Giá phân bón tăng cao khiến nông dân Long An gặp khó

25/10/2021 12:55

Thời điểm hiện tại, nông dân tỉnh Long An đang bước vào gieo sạ vụ Đông Xuân 2021-2022. Tuy nhiên, giá phân bón bán ra tại các đại lý tăng rất cao, nhiều loại tăng gấp đôi làm gia tăng chi phí đầu vào khiến nông dân gặp khó khăn, nhiều người tỏ ra e ngại do sợ thua lỗ.

Chú thích ảnh

Phần lớn các loại phân bón trên thị trường đều tăng giá rất cao, có loại tăng gấp đôi.

Ông Nguyễn Văn Đoàn, ngụ xã Bình Hiệp, Thị xã Kiến Tường, Long An đang trồng 4,5 ha lúa. Vụ Hè Thu vừa qua, ông bị thua lỗ do ảnh hưởng của dịch bệnh và lúa bán không được giá. Nay gieo sạ vụ Đông Xuân cũng gặp nhiều khó khăn do giá phân tăng quá cao, trong khi giá lúa bán ra không tăng. Ông Đoàn cho biết, trước chi phí phân bón chỉ 5 triệu đồng/ha, nhưng nay là 10 triệu đồng/ha. Vốn phải đầu tư quá cao và ông không biết làm có lãi hay không. Ông mong muốn các ngành chức năng có chính sách kìm giá phân bón để nông dân trồng lúa có lợi.

Tương tự, ông Trần Minh Vương, ngụ xã Tân Thành, huyện Mộc Hóa, từ đầu năm đến nay, giá phân bón liên tục tăng cao. Riêng 3 tháng gần đây, nhiều loại phân bón giá đã tăng ít nhất 60% và có loại tăng gấp đôi. Nếu tình hình cứ như vậy, nông dân sẽ rất khó khăn và người trồng lúa sẽ không có lãi.

Chú thích ảnh

Nhờ đảm bảo nguồn cung nguyên liệu nên phân NPK của Công ty phân bón Bình Điền chỉ tăng khoảng 30%, trong khi các loại khác đều tăng từ 50% trở lên.

Khảo sát giá phân bón tại thị trường Long An cho thấy, giá các loại phân bón đang ở mức rất cao. Như phân DAP nhập khẩu có mức giá khoảng 22.000 đồng/kg, DAP sản xuất trong nước cũng nằm ở mức trên dưới 20.000 đồng/kg; phân Urea giao động ở mức từ 14.000 - 16.000 đồng/kg; phân Kali cũng ở mức từ 13.500 - 16.000 đồng/kg… Với mức giá này, nhiều loại phân bón đã có mức tăng hơn 100% so với thời điểm cuối năm 2020. Chẳng hạn như phân DAP trước đây chưa đến 10.000 đồng/kg thì nay đã lên trên 20.000 đồng/kg. Chỉ tính riêng trong vòng 1 tháng qua, nhiều loại phân bón đã tăng từ 1.000 - 2.800 đồng/kg.

Với diễn biến giá thị trường phân bón như hiện nay, nông dân đang gặp khó do chi phí sản xuất tăng cao, nguy cơ thua lỗ nếu giá đầu ra sản phẩm không tăng. Lý giải nguyên nhân giá phân bón tăng cao, theo Hiệp hội phân bón Việt Nam nguyên nhân chủ yếu là do các nguyên vật liệu đầu vào sản xuất phân bón như: than, khí tự nhiên, lưu huỳnh, ammoniac… sụt giảm nguồn cung, giá cả tăng cao trên thị trường thế giới. Đồng thời, giá vận tải biển tăng rất mạnh trong thời gian vừa qua đã đẩy chi phí các loại phân bón tăng cao. Ở trong nước, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều nhà máy ngưng hoặc giảm công suất; chi phí sản xuất tăng cao đã tác động mạnh lên giá cả phân bón trên thị trường.

Trước tình hình giá cả tăng cao, một số doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước tập trung thực hiện nhiều chính sách nhằm bình ổn mức giá bán ra, góp phần giảm bớt khó khăn cho người nông dân. Ông Võ Văn Phu, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền cho biết, từ đầu năm đến nay, giá phân bón trong nước và thế giới đều tăng, nhiều loại tăng rất cao. Riêng phân NPK của Bình Điền do chủ động nguyên liệu dự trữ nên tạm thời vẫn ổn định sản xuất.

Cùng với đó, công ty có chính sách hỗ trợ giá vận chuyển cho đại lý nhằm giảm mức giá bán ra cho người nông dân. Tính từ đầu năm đến nay, giá phân bón NPK của Bình Điền chỉ tăng khoảng 30% trong khi các loại phân bón khác như: DAP, Urea, Kali tăng từ 50% trở lên. Hiện tại, dịch bệnh trên địa bàn đã được kiểm soát, công ty đang phục hồi sản xuất và đang cố gắng kiểm soát giảm chi phí sản xuất; tăng công suất lên trên 400.000 tấn/năm nhằm góp phần giảm đà tăng giá và đảm bảo nguồn cung ra thị trường.

Chú thích ảnh

Nhà máy phân bón Bình Điền (Long An) đang tập trung ổn định sản xuất trở lại nhằm đảm bảo nguồn cung phân bón ra thị trường.

 

UBND tỉnh Long An cũng chỉ đạo các sở, ngành liên quan tiến hành làm việc với các doanh nghiệp sản xuất phân bón trên địa bàn nhằm đẩy nhanh tiến độ phục hồi sản xuất sau dịch, góp phần ổn định giá cả thị trường. Theo Giám đốc Sở Công Thương Long An Nguyễn Tuấn Thanh, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, đơn vị đã tổ chức các đoàn công tác đến làm việc với nhiều nhà máy sản xuất phân bón trên địa bàn. Cùng đó, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất để đảm bảo nguồn cung trên thị trường.

Đồng thời, các cơ quan cức năng phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm về chất lượng cũng như vấn đề đầu cơ phân bón, vật tư nông nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa nhằm giảm giá thành sản phẩm. Ngoài ra, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh các vấn đề liên quan để có giải pháp bình ổn thị trường vật tư nông nghiệp.

Song song đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An cũng khuyến cáo người dân trong canh tác cần chủ động giảm lượng phân bón hóa học bằng các biện pháp khoa học - kỹ thuật như "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm"; tăng cường bón phân hữu cơ và NPK cân đối, ưu tiên áp dụng bón phân theo nguyên tắc "5 đúng" và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc "4 đúng"; hạn chế bón thừa phân đạm.

Đồng thời, ứng dụng các gói kỹ thuật từ chương trình chuyển đổi nông nghiệp bền vững trong sản xuất lúa nhằm giảm đến mức thấp nhất chi phí đầu vào, tăng hiệu quả sản xuất. Bên cạnh đó, Sở cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc tăng cường kiểm tra các cửa hàng vật tư nông nghiệp về chất lượng hàng hóa, thực hiện niêm yết giá bán…

 

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới