Gia tăng giá trị trái dứa chủ lực vùng Đồng Tháp Mười
13/08/2024 10:46
Chủ tịch UBND huyện Tân Phước (tỉnh Tiền Giang) Trần Hoàng Phong cho biết: Hiện nay, nông dân trong vùng đã khai hoang, trồng được gần 15.400 ha dứa chuyên canh, mỗi năm cho sản lượng dứa khoảng 300.000 tấn, lớn nhất khu vực sông Tiền.
Theo ghi nhận, trong hơn 7 tháng qua, bà con đã thu hoạch được gần 8.400 ha dứa với năng suất bình quân 20,4 tấn/ha và sản lượng thu hoạch trên 171.000 tấn dứa thương phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước cũng như chế biến xuất khẩu.
Theo lãnh đạo huyện Tân Phước, trong thời gian qua, nhằm phát huy tiềm năng và thế mạnh cây dứa vùng Đồng Tháp Mười, địa phương đã quy hoạch vùng trồng dứa chuyên canh tập trung tại các xã Hưng Thạnh, Mỹ Phước, Thạnh Mỹ, Thạnh Tân, Tân Hòa Đông… Ưu điểm cây dứa là thích hợp thổ nhưỡng vùng đất nhiễm phèn Đồng Tháp Mười, cho năng suất, sản lượng cao và đầu ra thuận lợi.
Để nâng cao hiệu quả cây trồng đặc hữu vùng Đồng Tháp Mười, huyện Tân Phước, chú trọng chuyển giao khoa học kỹ thuật, phục tráng giống dứa, đưa thêm những giống mới như giống dứa MĐ 2 có nhiều ưu điểm vượt trội vào sản xuất nhằm tăng năng suất, sản lượng và chất lượng nông sản hàng hóa.
Từ đầu năm đến nay, huyện Tân Phước đã tổ chức 134 cuộc chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp cho trên 3.200 lượt nông dân các vùng chuyên canh; chủ yếu hướng dẫn bà con về kỹ thuật thâm canh, tuyển chọn giống tốt, cải tạo và trẻ hóa vườn dứa, xử lý cho trái rải vụ để có sản phẩm thu hoạch quanh năm,...
Đặc biệt, với kỹ thuật xử lý cho trái theo ý muốn được ngành nông nghiệp đúc kết, chuyển giao và nông dân vùng Đồng Tháp Mười đang áp dụng một cách rộng rãi đã tạo nên cuộc cách mạng trên lĩnh vực thâm canh cây trồng đặc sản Nhờ vậy, dứa Tân Phước cho thu hoạch gần như quanh năm. Từ đó, giảm nguy cơ được mùa, mất giá, nông dân an tâm đẩy mạnh sản xuất, thâm canh.
Đây cũng là lý do trong thời gian gần đây dứa Đồng Tháp Mười tiêu thụ thuận lợi, bán được giá cao, nông dân vùng đất mới khai hoang lập nghiệp hết sức phấn khởi.
Cụ thể, giá dứa thương phẩm loại I được thương lại thu mua đến 11.000 đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay, loại II, III cũng có giá 8.000 - 9.000 đồng/kg, tùy theo thời điểm. Với giá này, mỗi ha dứa bà con đạt giá trị sản xuất đến khoảng 200 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi trên 100 triệu đồng, gấp đôi năm trước.
Nhờ cây dứa chuyên canh, nhiều nông dân sau vài năm bội thu đã tạo dựng cơ nghiệp vững vàng, nghiễm nhiên trở thành tỷ phú trên vùng Đồng Tháp Mười hoang hóa khi xưa.
Điển hình như nông dân Nguyễn Văn Diện, cư ngụ tại thị trấn Mỹ Phước, huyện Tân Phước. Vào lập nghiệp trên vùng Đồng Tháp Mười trong khoảng 20 năm qua, ông khai hoang trồng được 5 ha dứa. Nhờ được Trung tâm dịch vụ nông nghiệp chuyển giao kỹ thuật thâm canh, ông canh tác đạt năng suất bình quân 25 tấn/ha - mức cao nhất trong vùng.
Với giá dứa từ 8.000 - 11.000 đồng/kg như hiện nay, mỗi năm, ông đạt sản lượng dứa thương phẩm khoảng 100 tấn, bán trừ chi phí còn lãi khoảng nửa tỷ đồng. Ngoài ra, ông còn giải quyết công ăn việc làm thường xuyên với thu nhập ổn định cho hàng chục lao động tại địa phương.
Ông Trần Văn Cường, cư ngụ tại xã Hưng Thạnh, huyện Tân Phước canh tác 20 ha dứa phấn khởi cho biết, trong năm nay, ông đạt sản lượng dứa thương phẩm khoảng 400 tấn, bán thu khoảng 4 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi trên 2 tỷ đồng.
Với kinh nghiệm nhiều năm thâm canh, ông Trần Văn Cường đánh giá, từ đầu năm đến nay, dứa luôn có giá cao bởi nhu cầu thị trường lớn đồng thời nông dân vùng chuyên canh quan tâm ứng dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật thâm canh nên đã tăng năng suất, sản lượng và đảm bảo chất lượng nông sản hàng hóa, người tiêu dùng ưa chuộng, khẳng định được thương hiệu cây trồng đặc sản vùng Đồng Tháp Mười.
Gần đây, việc sơ chế, chế biến nhằm đa dạng hóa sản phẩm từ trái dứa phục vụ nhu cầu thị trường được địa phương quan tâm còn giúp nâng giá trị và thương hiệu dứa Tân Phước. Từ trái dứa tươi, người dân trong vùng Đồng Tháp Mười chế biến ra nhiều sản phẩm giá trị cao như kẹo dứa, nước màu dứa, nước giải khát từ trái dứa… đưa ra phục vụ thị trường.
Chủ tịch UBND huyện Tân Phước Trần Hoàng Phong cho biết, chỉ riêng nghề làm kẹo dứa và chế biến các sản phẩm từ trái dứa đang phát triển mạnh tại thị trấn Mỹ Phước và các xã vùng chuyên canh đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động nông nhàn vừa tạo ra giá trị gia tăng từ trái dứa chủ lực vùng Đồng Tháp Mười. Từ đó, thiết thực góp phần giúp nông dân vùng đất mới có thêm nguồn thu nhập, ổn định sản xuất và đời sống, giảm nghèo nông thôn.
Đây cũng là nhân tố giúp 100% số xã trong huyện đạt chuẩn nông thôn mới và huyện Tân Phước phấn đấu đạt chuẩn, ra mắt huyện nông thôn mới vào dịp kỷ niệm 30 năm thành lập huyện vào cuối tháng 8/2024 tới.
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Bắc Ninh: Khởi sắc trong hoạt động sản xuất công nghiệp
Ngân hàng Thế giới: Lộ trình để Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập cao
Không để thiếu hàng, tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán
Nhân rộng mô hình thí điểm thành công Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao
Ninh Thuận: Liên kết chuỗi giá trị hướng đến xuất khẩu sản phẩm lợi thế
Kon Tum: Lý do khó phát triển diện tích chanh dây
Chuỗi tỷ USD rót vào sản xuất xanh
Làng hoa An Lạc hối hả chuẩn bị vụ Tết
Năng suất lúa sản xuất theo hướng hữu cơ tăng từ 10 - 15%
Xanh hóa quy trình sản xuất và chế biến trong xuất khẩu cá tra