Giá cà phê biến động, cần giải pháp thích ứng lâu dài
11/12/2024 16:50
Nông dân tỉnh Đắk Lắk đang vào chính vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2024 - 2025. Nhìn chung, từ đầu năm 2024 đến nay, giá cà phê tăng cao kỷ lục khiến nông dân phấn khởi.
Tuy nhiên, trong tuần qua, giá cà phê biến động mạnh đã đặt ra nhiều thách thức, áp lực cho các tác nhân trong ngành hàng, đặc biệt là đối với các hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở thu mua, đơn vị chế biến cà phê.
Đắk Lắk hiện có 212.106 ha trồng cà phê, trong đó diện tích cho sản phẩm là 200.441 ha, năng suất bình quân đạt 26,72 tạ/ha. Tổng sản lượng cà phê toàn tỉnh đạt trên 535.672 tấn/năm. Đến nay, nông dân trên địa bàn đã thu hoạch khoảng 50% diện tích cà phê.
Theo ghi nhận, ngay từ đầu vụ thu hoạch, giá cà phê ở mức cao kỷ lục, trung bình trên 120.000 đồng/kg. Trong tuần qua, giá cà phê biến động mạnh, thấp nhất là gần 110.000 đồng/kg (ngày 3/12) sau đó tăng trở lại. Đến ngày 9/12, giá cà phê nhân tại tỉnh Đắk Lắk được thu mua ở mức 124.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nông dân trên địa bàn chưa vội bán cà phê sau thu hoạch, nhiều hộ dân có tâm lý chờ giá tiếp tục tăng hoặc khi có nhu cầu về tài chính thì mới bán.
Gia đình ông P.Q ở xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột trồng 2 ha cà phê khoảng 10 năm nay. Niên vụ 2024 - 2025, gia đình ông Q. thu được khoảng 7 tấn cà phê nhân. Với giá cà phê cao như hiện nay, gia đình vẫn chưa bán do đã chủ động được chi phí nhân công thu hoạch, chỉ thật sự bán khi cần tiền tái đầu tư hoặc mua sắm Tết. Do canh tác theo hướng hữu cơ nên sản phẩm của gia đình được doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn thị trường 15.000 đồng/kg cà phê nhân. Với chất lượng đảm bảo, gia đình không lo giá cà phê sẽ giảm sâu.
Nhiều nông dân chia sẻ, giá cà phê nhân đạt 100.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí sản xuất khoảng 30% thì đã có lãi đáng kể, khoảng 180 triệu đồng/ha. Bởi vậy, giá cà phê biến động trong tuần qua càng khiến tâm lý “trữ hàng” của nông dân thêm vững chắc.
Mặt khác, qua tìm hiểu, việc giá cả tăng cao gây ra áp lực đối với chất lượng ngành hàng cà phê khi các hộ dân có rẫy ở xa hoặc không có người trông nom thì thu hoạch khi chưa đạt tỷ lệ quả chín, do tâm lý “xanh nhà hơn già đồng”. Đối với các hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở thu mua, đơn vị chế biến cà phê, giá cà phê biến động mạnh, không ổn định trong tuần qua gây ra nhiều áp lực khiến việc sản xuất - kinh doanh càng thêm thận trọng.
Ông Nguyễn Đại Dương, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ du lịch ROFC, huyện Krông Năng cho biết, hợp tác xã có 12 thành viên chính thức, 70 thành viên liên kết, canh tác 50 ha cà phê, sản lượng đạt khoảng 150 tấn, giảm 20 tấn so với niên vụ 2023 - 2024. Giá tăng cao, nông dân phấn khởi, tuy nhiên hợp tác xã gặp áp lực trong sản xuất, kinh doanh như cần nguồn vốn lớn, rủi ro nhiều, lợi nhuận giảm… Với giá thị trường thu mua 30.000 đồng/kg cà phê tươi như hiện nay, sau khi phơi, sấy, chế biến, hợp tác xã không đủ chi phí nhân công và chi phí vận hành.
Cùng áp lực về nguồn vốn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển An Thái Nguyễn Xuân Lợi chia sẻ, giá cà phê tăng nhanh, biến động thất thường gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc dự đoán, nắm bắt giá cả. Nếu doanh nghiệp chạy theo giá thị trường, luôn biến thiên giá thì gây nhiều khó khăn cho thị trường đầu ra.
Giá cả biến động thất thường và tăng cao khiến các đơn vị xuất khẩu và mua bán thương mại gặp trở ngại trong cung ứng nguồn vốn lưu động để ổn định sản xuất, kinh doanh. Chính vì vậy, doanh nghiệp mua bán thường xuyên và tạo nên tính trung bình giá để đảm bảo sự chủ động hơn.
Thực tế này khiến một số nhà xuất khẩu không mặn mà tham gia thị trường do nhu cầu hàng thực chậm và cần một lượng vốn lớn để tham gia. Một số doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng, đối với mặt hàng cà phê, không nên đầu cơ hàng hóa trong thời điểm này, thay vào đó cần tính toán đảm bảo chất lượng sản phẩm cà phê và xây dựng các chuỗi liên kết bền vững trong ngành hàng.
Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột Trịnh Đức Minh thông tin, niên vụ cà phê 2024 - 2025 của Đắk Lắk dự báo sụt giảm sản lượng khoảng 5 - 7% so với niên vụ trước, góp phần làm giá cà phê tăng cao. Thị trường cà phê lấy các sàn giao dịch cà phê thế giới làm tham chiếu. Với giá cà phê biến động như hiện nay, những người sản xuất kinh doanh không nên chạy theo và đầu cơ trên các sàn. Việc ôm hàng mà giá không tiếp tục tăng hoặc giá giảm thì sẽ gặp khủng hoảng lớn. Thay vì chạy theo giá cả thị trường để kiếm lời trong ngắn hạn, cần tính toán để làm ra những hạt cà phê có chất lượng, bán ra thị trường với chất lượng đang có.
“Với danh tiếng cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản thì cà phê Robusta Việt Nam sẽ không bị mua rẻ, không bị trả giá thấp. Mặt khác, qua những lần biến động về giá cà phê cho thấy, giữa doanh nghiệp với người nông dân và các tổ chức sản xuất của người nông dân phải liên kết thật sự bền vững. Chỉ khi có những mối liên kết bền vững, dù giá cả thị trường lên xuống thì các bên sẽ ngồi lại và thích ứng liên tục được, cùng vượt qua được sóng gió của thị trường” - ông Trịnh Đức Minh chia sẻ.
Cùng chia sẻ về câu chuyện giá cà phê biến động, ông Lê Đức Huy, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Một thành viên Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (Simexco Daklak) cho rằng, giá tăng cao, sản lượng cà phê sụt giảm đặt ra vấn đề hiện nay là cần cân đối lại diện tích trồng hợp lý, không ồ ạt tăng diện tích, không trồng trên những vùng có rủi ro cao như đất rừng. Mặt khác, phải áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, đẩy mạnh tái canh cà phê; đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển thương hiệu để vừa đảm bảo sản lượng, chất lượng, vừa có thương hiệu, tạo giá trị bền vững và lâu dài.
Đắk Lắk đã có những mô hình liên kết sản xuất như tổ hợp tác, hợp tác xã. Việc liên kết hợp tác từ canh tác, đầu tư phân bón đến kế hoạch thu hoạch, thuê nhân công, cùng bảo vệ cộng đồng là tín hiệu đáng mừng, cho thấy việc liên kết sản xuất là mô hình hiệu quả trong canh tác nông nghiệp hiện nay. Khi những hộ dân canh tác với diện tích nhỏ liên kết với nhau thì mới tối ưu chi phí sản xuất, cùng nhau bán hàng, tăng khả năng đàm phán và cạnh tranh về giá - ông Lê Đức Huy nhấn mạnh.
Mặc dù đối diện với không ít áp lực từ giá cả thị trường, song các hợp tác xã ở thủ phủ cà phê của cả nước cũng kỳ vọng, giá cà phê nhân đạt ngưỡng 150.000 đồng/kg và giữ ổn định để nông dân mặn mà, tiếp tục đầu tư chăm sóc vườn cây, chú trọng về chất lượng sản phẩm. Các doanh nghiệp cũng tin tưởng, từ kinh nghiệm của năm 2024 và niên vụ cà phê 2023 - 2024 sẽ có nhiều kinh nghiệm thích ứng khi giá cả thị trường biến động và thêm giải pháp linh hoạt để ổn định sản xuất, kinh doanh.
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Chuyên canh lúa chất lượng cao cho năng suất tăng hơn 1,5 tấn/ha
Xuất khẩu cà phê lần đầu có thể vượt 5 tỷ USD
Cá ngừ tăng thị phần tại nhiều thị trường
Đẩy mạnh liên kết sản xuất lúa Đông Xuân
Gia Lai thực hiện trồng và tái canh cây hồ tiêu theo hướng bền vững
Doanh số bán ô tô tại Việt Nam tháng 11 tăng 14%
Thu ngân sách của Thành phố Hồ Chí Minh bất ngờ về đích sớm
Sắn rớt giá mạnh, nông dân Lai Châu thất thu
11 tháng, xuất siêu 24,31 tỷ USD
11 tháng, cả nước thu hút gần 31,4 tỷ USD vốn FDI