Giá gạo xuất khẩu giảm mạnh: Cần tìm nguyên nhân để tránh ép giá nông dân
05/03/2025 08:06
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy yêu cầu các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để tránh tình trạng ép giá lúa gạo với nông dân trong thời điểm khó khăn.
Bốc xếp gạo xuất khẩu. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Bước sang đầu tháng 3/2025, mặc dù giá gạo xuất khẩu đã tăng nhẹ tuy nhiên xu hướng vẫn chưa rõ ràng. Trong khi đó, vụ thu hoạch lúa gạo Đông Xuân đã bắt đầu và dự kiến sẽ đạt đỉnh vào tháng tới. Do đó, việc kiểm soát giá cũng như vực dậy giá lúa, gạo xuất khẩu hiện nay đang rất cấp bách.
Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp về tình hình sản xuất và tiêu thụ lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long do Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức ngày 4/3.
Tại sao giá gạo Việt Nam giảm sâu?
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, khối lượng xuất khẩu gạo tháng 2/2025 ước đạt 560.000 tấn với giá trị đạt 288,2 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm 2025 đạt 1,1 triệu tấn và 613 triệu USD, tăng 5,9% về khối lượng nhưng giảm 13,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024.
Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm 38,6%. Bờ Biển Ngà và Gana là hai thị trường lớn tiếp theo với thị phần tương ứng là 15,9% và 12,3%. So với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu gạo tháng 1/2025 sang thị trường Philippines giảm 35,5%, trong khi thị trường Bờ Biển Ngà tăng 8,6 lần, thị trường Gana tăng 4,1 lần.
Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu lớn nhất, giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất ở thị trường Thổ Nhĩ Kỳ với mức tăng 600,7 lần và giảm mạnh nhất ở thị trường Campuchia với mức giảm 39,3%.
Về giá cả, giá lúa trong nước và giá gạo xuất khẩu từ cuối năm 2024 đến khoảng cuối tháng 2/2025 liên tục giảm, trái ngược với diễn biến năm trước. Hai tháng đầu năm 2025, giá xuất khẩu gạo trung bình ước đạt 553,6 USD/tấn, giảm 18,3% so với cùng kỳ.
Gạo 5% tấm của Việt Nam tuần qua được chào báo với mức giá là 393 USD/tấn, nhích nhẹ so với giá của tuần trước, chấm dứt chuỗi giảm giá kéo dài 11 tuần qua.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng rớt giá gạo xuất khẩu hiện nay là do Ấn Độ nới lỏng lệnh hạn chế xuất khẩu gạo sau 2 năm siết chặt. Điều này khiến nguồn cung trên thị trường quốc tế gia tăng, tạo áp lực cạnh tranh cho các nước xuất khẩu khác, trong đó có Việt Nam.
Bên cạnh đó, nhu cầu nhập gạo của các thị trường lớn như Philippines, Indonesia cũng đang giảm sút, khi các nước này đã tích lũy đủ dự trữ trong năm 2024 và chờ giá giảm thêm trước khi tái nhập khẩu.
Về chủng loại gạo xuất khẩu, gạo trắng chiếm khoảng 71%, giá trung bình từ 523 - 540 USD/tấn chủ yếu xuất khẩu sang Philippines, Indonesia, và châu Phi. Gạo thơm như Jasmine, Đài thơm, ST24, ST25 chiếm 19%, giá từ 640-700 USD/tấn, chủ yếu sang EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản. Gạo nếp chiếm 6% xuất khẩu sang Trung Quốc, Philippines và một số nước Đông Nam Á khác. Còn lại là gạo Japonica và gạo đặc sản khác.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhận định nhu cầu nhập khẩu gạo trên toàn cầu vẫn có khả năng duy trì cao. Việt Nam có ưu thế gạo thơm và chất lượng cao được ưa chuộng tại các thị trường cao cấp như EU, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Hiện nay, nguồn cung lúa gạo trong nước cơ bản đảm bảo và thời tiết thuận lợi tại một số vùng trồng chính.
Tránh tình trạng ép giá nông dân
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đánh giá năm 2024 ghi nhận thành công rất lớn trong hoạt động xuất khẩu gạo với sản lượng đạt kỷ lục trên 9 triệu tấn, giá gạo xuất khẩu cũng đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, từ cuối năm 2024, xu hướng giá gạo xuất khẩu đã có sự điều chỉnh rất mạnh.
Gạo chất lượng cao của Việt Nam xuất khẩu sang EU. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Lãnh đạo Bộ Công thương cũng cho biết Bộ đang tìm kiếm những thị trường mới và đàm phán với các thị trường cũ để đảm bảo tính dài hạn cho xuất khẩu lúa gạo. Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đề xuất cần điều chỉnh cơ cấu về chất lượng, chủng loại gạo, tập trung vào những loại chất lượng cao.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng lưu ý tháng 3-5 sắp tới là cao điểm thu hoạch lúa gạo của Ấn Độ nên ngành nông nghiệp cần có biện pháp chuẩn bị phù hợp. Bên cạnh đó, cần thu hút thêm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp từ các doanh nghiệp trong nước lẫn quốc tế và ngành ngoại giao sẽ tích cực hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và Môi trường về vấn đề này.
Phân tích về tình hình thị trường lúa gạo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết năm 2024 với nhiều yếu tố thuận lợi, ngành lúa gạo Việt Nam đã tăng trưởng “nóng.” Điều này dẫn đến việc thị trường điều chỉnh trong năm 2025, tăng càng “nóng” thì điều chỉnh càng sâu. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là khi nguồn cung tăng, nhu cầu giảm giá gạo xuất khẩu của nhiều quốc gia cũng giảm theo xu hướng nhưng giá gạo của Việt Nam lại giảm sâu hơn.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho rằng điều này có thể xuất phát từ phía đối tác hoặc có thể là sự cạnh tranh không lành mạnh trong ngành. Hiện tượng này cần được làm rõ, nhất là khi các thương lái và các khâu trung gian có thể đang làm giảm lợi nhuận của bà con nông dân, tác động đến tâm lý của họ.
Đặc biệt, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh các địa phương phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các thương lái và doanh nghiệp đầu mối để tránh tình trạng ép giá nông dân trong thời điểm khó khăn.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ tổng hợp thông tin, xây dựng và trình Chính phủ công điện về việc điều hành đảm bảo cân đối cung cầu lúa gạo trước diễn biến thị trường thế giới và trong nước./.
Nguồn: vietnamplus.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Giá gạo Ấn Độ giảm xuống mức thấp nhất 5 tháng
Giá vàng cuối tuần giảm mạnh, thương hiệu SJC ”bốc hơi” 6 triệu đồng mỗi lượng
Tăng cường hợp tác giữa Hà Nội với các địa phương và doanh nghiệp tại Séc
Bộ Công Thương tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bị áp thuế đối ứng
Bộ Công Thương yêu cầu kiểm tra thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sữa và thuốc giả
Triển vọng lạc quan về thỏa thuận thương mại Mỹ-Liên minh châu Âu
Tỷ giá ngày 18/4: Các ngân hàng thương mại tiếp tục tăng giá đồng USD
Mỹ đề xuất áp thuế mới với thiết bị hàng hải Trung Quốc
Netflix "vượt bão" kinh tế, lợi nhuận quý vượt xa kỳ vọng
Giá vàng thế giới giảm, thương hiệu SJC vẫn tăng 2 triệu đồng mỗi lượng