Dự kiến năm nay có khoảng 230.500 doanh nghiệp gia nhập thị trường

09/01/2024 07:33

Theo Tổng cục Thống kê, số lượng doanh nghiệp thành lập mới năm nay dự báo tăng 2% so với năm ngoái, đạt khoảng 162.500 doanh nghiệp và khoảng 68.000 doanh nghiệp quay lại hoạt động, tăng 16%.

Dự kiến năm nay có khoảng 230.500 doanh nghiệp gia nhập thị trường

 

Tổng cục Thống kê cho biết số lượng doanh nghiệp thành lập mới năm nay dự báo tăng 2% so với năm ngoái, đạt khoảng 162.500 doanh nghiệp.

Cùng với đó, triển vọng khoảng 68.000 doanh nghiệp quay lại hoạt động, tăng 16%. Như vậy, tổng cộng sẽ có thêm 230.500 doanh nghiệp gia nhập nền kinh tế năm nay.

Dự báo trên do cơ quan thống kê đưa ra trên cơ sở tình hình đăng ký doanh nghiệp năm 2023 và triển vọng kinh tế toàn cầu lẫn trong nước thời gian tới.

Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế Việt Nam tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực. Các chính sách hỗ trợ được ban hành năm 2023 sẽ có tác động rõ nét hơn. Các động lực về đầu tư (đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài, đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước), tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu tiếp tục tăng.

Tuy nhiên, các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn còn, bao gồm xung đột quân sự, kiểm soát lạm phát ở các nước phát triển. Lạm phát có dấu hiệu chậm lại nhưng một số nền kinh tế lớn được dự báo vẫn duy trì thắt chặt tiền tệ.

Do các nền kinh tế lớn, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của Việt Nam vẫn phục hồi chậm, thiếu bền vững, tăng trưởng thấp trong khi cầu tiêu dùng yếu, hàng rào bảo hộ gia tăng, cùng đó diễn biến bất lợi của thế giới, khu vực dự báo sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất kinh doanh, công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư của Việt Nam.

Vì thế, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm nay dự báo vẫn tăng so với năm 2023 nhưng tốc độ thấp hơn đáng kể so với giai đoạn ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, con số này dự kiến khoảng 178.000, tăng 3,5% so với năm ngoái; trong đó, bên cạnh các doanh nghiệp tạm dừng hoạt động thì khoảng 10% thực hiện thủ tục giải thể.

ttxvn-bac-giang-hon-7000-ty-dong-von-dang-ky-thanh-lap-doanh-nghiep-moi-994.jpg

Sản xuất, chế biến đồ nội thất tại Công ty Kiến trúc Nội thất Trường Thịnh, trong cụm công nghiệp phường Thọ Xương, thành phố Bắc Giang. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết mặc dù, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước năm 2023 tiếp tục có tín hiệu phục hồi, tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận các doanh nghiệp hiện nay gặp không ít khó khăn, vướng mắc và đang phải gồng mình chống chịu.

Để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tận dụng thời cơ, phục hồi và phát triển nhanh, bền vững, tạo động lực quan trọng phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2024, Tổng cục Thống kê đề xuất, Chính phủ, các bộ, ngành tập trung thực hiện một số giải pháp. Cụ thể, Tổng cục Thống kê đề nghị Chính phủ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng.

Cùng với đó, Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng: về đầu tư: bao gồm cả đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước, trọng tâm là các dự án, công trình giao thông quan trọng, trọng điểm quốc gia; lấy đầu tư công làm vốn mồi thúc đẩy đầu tư tư nhân; đồng thời, huy động hiệu quả vốn đầu tư nước ngoài, nhất là FDI có quy mô lớn, công nghệ cao.

Mặt khác, Chính phủ tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật; đồng thời, đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh gắn với thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số.

Về phía Ngân hàng Nhà nước thực hiện các giải pháp tín dụng phù hợp đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế; kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân.

Về xuất khẩu, Bộ Công Thương đẩy nhanh đàm phán, ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam-UAE, các FTA với Brazil, khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR)...; khai thác thị trường Halal để mở rộng thị trường xuất khẩu mới, tiềm năng.

Về tiêu dùng, Bộ Công Thương đẩy mạnh thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt; khai thác hiệu quả thị trường trong nước, thực hiện kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; đẩy mạnh Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam," các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, kết nối cung cầu trong nước...

Ngoài ra, các bộ, ngành cần tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh nhằm tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, không để phát sinh thủ tục, quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật mới không cần thiết, không phù hợp, thiếu tính khả thi…/.

 

Nguồn: vietnamplus.vn

Viết bình luận mới