Giá gà ta giảm giá mạnh, nhiều trang trại ngưng nuôi Tết
11/11/2024 07:18
Thời gian qua, các trang trại, hộ chăn nuôi gà phải gồng mình gánh lỗ vì giá gà ta bán ra thường thấp hơn giá thành sản xuất, nên nhiều trang trại, hộ chăn nuôi thu hẹp sản xuất.
Giá gà ta hiện nay đang giảm mạnh, sức tiêu thụ lại rất chậm nên nhiều trang trại nuôi gà ta trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ dám nuôi cầm chừng, thậm chí ngừng nuôi lứa gà bán vào dịp Tết Nguyên đán.
Anh Nguyễn Văn Lý, ngụ xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ, là một hộ nuôi gà bằng thảo dược nổi tiếng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nếu như những năm trước giá bán và đầu ra tiêu thụ rất tốt.
Lứa gà nuôi vụ Tết năm ngoái, gia đình anh Nguyễn Văn Lý, ngụ xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nuôi khoảng hơn 2.000 con gà giống Minh Dư. Thế nhưng, năm nay anh đã phải ngưng nuôi lứa Tết.
Theo lý giải của anh Lý, thời điểm tái đàn gà phục vụ cho vụ Tết trang trại của gia đình anh còn tồn 3.000 con gà đến kỳ xuất chuồng mà chưa tiêu thụ được, dù đã nuôi hơn 5 tháng. Chính vì vậy, trang trại không có chỗ trống để anh có thể nuôi thêm lứa mới nên không thể tái đàn vụ Tết được.
“Sức tiêu thụ chậm, giá bán thấp đã khiến người chăn nuôi chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Nếu như trước đây nhà hàng nhập gà của trang trại tôi giá 80 nghìn đồng/kg, thì nay họ chỉ nhập được giá 72 nghìn đồng/kg, số lượng gà tiêu thụ cũng không được bằng năm ngoái. Thời gian nuôi kéo dài gà đến nay đã lên tới 6 tháng mà chưa xuất bán được hết khiến chúng tôi thua lỗ rất lớn,” anh Lý chia sẻ.
Gia đình ông Nguyễn Hữu Tuấn, ngụ xã Bình Ba, huyện Châu Đức hiện nay cũng chỉ dám nuôi cầm chừng. Ông Tuấn cho biết, năm nay giá gà xuống thấp, trong khi giá thức ăn chăn nuôi và các chi phí đầu vào cao nên vụ Tết này gia đình ông “treo” chuồng.
“Hiện trang trại tôi đang nuôi 50 nghìn con gà nhưng lứa gà này tôi sẽ bán trước Noel và Tết Dương lịch, qua Tết tôi mới thả giống nuôi lại. Hy vọng thời điểm trước Tết, giá gà nhích lên được chút ít, giúp tôi giảm lỗ,” ông Tuấn nói.
Lý giải cho việc không nuôi gà vụ Tết, ông Tuấn chia sẻ, hiện giá gà đang thu mua tại trang trại ông giá bán sỉ với mức 43 nghìn đồng/kg khiến ông đang trong tình trạng thua lỗ nặng, lo ngại vụ Tết bà con đổ xô nhau nuôi giá bán sẽ không cao, ế hàng ông sẽ càng thua lỗ nặng nề hơn.
Thời điểm này, bà Lê Thị Cẩm Duyên, ngụ xã Hòa Hưng, huyện Xuyên Mộc cũng đang giảm hơn 50% tổng đàn gà so với trước. Theo bà Duyên, 2 lần xuất bán gà gần đây, với khoảng 2.500 con bà lỗ gần 200 triệu đồng. Thời điểm này, người chăn nuôi đã thả lứa gà Tết nhưng bà Duyên e ngại về giá cả, đầu ra cho thị trường Tết nên quyết định không nuôi vụ Tết.
“Đầu ra của gà ta rất bấp bênh, lúc giá cao thì thương lái đến trại mua nhiều, nhưng khi thị trường tiêu thụ chậm, giá rẻ lại rất khó tìm người mua. Trước tình hình thị trường biến động thất thường như hiện nay, cộng thêm hai lứa vừa rồi lỗ nặng, vụ Tết này tôi chưa biết thế nào nên cũng đã chủ động giảm đàn, nuôi cầm chừng. Tôi hy vọng giá gà Tết tăng lên để người nuôi có vốn và động lực cho vụ nuôi sau,” bà Duyên nói.
Theo ngành nông nghiệp, thời gian qua, các trang trại, hộ chăn nuôi gà phải gồng mình gánh lỗ vì giá gà ta bán ra thường thấp hơn giá thành sản xuất. Vì thế, nhiều trang trại, hộ chăn nuôi thu hẹp sản xuất. Vụ Tết năm nay, các hộ nuôi hầu như không mở rộng quy mô vì lo rủi ro về đầu ra.
Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có tổng đàn gia cầm 6,87 triệu con, đảm bảo 40% nhu cầu của địa phương và 60% xuất đi các tỉnh.
Vài năm nay, sức tiêu thụ thịt gà trong dịp Tết tăng không nhiều so với ngày thường nên thời điểm giá xuống thấp, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con nông dân tính toán quy mô, nhu cầu thị trường để tái đàn phù hợp.
Quá trình nuôi, nông dân cần tăng cường phòng chống dịch như tiêm vaccine cho gia cầm, tiêu độc, khử trùng, vệ sinh chuồng trại để giảm nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn gia cầm. Đồng thời, chuyển dần từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang chăn nuôi an toàn sinh học nâng cao giá trị sản phẩm và liên kết chuỗi để ổn định giá và đầu ra.
Ông Trần Thanh Bình, ngụ ấp Nhân Hòa, xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc là một ví dụ điển hình cho việc liên kết trong chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm, năm nay nếu như các hộ chăn nuôi gà giảm đàn, thậm chí nhiều hộ ngưng nuôi Tết thì ông Bình vẫn tăng 1.500 con so với vụ Tết năm ngoái, giống gà ông nuôi là gà Tàu Vàng - một giống gà truyền thống trên địa bàn tỉnh.
Ông Bình chia sẻ, do liên kết trong chăn nuôi được doanh nghiệp cung cấp con giống chất lượng lại bao tiêu đầu ra với giá cả ký kết hợp đồng ổn định nên chuẩn bị cho vụ Tết này, nên ông đã mạnh dạn tăng số lượng gà để bán dịp Tết.
Các bài viết cùng chuyên mục
Những yếu tố đóng góp tích cực cho triển vọng kinh tế Việt Nam 2025
Kinh tế 2025: Năm của 'tăng tốc, bứt phá'
Lãi suất ngân hàng ngày 2/1/2025: Chọn ngân hàng nào để gửi tiền đầu năm?
Cơ hội và thách thức cho xuất khẩu gạo năm 2025
Logistics Việt Nam tự tin tiến vào kỷ nguyên mới
VPI dự báo giá xăng dầu tăng nhẹ trong kỳ điều hành 2/1/2025
Thành phố Hồ Chí Minh: Sức mua tại nhiều điểm bán lẻ đã tăng từ 30-40%
CEBR: Việt Nam có thể đã lọt nhóm quốc gia có thu nhập trung bình cao
Ngành cơ khí Việt Nam: Dư địa lớn nhưng chưa nhiều "sếu đầu đàn"
Việt Nam có thể đã lọt nhóm quốc gia có thu nhập trung bình cao