Giá lúa giảm ở một số loại

27/02/2023 07:31

Trong tuần qua, giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có sự giảm giá ở một số loại.

Chú thích ảnh

Thu hoạch lúa vụ Đông Xuân tại Cần Thơ. Ảnh: Thu Hiền/TTXVN

Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, tại Cần Thơ, giá lúa Jasmine là 7.600 đồng/kg, OM 4218 là 6.600 đồng/kg; IR 50404 ở mức 6.200 đồng/kg, giảm 600 đồng/kg

Giá lúa tại Sóc Trăng như sau: Đài thơm 8 là 8.100 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; OM 5451 là 7.900 đồng/kg, ST 24 là 8.600 đồng/kg.

Giá lúa tại Tiền Giang ở một số loại như: IR 50404  là 6.900 đồng/kg; lúa OC10 là 6.800 đồng/kg, Jasmine là 7.400 đồng/kg.

Tại Kiên Giang giá lúa vẫn ổn định như: IR 50404  là 6.500 đồng/kg; OM 5451 là 6.700 đồng/kg; Jasmine là 7.000 đồng/kg.

Tại Hậu Giang, lúa IR 50404  là 7.100 đồng/kg; OM 18 là 7.500 đồng/kg; RVT là 8.200 đồng/kg.

Đến thời điểm này, đã có khoảng 15.000/75.028 ha lúa của thành phố Cần Thơ đã được thu hoạch, năng suất ước đạt khoảng 79 tạ/ha, cao hơn 9,8 tạ/ha so với cùng kỳ. Cùng với năng suất cao, giá lúa cũng tăng hơn so với vụ Đông Xuân năm trước khoảng 500 - 1.000 đồng/kg đã tạo sự phấn khởi với người nông dân.

Giá lúa tươi vụ Đông Xuân 2022 - 2023 đang được nông dân bán cho thương lái và doanh nghiệp với giá cao hơn ít nhất từ 500 - 1.000 đồng/kg (tùy chủng loại giống) so với vụ đông xuân năm trước. Các loại lúa tươi như: Đài Thơm 8, OM18, OM380 IR50404... được nông dân bán cho thương lái hoặc nhận tiền đặt cọc thỏa thuận trước khi thu hoạch lúa với giá từ 6.300 - 7.200 đồng/kg; riêng giống lúa RVT được thương lái mua với giá từ 7.400 - 7.500 đồng/kg.

Giá lúa vụ Đông Xuân cao là do người dân sản xuất chủ yếu giống lúa chất lượng, lúa thơm (cơ cấu chiếm khoảng 94%) như: Jasamine, Đài thơm 8, OM18...

Tại tỉnh Kiên Giang, từ đầu vụ thu hoạch đến nay, giá lúa Đông Xuân 2022 - 2023 duy trì ổn định ở mức cao so với cùng kỳ vụ lúa Đông Xuân 2021 - 2022 và tăng 500 - 1.000 đồng/kg so với vụ lúa Hè Thu 2022.

Sau khi thu hoạch, nông dân bán lúa tại ruộng cho thương lái trên dưới 6.500 đồng/kg đối với lúa thường và từ 6.800 - 7.000 đồng/kg lúa chất lượng cao, lúa ST24 từ 7.500 - 8.200 đồng/kg, ST25 từ 8.500 - 9.000 đồng/kg.

Về xuất khẩu, giá gạo 5% tấm của Việt Nam được báo ở mức 457 USD/tấn, so với mức từ 455 - 460 USD/tấn của tuần trước.

Theo một thương nhân ở Việt Nam, nhu cầu gạo trên toàn cầu đang nhích lên do nhiều người lo ngại về bất ổn toàn cầu. Trong nửa đầu tháng Hai, các đơn hàng đến châu Phi và Malaysia thấp hơn nhiều so với năm trước, trong khi những lô hàng đến Trung Quốc và Philippines tăng mạnh.

Nhu cầu lương thực tăng cao cũng đẩy giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ lên mức cao nhất trong gần hai năm.

Cụ thể, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được báo giá ở mức từ 397 - 404 USD/tấn trong tuần này, tăng so với mức từ 395 - 402 USD/tấn của tuần trước.

Một nhà giao dịch gạo tại Mumbai cho biết, nhu cầu đối với gạo Ấn Độ đã tăng mạnh hơn trong vài tuần qua vì giá gạo Ấn Độ ở mức thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Xuất khẩu gạo năm 2022 của Ấn Độ đã tăng lên mức kỷ lục bất chấp các biện pháp hạn chế của chính phủ, do khách hàng tranh thủ giành lấy các đơn hàng có giá cạnh tranh từ nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Để hạn chế giá gạo tăng quá cao ở thị trường trong nước, Chính phủ Ấn Độ có kế hoạch duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo đồ và áp thuế 20% đối với gạo trắng xuất khẩu.

Trong khi đó, tại nước láng giềng Bangladesh, giá gạo trong nước cũng tăng cao bất chấp một vụ mùa bội thu và dự trữ dồi dào. Các quan chức nước này lý giải là do tình trạng đầu cơ của các thương nhân. Bangladesh gần đây đã cho phép một số công ty tư nhân nhập khẩu gạo để hạ nhiệt giá gạo địa phương.

Hiện nay, các chuyến hàng ngũ cốc từ Biển Đen vẫn đang diễn ra suôn sẻ nhờ một thỏa thuận do Liên hợp quốc bảo trợ, nhưng thỏa thuận đó sẽ được đàm phán lại trong tuần này và nguy cơ xung đột Nga - Ukraine có thể leo thang.

Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan không thay đổi so với tuần trước, giao dịch ở mức 460 USD/tấn. Một thương nhân nhận định, nguồn cung gạo mới dự kiến sẽ được đưa vào thị trường vào đầu tháng Ba đến tháng Tư có thể làm suy yếu giá gạo Thái Lan hơn nữa.

Về thị trường nông sản Mỹ, giá các mặt hàng nông sản trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) trong phiên 24/2 đều giảm, trong đó giá lúa mỳ giảm mạnh nhất.

Giá ngô giao tháng 5/2023 giảm 10 xu Mỹ, tương đương 1,52% xuống 6,4925 USD/bushel. Giá đậu tương cùng kỳ hạn hạ 8 xu, hay 0,52%, xuống 15,1925 USD/bushel.

Giá lúa mỳ giao tháng 5/2023 giảm 28,75 xu Mỹ, tương đương 3,83% và đóng cửa phiên ở mức 7,2175 USD/bushel. (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Giá ngô và lúa mỳ đã giảm mạnh khi giá chạm các mức kháng cự mạnh khiến nhà đầu tư bán ra các mặt hàng này. Trong khi đó, giá đậu tương suy yếu sau khi có thông tin sản lượng đậu tương của Argentina trong niên vụ 2022 - 2023 ước tính giảm xuống còn 33,5 triệu tấn.

Theo số liệu do Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố ngày 24/2, trong tuần kết thúc vào ngày 16/2, Mỹ đã xuất khẩu 12,4 triệu bushel lúa mỳ, 32,4 triệu bushel ngô và 20 triệu bushel đậu tương.

Thị trường cà phê thế giới cho thấy, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe - London giảm, với giá hợp đồng giao tháng 5/2023 giảm 10 USD xuống 2.151 USD/tấn và hợp đồng giao tháng 7/2023 giảm 13 USD xuống 2.137 USD/tấn. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.

Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US - New York cũng ghi nhận xu hướng giảm. Giá cà phê Arabica giao tháng 5/2023 giảm 2 xu Mỹ xuống 187,7 xu/lb và giá hợp đồng giao tháng 7/2023 mất 2,1 xu xuống 186 xu/lb (1 lb = 0,4535 kg). Khối lượng giao dịch cũng ở mức trung bình.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giảm thêm 100 - 200 đồng, xuống dao động trong khung 46.800 - 47.400 đồng/kg.

Giá cà phê hai sàn giao dịch kỳ hạn đều đi xuống do các thương nhân Brazil đã quay lại thị trường sau kỳ nghỉ lễ hội Carnival. Yếu tố góp phần khiến giá cà phê kỳ hạn giảm còn do chỉ số đồng USD tăng và gây áp lực lên giá cả hàng hóa nói chung.

Công ty tư vấn HedgePoint Global Market điều chỉnh giảm dự báo sản lượng cà phê của Brazil niên vụ 2023/2024 từ 45,4 triệu bao xuống 42,3 triệu bao. Như vậy, dư cung toàn cầu chỉ còn 0,6 triệu bao thay vì 3,7 triệu bao như dự báo của công ty này đưa ra trong tháng trước, điều này gây áp lực thanh lý vị thế ròng trên cả hai sàn giao dịch cà phê kỳ hạn.

 

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới