Đồng Tháp: Xây dựng vùng nguyên liệu lúa OM 18 phục vụ xuất khẩu

25/08/2024 16:44

Hiện giá lúa OM 18 tại tỉnh Đồng Tháp bán với giá từ 8.700-9.000 đồng/kg, tính ra cao hơn lúa OM 5451 từ 500-700 đồng/kg và cao hơn lúa IR 50404 từ 700-800 đồng/kg.

Thu hoạch lúa OM 18 tại đồng ruộng xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp). (Ảnh: Nguyễn Văn Trí/TTXVN)

Thu hoạch lúa OM 18 tại đồng ruộng xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp). (Ảnh: Nguyễn Văn Trí/TTXVN)

 

Tỉnh Đồng Tháp sản xuất 3 vụ lúa Đông Xuân, Hè Thu và Thu Đông trong năm với gần 500.000 ha; trong đó, sử dụng thịnh hành nhất là giống lúa OM 18, được nhiều nông dân ưa chuộng vì giúp tăng thu nhập trong thời gian qua.

Đặc biệt, ngoài giá trị kinh tế cao tại thị trường nội địa, gạo từ giống lúa OM 18 đạt chuẩn xuất khẩu. Hiện tỉnh Đồng Tháp cũng đã xây dựng mô hình vùng nguyên liệu giống lúa OM 18 để sản xuất phục vụ xuất khẩu.

Với thời gian sinh trưởng từ 95-115 ngày, giống lúa OM 18 cho năng suất vụ Đông Xuân từ 7-8 tấn/ha, đối với vụ Hè Thu từ 5-6 tấn/ha. Hiện giá lúa OM 18 tại tỉnh Đồng Tháp bán với giá từ 8.700-9.000 đồng/kg, tính ra cao hơn lúa OM 5451 từ 500-700 đồng/kg và cao hơn lúa IR 50404 từ 700-800 đồng/kg.

Mô hình tại xã Phú Thành A, huyện Tam Nông có quy mô 50ha và 24 hộ tham gia. Mô hình sử dụng giống lúa OM 18 cấp xác nhận, lượng giống sạ cụm 70 kg/ha.

Mô hình áp dụng đồng bộ giải pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến, hình thành được chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nhằm tiết kiệm công lao động, giảm thất thoát trong sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.

Thông qua mô hình này kết nối các dự án hiện có, tạo vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc phục vụ cho việc xuất khẩu.

Mô hình sản xuất lúa loại giống OM 18 của ông Nguyễn Văn Dõng ở ấp 6A, xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười có diện tích 4ha.

Ông áp dụng quy trình kỹ thuật sử dụng phân hữu cơ sinh học, qua đó giảm hơn 50% chi phí so với ruộng sử dụng phương pháp sản xuất truyền thống; mang lại năng suất 7 tấn/ha.

Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận cao hơn ruộng có giống lúa khác khoảng 3 triệu đồng/ha.

Qua mô hình sản xuất lúa OM 18 theo hướng hữu cơ giúp nông dân nắm được các khâu quan trọng trong quy trình kỹ thuật sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, hạn chế thất thoát phân bón, giúp lúa đẻ nhánh, bộ rễ ăn sâu, ít đổ ngã, giảm chi phí sản xuất và tăng thu nhập cho nông dân.

Đồng thời, tạo ra sản phẩm an toàn, đáp ứng yêu cầu liên kết với doanh nghiệp để bán lúa OM 18 xuất khẩu.

Anh Nguyễn Văn Phương ở xã Phú Điền, huyện Tháp Mười sử dụng giống lúa OM 18 để gieo sạ hơn 2 năm qua. Vụ lúa Đông Xuân 2023, diện tích sản xuất của anh cho năng suất hơn 8 tấn/ha, năm 2024 gần 8 tấn/ha. Với giá lúa bán 9.600 đồng/kg, anh lãi gần 50 triệu đồng/ha.

Anh Phương cho biết, trong khu vực xã Phú Điền, huyện Tháp Mười đa số bà con hiện sử dụng giống lúa OM 18 để gieo sạ, loại này dễ bán cho thương lái để xuất khẩu, thích hợp với vùng đất trũng nơi đây.

Theo ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp, sản xuất lúa hiện nay ở Đồng Tháp có xu hướng dịch chuyển từ giống lúa có chất lượng thấp sang trồng các loại giống lúa có chất lượng cao phục vụ xuất khẩu.

Qua đó nâng cao chất lượng gạo, tăng diện tích giống xác nhận, giống chất lượng cao, lúa thơm đặc sản, giúp lợi nhuận cho người trồng lúa tăng từ 35-40%.

Giống lúa OM 18 được tạo ra bởi Viện Nghiên cứu lúa Đồng bằng sông Cửu Long và được đưa ra canh tác đại trà vào năm 2017. Về đặc điểm nhận dạng hạt gạo từ giống lúa giống lúa OM 18 thon dài, trong, cho cơm trắng, mềm, có mùi thơm nhẹ...

Giống lúa này được tạo ra từ việc lai tạo giữa giống lúa OM 8017 và OM 5166. Nhờ đó, giống lúa OM 18 sở hữu những đặc tính vượt trội hơn cả hai giống lúa gốc như: cho năng suất cao, khả năng kháng bệnh tốt, thời gian sinh trưởng và thu hoạch tương đối ngắn…

Điều này giúp nông dân có thể tăng năng suất và thu nhập từ việc sản xuất lúa, đồng thời giảm thiểu chi phí và rủi ro trong quá trình sản xuất./.

 

Nguồn: vietnamplus.vn

Viết bình luận mới