Giá tôm càng xanh giảm mạnh khi đang mùa thu hoạch

16/12/2023 12:50

Hiện nay nông dân một số huyện tỉnh Kiên Giang đang vào mùa thu hoạch tôm càng xanh. Theo chia sẻ của ngành nông nghiệp và người dân địa phương, năng suất tôm càng năm nay đạt khá cao, tuy nhiên, người nuôi vẫn kém vui vì giá tôm càng giảm mạnh.

Chú thích ảnh

Nông dân xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) thu hoạch tôm càng xanh. Ảnh tư liệu: Lê Sen/TTXVN

Ghi nhận của phóng viên tại một số nông hộ đã và đang thu hoạch tôm càng xanh ở xã Đông Hưng B, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang mới đây cho thấy, giá tôm oxy (tôm thu hoạch được giữ sống bằng cách chạy oxy) được bán cho thương lái dao động từ 80.000- 88.000 đồng/kg; tôm ngộp giá 50.000 đồng/kg.

Ông Phạm Văn Long ở ấp Ngã Bát, xã Đông Hưng B cho biết, gia đình ông nuôi 0,8ha tôm, sản lượng hơn 350kg, đạt cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Thế nhưng gia đình ông không được hưởng niềm vui trọn vẹn, bởi tình trạng "được mùa, mất giá".

"Nhờ định hướng của ngành nông nghiệp, tôi nuôi tôm càng xanh toàn đực nên năng suất đạt cao, tỷ lệ tôm sống hơn 85%, tôm mau lớn, đạt trọng lượng hơn so với trước đây. Tôm thì đạt, nhưng giá lại quá thấp nên lợi nhuận không nhiều, bởi tôm oxy chỉ có giá 85.000 đồng/kg, tôm ngộp chỉ có 45.000 đồng/kg", ông Phạm Văn Long chia sẻ. 

Chia sẻ về nguyên nhân giá tôm càng xanh giảm mạnh và duy trì ở mức thấp trong gần 1 năm qua, ông Trần Văn Hùng, thương lái chuyên thu mua tôm càng xanh ở huyện Vĩnh Thuận cho biết là do nhu cầu tiêu thụ tôm càng xanh ở các thành phố lớn giảm mạnh, trong khi nguồn cung lại khá dồi dào.

"Nếu như những năm trước đây, bước sang tháng 12, mỗi ngày tôi giao dịch ở Thành phố Hồ Chí Minh từ 5 tấn tôm oxy thì những ngày qua chỉ còn khoảng 2,5 tấn. Thị trường tiêu thụ ở thành phố Cần Thơ cũng tương tự, giảm từ hơn 50% nhu cầu tôm càng xanh. Do kinh tế khó khăn, người dân hạn chế đi nhà hàng để tiết kiệm chi tiêu nên các đầu mối giảm thu gom và kéo theo giá tôm càng xanh giảm thấp", thương lái này chia sẻ.

Ông Trần Văn Tạo ở xã Vĩnh Bình Bắc, huyện Vĩnh Thuận cho biết, đến nay, gia đình đã thu hoạch xong 3ha nuôi tôm thẻ, tôm sú và tôm càng xanh, còn cua xen canh đang đợi bán vào dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán.

Theo ông Trần Văn Tạo, trước đây hầu hết nông dân trong xã Vĩnh Bình Bắc sản xuất theo mô hình tôm - lúa và nuôi chủ yếu tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Khoảng 4 năm trở lại đây, nông dân đều thả nuôi thêm tôm càng xanh vì loài vật nuôi này ít bị dịch bệnh và tỷ lệ tôm nuôi đạt cao hơn nhiều so với tôm thẻ, tôm sú. Dần dần, tôm càng xanh trở thành đối tượng nuôi chủ lực của nông dân vùng xã Vĩnh Bình Bắc và nuôi tôm cũng thuận lợi, năng suất đạt từ 500 đến 700kg/ha.

"Từ năm 2022 trở về trước, tôm càng xanh oxy có giá từ 110.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến 140.000 đồng/kg. Từ đầu năm 2023 đến nay giá giảm thấp, chỉ dao động từ 85.000- 95.000 đồng/kg, nông dân thu lãi rất ít. Tôi mong Nhà nước quan tâm việc ký kết bao tiêu đầu ra với mức giá ổn định để nông dân phát triển kinh tế", ông Trần Văn Tạo cho biết thêm.

 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, tỉnh có 4 huyện nuôi tôm càng xanh với diện tích và sản lượng lớn, gồm: Vĩnh Thuận, An Biên, An Minh, U Minh Thượng. Trước đây, tôm càng xanh được thương lái mua phần lớn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan và cung cấp nội địa cho các chợ đầu mối lớn ở các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, từ giữa năm 2022 đến nay, thị trường xuất khẩu tôm càng xanh gặp khó nên loài thủy sản này chủ yếu được các thương lái thu mua phục vụ cho thị trường tiêu thụ nội địa.

Ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết, năm 2023, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ của tỉnh ước đạt trên 136.000ha; trong đó, có hơn 106.000 ha sản xuất theo mô hình tôm - lúa, chủ yếu nuôi xen canh tôm sú, tôm càng xanh, tôm thẻ và cua biển. Sản lượng tôm nuôi trên địa bàn tỉnh tính đến 10/12 trên 105.000 tấn, đạt trên 95% kế hoạch năm 2023.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho hay, ngành nông nghiệp đã chủ động các giải pháp: quan trắc môi trường, kiểm tra chất lượng nguồn nước và kiểm dịch chất lượng con giống, tập huấn kỹ thuật nuôi tôm theo hướng an toàn sinh học… nên tình hình nuôi tôm của tỉnh từ đầu năm đến nay gặp nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, giá tôm sú, tôm thẻ và tôm càng xanh duy trì ở mức khá thấp ảnh hưởng đến lợi nhuận của nông dân nói riêng và ngành thủy sản của tỉnh nói chung.

Về giá tôm sú, tôm thẻ đã tăng trở lại từ cuối tháng 10 do nhu cầu nhập khẩu của các nước tăng. Còn đối với tôm càng xanh do chủ yếu được tiêu thụ thị trường nội địa và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu tăng giá ảnh hưởng đến thu nhập của người nuôi.

"Thời gian tới, ngành tiếp tục đẩy mạnh liên kết với các công ty thu mua tôm càng xanh để kết nối với các địa phương, đặc biệt là các hợp tác xã để thu mua với mức giá ổn định hơn", Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang thông tin.

 

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới