Giá tiêu tăng cao, nông dân Đồng Nai dồn sức vực dậy vườn tiêu
16/07/2024 10:07
Tiêu là một trong những cây trồng chủ lực ở Đồng Nai. Thời gian gần đây, giá tiêu không ngừng tăng, có thời điểm chạm mốc gần 200.000 đồng/kg. Nguyên nhân được các ngành chức năng nhận định do nguồn cung thiếu hụt sau nhiều năm khó khăn, nông dân bỏ cây trồng này khiến diện tích bị sụt giảm.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, trước đây có những thời điểm nông dân ồ ạt trồng tiêu khiến diện tích tăng cao; năm 2018, diện tích hồ tiêu của tỉnh Đồng Nai đạt 19.000 ha. Sau đó, giá tiêu giảm mạnh do nguồn cung lớn, nông dân bỏ bê vườn, không chăm sóc cẩn thận, năng suất hồ tiêu giảm từ 30 - 50% so với trước, người dân liên tục chặt bỏ. Đến nay, diện tích cây tiêu toàn tỉnh còn khoảng 11.000 ha.
Những tháng đầu năm 2024, giá tiêu tăng phi mã, có thời điểm lên gần 200.000 đồng/kg nên nông dân có động lực, tập trung chăm sóc, cải tạo vườn tiêu hiện có. Một số nông dân có vườn tiêu già cỗi đã mạnh dạn đầu tư trồng mới hoặc nhân rộng diện tích so với trước.
Ghi nhận tại xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai, đã có một số diện tích cây tiêu được trồng mới. Nhiều nông dân cho biết, thời điểm giá tiêu thấp, một sợi dây tiêu giống chỉ dao động khoảng 8.000 - 10.000 đồng. Tuy nhiên, hơn 1 tháng qua, nhiều hộ dân ồ ạt trồng lại vườn tiêu nên giá cây giống cũng tăng cao, hiện tại đã tăng lên 20.000 - 25.000 đồng/cây giống.
Ông Trần Văn Vịnh, xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ cho biết, ông đã có khoảng 15 năm gắn bó với cây tiêu. Lúc cao điểm, gia đình ông có khoảng hơn 1 ha trồng tiêu. Sau nhiều năm thăng trầm cùng cây tiêu, ông giảm dần diện tích nhưng vẫn cố gắng gắn bó với loại cây trồng này. Vụ thu hoạch vừa qua, ông bán được giá trên 180.000 đồng/kg tiêu. Mức giá này có lợi nhuận cao nên ông có thêm nguồn vốn để đầu tư, tái tạo lại một số diện tích cây tiêu đã già cỗi.
“Thổ nhưỡng ở khu vực này rất hợp với cây tiêu nên khi trồng và chịu khó chăm sóc, cây sẽ sinh trưởng và phát triển tốt. Hy vọng từ năm nay trở đi và những năm tiếp theo, giá tiêu tiếp tục giữ ở mức ổn định để người nông dân yên tâm canh tác”, ông Trần Văn Vịnh cho biết.
Cùng quan điểm trên, anh Lê Quang Thành, xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai chia sẻ, giá tiêu đang lên cao nên gia đình anh cũng như những nông dân khác đều yên tâm đổ vốn đầu tư chăm sóc cho cây trồng này, kỳ vọng đạt sản lượng cao hơn trong mùa vụ tới.
“Hiện tại, vườn tiêu của tôi đang trên đà phát triển. Thời điểm này, tôi mới vào phân chuồng, tiếp đến mới tưới nước đầy đủ để cây ra cử gà và bông. Sau đó, tôi bón phân hóa học để kích cho bông ra đều, đồng loạt giúp đạt sản lượng tốt trong vụ tới”, anh Lê Quang Thành chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Thanh Tân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, tiêu là cây trồng chủ lực tại địa phương nên nông dân ở đây rất giàu kinh nghiệm trồng. Tuy nhiên, để hỗ trợ nông dân, ngành chức năng huyện Xuân Lộc đã hướng dẫn người dân cách chăm sóc, phòng ngừa, các kỹ thuật cho bà con nông dân để tiếp cận theo hướng hữu cơ, mục đích để sau này phát triển cây tiêu theo hướng hữu cơ bền vững cho bà con nông dân.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai Nguyễn Văn Thắng khuyến cáo người dân, trước khi cải tạo hoặc mở rộng diện tích trồng cây tiêu, bà con nên kiểm tra lại diện tích vườn có phù hợp với sinh trưởng và phát triển của cây tiêu hay không. Trên những vườn tiêu có cây trồng chết nhiều trước đây thì không nên mở rộng và tự ý trồng mới, phải thực hiện cải tạo đất trước khi trồng; cần tìm hiểu trồng các loại giống tốt, giống chuẩn để có được sản phẩm tốt cho thị trường sau này. Đặc biệt, người dân nên phát triển cây trồng theo định hướng sinh học, hữu cơ để đảm bảo hệ sinh thái chung cho đất, trả lại đất nguồn dinh dưỡng để đảm bảo cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt thì sẽ bền vững hơn so với dùng thuốc hóa học trước đây.
Ông Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, hiện nay, điều kiện tất yếu để phát triển bền vững ngành nông nghiệp là cần sự kết hợp với nhau trong một quy trình để tạo ra sản phẩm lớn cho thị trường. Người trồng cây tiêu có thể tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã để có những định hướng, sự hỗ trợ của Nhà nước về hướng dẫn những quy trình trồng, chăm sóc và thu hoạch giúp cần trồng sinh trưởng và phát triển bền vững.
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Thúc đẩy phát triển kinh tế xanh trong nông nghiệp
Bắc Ninh: Khởi sắc trong hoạt động sản xuất công nghiệp
Ngân hàng Thế giới: Lộ trình để Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập cao
Không để thiếu hàng, tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán
Nhân rộng mô hình thí điểm thành công Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao
Ninh Thuận: Liên kết chuỗi giá trị hướng đến xuất khẩu sản phẩm lợi thế
Kon Tum: Lý do khó phát triển diện tích chanh dây
Chuỗi tỷ USD rót vào sản xuất xanh
Làng hoa An Lạc hối hả chuẩn bị vụ Tết
Năng suất lúa sản xuất theo hướng hữu cơ tăng từ 10 - 15%