Hà Nội: Sẵn sàng nguồn hàng hóa dự trữ phục vụ dịp Tết năm 2022

25/10/2021 15:07

Sở Công Thương Hà Nội ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ cuối năm và dịp Tết Nguyên đán trên địa bàn thành phố đạt khoảng 39.000 tỷ đồng, tương đương với Kế hoạch phục vụ Tết năm 2021.

Ha Noi: San sang nguon hang hoa du tru phuc vu dip Tet nam 2022 hinh anh 1
Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn Hà Nội đạt khoảng 39.000 tỷ đồng. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Sở Công Thương Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 4434/KH- SCT về phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo đó, Hà Nội xác định nhóm hàng cần đảm bảo cung cầu trong dịp Tết gắn với công tác phòng, chống dịch gồm: Mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như: Gạo, thịt bò, thịt lợn, thịt gà, thủy hải sản, trứng gà, vịt, thực phẩm chế biến, rau củ, trái cây tươi.

Các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết gồm: Nông lâm sản khô (măng, miến, mộc nhĩ…), bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, hoa tươi, cây cảnh, xăng dầu, may mặc, điện máy... Mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch: Khẩu trang kháng khuẩn, nước rửa tay sát khuẩn.

Cũng theo Sở Công Thương Hà Nội, dự báo khả năng cung ứng và nhu cầu một số nhóm hàng thiết yếu cần chuẩn bị trong dịp Tết đối với khoảng 10,33 triệu người sinh sống, làm việc, học tập tại Hà Nội. Do đó, ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 39.000 tỷ đồng, tương đương với Kế hoạch phục vụ Tết năm 2021.

Bên cạnh đó, diễn biến dịch COVID-19 trên địa bàn còn phức tạp, trong dịp Tết 2022 hoạt động mua sắm hàng hoá tại các điểm kinh doanh sẽ thu hút đông người dân mua sắm, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch.

Vì vậy, bên cạnh việc đảm bảo nguồn cung các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Tết, Sở Công Thương Hà Nội đề nghị các doanh nghiệp căn cứ Phương án 629/PA-SCT đảm bảo nguồn cung nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân cấp độ của Trung ương và thành phố nhằm ứng phó với dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.

Sở Công Thương Hà Nội cho hay trong trường hợp cần thiết khi xảy ra dịch, bệnh trên địa bàn, có thể sử dụng 2.500 địa điểm tại các quận huyện sẵn sàng bố trí làm kho và điểm bán hàng lưu động; các điểm trung chuyển hàng hóa đã dự kiến; chuyển các địa điểm bán các mặt hàng không thiết yếu (siêu thị, cửa hàng, nhà hàng) sang bán hàng hóa thiết yếu (các địa điểm này do Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã, doanh nghiệp đề xuất) để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân và bộ tiêu chí an toàn trong sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố./.

 

Nguồn: vietnamplus.vn

Viết bình luận mới