo thiếu hụt xăng dầu những tháng cuối năm

19/09/2024 07:40

Theo tính toán của Bộ Công Thương, nguồn sản xuất và nhập khẩu xăng dầu những tháng còn lại của năm 2024 đảm bảo đủ nguồn cung ứng xăng dầu cho tiêu dùng và sản xuất kinh doanh.

Chú thích ảnh

Quang cảnh cuộc họp.

Ngày 18/9, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp về tình hình thực hiện tổng nguồn xăng dầu, các giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu cuối năm.

Thông tin về tình hình thực hiện nguồn cung xăng dầu 8 tháng đầu năm 2024 và tổng nguồn xăng dầu tối thiểu phân giao năm 2024, bà Nguyễn Thuý Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 được Bộ Công Thương phân giao cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (36 thương nhân) thực hiện tổng cộng là 28.437.856 m3/tấn xăng dầu các loại.

Về sản xuất, theo báo cáo của 2 nhà máy, sản xuất 8 tháng đầu năm 2024 đạt khoảng 11,4 triệu m3/tấn xăng dầu các loại, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2023 (8 tháng đầu năm 2024, đạt 11,16 triệu m3 tấn xăng dầu các loại).

Đối với nhập khẩu, theo Tổng cục Hải quan, nhập khẩu xăng dầu các loại 8 tháng năm 2024 khoảng 8,256 triệu m3 tấn, giảm 4,3% so với cùng kỳ.

“Như vậy, theo báo cáo của 2 nhà máy và Tổng cục Hải quan, tổng nguồn sản xuất và nhập khẩu xăng dầu 8 tháng đầu năm 2024 đạt khoảng 19,6 triệu m3/tấn xăng dầu các loại (nhập khẩu chiếm 42%, sản xuất trong nước chiếm 58%”, bà Nguyễn Thuý Hiền thông tin.

Theo báo cáo từ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, tổng nguồn nhập khẩu và mua trong nước thực hiện 8 tháng đầu năm 2024 đạt 18,16 triệu m3/tấn xăng dầu các loại, bằng 63,7% tổng nguồn tối thiểu Bộ Công Thương phân giao, bằng với 8 tháng đầu năm 2023 (so với 8 tháng đầu năm 2023 đạt 18,17 triệu m3 tấn xăng dầu các loại).

Về tiêu thụ 8 tháng đầu năm 2024, cả nước tiêu thụ khoảng 18 triệu m3/tấn (bình quân tiêu thụ khoảng 2,25 triệu m3/tấn/tháng xăng dầu các loại), tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023. Tồn kho thời điểm 8 tháng năm 2024: khoảng 1,95 triệu m3/tấn tương đương 8 tháng đầu năm 2023, tăng khoảng 8% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong 8 tháng đầu năm, số lượng thương nhân thực hiện tổng nguồn là 34 thương nhân, giảm 2 thương nhân so với đầu năm 2024 (trong đó có 1 thương nhân bị thu hồi Giấy xác nhận và 1 thương nhân hết hiệu lực Giấy xác nhận). Có 22/34 thương nhân thực hiện đạt trên 60% kế hoạch thực hiện tổng nguồn tối thiểu phân giao năm 2024, trong đó có 6 thương nhân đạt cao, vượt trên 100%.

Đầu tháng 9 vừa qua, bão Yagi (bão số 3) đã ảnh hưởng trực tiếp đến một số tỉnh miền Bắc nước ta, trong đó có các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Ông Trịnh Quang Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết, do ảnh hưởng bởi bão số 3 và hoàn lưu sau bão, các hội viên của hiệp hội gặp nhiều khó khăn, đặc biệt ở các tỉnh như Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ… Đến thời điểm hiện nay, có cửa hàng vẫn ngập sâu 3 m nước.

Tuy nhiên, thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ Công Thương, nước rút đến đâu, các doanh nghiệp, thương nhân xăng dầu tổ chức bán hàng đến đó. Đây là điều cần hoan nghênh vì doanh nghiệp đã rất cố gắng sản xuất, lưu thông, tổ chức kinh doanh đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Về phía doanh nghiệp, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) thông tin, 8 tháng đầu năm, doanh nghiệp đã thực hiện 60% kế hoạch cả năm và khoảng gần 90% tổng nguồn được Bộ Công Thương phân giao cho cả năm 2024.

Đặc biệt, trong giai đoạn bão lũ, Petrolimex đã rất nỗ lực để đảm bảo nguồn cung xăng dầu không bị đứt gãy. “Chúng tôi đánh giá, Bộ Công Thương đã rất nỗ lực để hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo nguồn cung. Vì bão đổ bộ miền Bắc vào ngày 7/9, thì đến ngày 9/9, trên cơ sở đề xuất của Petrolimex, Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương đã tham mưu Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Công văn số 6581/BCT-TTTN gửi UBND tỉnh Quảng Ninh và Bộ Giao thông Vận tải về việc hỗ trợ vận chuyển, cung ứng xăng dầu”, ông Trần Ngọc Năm chia sẻ. 

Ông Trần Ngọc Năm cho biết, thời điểm đó, một số tàu hàng của Petrolimex đã cập cảng nhưng không vào được bờ do bão to, sóng lớn. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc kịp thời của Bộ Công Thương, các tàu hàng của Petrolimex đã được phân luồng ưu tiên cập cảng, kịp thời cung ứng đủ nhu cầu cho người dân.

Đối với vấn đề điện, Petrolimex hiện có 600 km đường ống, nếu không có điện thì không bơm được xăng dầu mà buộc phải vận chuyển bằng đường bộ. Trong bối cảnh mưa lũ, nếu vận chuyển bằng đường bộ sẽ không kịp nguồn cho nhu cầu sử dụng. Do đó, Petrolimex đã tính đến cả phương án khởi động lại máy phát chạy dầu để đường ống xăng dầu có thể hoạt động. Song, may mắn là nhờ sự vào cuộc kịp thời của Bộ Công Thương trong việc nối lại nhanh nhất việc cung ứng điện nên vận chuyển xăng dầu đã được đảm bảo, không có sự gián đoạn.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi bão số 3, khoảng 100 cửa hàng của Petrolimex bị ảnh hưởng, trong đó nhiều cửa hàng sập mái. Bên cạnh đó, hoàn lưu bão cũng khiến trên 30 cửa hàng ngập nước, không thể bán được hàng.

“Dù ảnh hưởng lớn nhưng Petrolimex đã đảm bảo dự trữ nguồn hàng trong kho. Đồng thời, có dự phòng trong cả trường hợp bão số 4 ảnh hưởng đến nước ta thì vẫn đảm bảo nguồn hàng bình ổn trong hệ thống Petrolimex”, ông Trần Ngọc Năm thông tin.

Tại cuộc họp, nhiều doanh nghiệp cũng chia sẻ về tình hình ảnh hưởng của bão số 3 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, phân phối xăng dầu. Theo phản ánh chung, các doanh nghiệp miền Bắc, đặc biệt là các doanh nghiệp ở địa phương nơi cơn bão đi qua ít nhiều chịu tác động, thiệt hại của bão và hoàn lưu sau bão. Song các doanh nghiệp đã nỗ lực phục hồi sản xuất sau bão để có thể cung ứng kịp thời xăng dầu đến người dân, đảm bảo nguồn cung không bị đứt gãy.

Đánh giá về nguồn cung xăng dầu trong 4 tháng cuối năm, bà Nguyễn Thuý Hiền cho biết, về sản xuất, dự kiến 4 tháng cuối năm 2024 hai nhà máy sản xuất khoảng 6,6 triệu m3/tấn xăng dầu các loại.

Về nhập khẩu, ước nhập khẩu 4 tháng cuối năm 2024 khoảng 3,6 triệu m3 tấn xăng dầu các loại. Tổng nguồn sản xuất và nhập khẩu khoảng 10,2 triệu m3/tấn xăng dầu các loại.

Ước tiêu thụ 4 tháng cuối năm 2024 khoảng hơn 8 triệu m3/tấn (bình quân khoảng hơn 2 triệu m3/tấn/tháng). Tồn kho từ 1,8 - 2 triệu tấn.

“Nếu không có yếu tố đột biến, nguồn cung xăng dầu năm 2024 đáp ứng đủ nhiều cầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân”, bà Nguyễn Thuý Hiền khẳng định.

Tại cuộc họp, một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có đề xuất điều chỉnh giảm mức tổng nguồn xăng dầu được phân giao cho cả năm 2024. Theo lý giải của các doanh nghiệp, hiện nay, nhu cầu của người dân về cơ bản sẽ không có sự tăng trưởng đột biến. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại sau bão; một số doanh nghiệp bị lỗ do những tháng gần đây, giá xăng dầu giảm mạnh, trong khi lượng dự trữ của doanh nghiệp phải đảm bảo trong 20 ngày nên việc cân đối đang gặp khó khăn.

 

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới