Khôi phục nhanh sản xuất, nuôi trồng thủy sản để về đích
30/10/2024 13:46
Nắng nóng tại Trung Bộ, khô hạn tại Tây nguyên, xâm nhập mặn tại Nam bộ, bão, lũ xảy ra tại các tỉnh phía Bắc gây thiệt hại và ảnh hưởng rất lớn đối với nuôi trồng thuỷ sản.
Để đảm bảo mục tiêu, kế hoạch tăng trưởng nuôi trồng thuỷ sản, phát triển sản xuất ổn định, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu thuỷ sản phục vụ chế biến, xuất khẩu, ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh sản xuất để bù đắp thiệt hại do bão số 3 và hoàn thành kế hoạch sản xuất cả năm 2024, cũng như tạo tiền đề cho các năm sau.
Vượt qua những khó khăn sản xuất trong nước, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang thích nghi, điều chỉnh thị trường và mở mới thị trường sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản hồi phục trở lại mức 9,5 – 10 tỷ USD năm 2024. Tổng sản lượng nuôi trồng thuỷ sản ước đạt 5,86 triệu tấn.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024, Công điện số 100/CĐ-TTg ngày 27/9/2024 và Công điện số 108/CĐTTg ngày 18/10/2024 về việc tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp nhanh chóng phục hồi sản xuất nông nghiệp sau bão số 3 và mưa lũ, riêng với thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo vận chuyển ngay những vật tư, hóa chất, con giống doanh nghiệp hỗ trợ đến các địa phương để nông dân có nguồn vốn phục hồi sản xuất.
Bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề đối với 2.700 cơ sở nuôi trồng của tỉnh Quảng Ninh, tương đương khoảng gần 3.700 tỷ đồng. Nhiều ngư dân gần như tay trắng, song họ vẫn quyết tâm khôi phục sản xuất.
Ngay sau khi được ngân hàng hỗ trợ vay vốn 500 triệu đồng, anh Trần Văn Tuấn, trú xã Hoàng Tân (Quảng Yên) đã bắt tay ngay vào gia cố, đóng lại lồng bè, mua cá để tái sản xuất. Bởi bây giờ là thời gian hợp lý để tái sản xuất, nếu muộn hơn, mùa Đông đến, hiệu quả sản xuất sẽ không cao.
Nhìn cảnh 280 ô lồng nuôi cá của gia đình bị bão số 3 đánh sập gần hết, anh Phạm Văn Thân, huyện Vân Đồn gần như không còn tha thiết gì. Nhưng được sự động viên của chính quyền, lại được UBND huyện Vân Đồn giao khu vực nuôi trồng thủy sản, anh Thân có thêm động lực để tái thiết sản xuất sau bão. Anh Thân chia sẻ, được giao biển như có sổ đỏ trên đất liền, đây là cơ sở để ngư dân yên tâm đầu tư và vay vốn phát triển nuôi trồng. Nếu "thuận buồm xuôi gió" thì chỉ 2 năm bà con có thể vực dậy, trả nợ được ngân hàng.
Hiện hầu hết ngư dân ở Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên… trong tỉnh Quảng Ninh cũng đã bắt tay vào khôi phục sản xuất. Thời gian tới, số cơ sở nuôi thủy sản khôi phục sản xuất sẽ tăng dần nếu được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để có nguồn lực vực dậy, tiếp tục tái thiết sản xuất sau bão.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy tin tưởng, với quyết tâm 'sống vì biển, làm giàu từ biển', các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nuôi trồng thủy sản sẽ sớm vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất một cách bền vững.
Sở hữu vị trí cũng như điều kiện tự nhiên ưu đãi, Khánh Hòa hiện có trên 97.000 lồng nuôi thủy sản. Tuy nhiên, lồng nuôi chủ yếu sử dụng khung lồng bằng gỗ và bằng khung sắt. Công nghệ nuôi của người dân còn lạc hậu, đa số sử dụng thức ăn tươi, mật độ nuôi tại các vùng nuôi chưa đảm bảo, do đó độ rủi ro về môi trường, thiên tai, dịch bệnh rất lớn.
Khánh Hòa xác định phải phát triển nuôi biển công nghệ cao để có được hiệu quả sản xuất tốt cũng như thích ứng tốt thiên tai, với biến đổi khí hậu. Tỉnh đang mở rộng mô hình phát triển nuôi biển công nghệ cao trên địa bàn cả tỉnh, với mục tiêu đạt 240ha nuôi biển công nghệ cao vào năm 2029.
Theo ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa, ở giai đoạn thí điểm, Khánh Hòa chọn 10 hộ nuôi đủ các tiêu chí, điều kiện để tham gia và tiến hành hỗ trợ 16 lồng tròn HDPE (chất liệu bằng nhựa, khả năng chống chịu mưa bão, dễ di chuyển), nuôi cá biển và tôm hùm. Việc phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản bằng lồng nổi vật liệu HDPE đã giúp nâng cao năng suất và sản lượng, có khả năng chịu được sóng, gió lớn nên cá nuôi sinh trưởng và phát triển tốt. Từ mô hình thí điểm, năm 2026-2027, Khánh Hòa sẽ có khoảng 30 ha cho 150 hộ dân và năm 2028 - 2029, mở rộng nuôi biển công nghệ cao quy mô 110 ha cho 550 hộ.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các tỉnh, thành phố hướng dẫn bà con xuống giống thủy sản những diện tích chủ động kiểm soát điều kiện nuôi; tập trung quản lý, chăm sóc tốt đối tượng nuôi chủ lực (tôm nước lợ, cá tra). Địa phương khuyến khích phát triển sản xuất các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao như: cá biển, nhuyễn thể, rong biển, cá rô phi, cá nước lạnh... và các loài thuỷ sản nuôi bản địa, đặc hữu để phát huy tiềm năng lợi thế tự nhiên đối với tất cả các loại hình nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt, nước lợ, nước lạnh, trên biển, hồ chứa…
Các tỉnh phía Bắc tổ chức hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật sản xuất, nuôi trồng thuỷ sản qua vụ Đông trong điều kiện nhiệt độ giảm sâu và có thể có rét đậm, rét hại kéo dài, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Theo ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, các địa phương cần dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thực hiện tốt việc quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm, khuyến cáo kịp thời đến người nuôi để ứng phó hiệu quả với điều kiện môi trường nuôi có diễn biến bất lợi. Cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát chặt chẽ và có biện pháp xử lý kịp thời tình hình dịch bệnh, không để xẩy ra dịch bệnh trong thời gian sản xuất trái mùa.
Để cung ứng đủ nhu cầu nuôi thương phẩm hoặc hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất tại các vùng bị thiệt hại sau bão số 3, địa phương chủ động hướng dẫn, kết nối các địa phương, doanh nghiệp sản xuất giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường, vật tư, trang thiết bị phục vụ nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, tổ chức giám sát hoạt động sản xuất, lưu thông giống, không để xẩy ra tình trạng đầu cơ, trục lợi, thao túng giá bất hợp lý.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị, địa phương có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và người nuôi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong các chuỗi giá trị sản phẩm thủy sản. Có các giải pháp giảm giá thành trong sản xuất như cải tiến kỹ thuật nuôi để tăng tỷ lệ sống, tăng năng suất, giảm hệ số chuyển đổi thức ăn, giảm tiêu hao nguyên liệu sản xuất, quản lý và duy trì tốt môi trường nuôi. Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tiếp tục đầu tư, phát triển sản phẩm thủy sản có giá trị gia tăng, OCOP, Halal… thúc đẩy tiêu thụ trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh giải ngân cuối năm để thúc đẩy kinh tế
Sản lượng lúa ở tỉnh Đồng Tháp ước đạt hơn 3,3 triệu tấn trong năm 2024
Giá tăng nhưng người nuôi tôm không còn nhiều để bán
Niềm tin của doanh nghiệp về triển vọng kinh tế 12 tháng tới
Đẩy mạnh sản xuất lúa - tôm an toàn sinh học
Không để nông dân đứng riêng lẻ 'một mình một chợ'
Không tăng giá sản phẩm, doanh nghiệp ximăng khó duy trì hoạt động
Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam duy trì tốt thị phần tại Singapore
Mở ra nhiều cơ hội hợp tác thương mại Việt Nam - Trung Đông
Niềm tin của doanh nghiệp về triển vọng kinh tế 12 tháng tới