Đồng bằng sông Cửu Long: Kết hợp sản xuất sinh thái với làm nông nghiệp sạch
28/08/2024 07:59
Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay đang chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng bằng nhiều mô hình kết hợp nuôi tôm-trồng lúa luân phiên để tạo nhiều sản phẩm nông nghiệp sinh thái.
Nông nghiệp sinh thái là phương thức sản xuất phù hợp với các yêu cầu bảo vệ môi trường hiện nay. Đây cũng là định hướng mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai cho các địa phương để dần đưa ngành nông nghiệp Việt Nam đến mục tiêu "Net zero" (phát thải ròng bằng 0) vào năm 2050.
Các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã dần xây dựng lộ trình cho sản xuất nông nghiệp sạch này.
Thực tế trong những năm qua, Việt Nam phải chịu tác động xấu của biến đổi khí hậu nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới và nằm trong Top 5 quốc gia dễ bị ảnh bởi biến đổi khí hậu cao nhất.
Ngành nông nghiệp lại có nhiều yếu tố phụ thuộc vào khí hậu và điều kiện tự nhiên, do đó sản xuất xanh và tăng trưởng xanh, tạo một nền nông nghiệp sạch có đóng góp quan trọng trong giảm thiểu biến đổi khí hậu và tác động môi trường.
Theo ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, biến đổi khí hậu đã tác động không nhỏ đến sự phát triển kinh tế của từng quốc gia, trong đó ngành nông nghiệp cũng chịu sự tác động không nhỏ của biến đổi khí hậu.
Muốn giữ được sự ổn định và cân bằng sinh thái, hạn chế biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống của con người, đòi hỏi các quốc gia phải có trách nhiệm trong gìn giữ môi trường.
Đặc biệt, nông nghiệp là lĩnh vực chịu sự tác động và bị ảnh hưởng lớn nhất từ biến đổi khí hậu gây ra, nên đã đến lúc ngành nông nghiệp Việt Nam nhìn nhận lại giá trị của các sản phẩm được sản xuất ra.
Hiện nay, khách hàng, người tiêu dùng trong nước và quốc tế không chỉ mua sản phẩm mà mua cả giá trị sản phẩm đó. Xu hướng xanh hóa toàn cầu là xu thế không đảo ngược được.
Theo tiến trình này, Hậu Giang xác định phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp sạch theo chuỗi giá trị.
Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang cho biết nhiều nông dân của tỉnh Hậu Giang đang chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy, chủ yếu là sản xuất lúa sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng bằng nhiều mô hình kết hợp nuôi tôm-trồng lúa luân phiên để tạo nhiều sản phẩm nông nghiệp sinh thái.
Đơn cử như anh Trần Văn Thịnh tại xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, Hậu Giang, gia đình anh sản xuất lúa trên diện tích 7ha. Sau khi thu hoạch lúa thì anh thả nuôi tôm quảng canh, có hệ thống cống lấy nước, thoát nước thông với sông cái Ngan Dừa.
Vụ lúa Đông Xuân 2024 vừa xong, anh thực hiện cải tạo ao nuôi tôm. Để con tôm có điều kiện phát triển thuận lợi, anh thu gom rơm rạ, xử lí sạch rồi bằng nước mặn để tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm, mà không sử dụng thức ăn công nghiệp trong quá trình nuôi tôm.
Phương pháp làm này tạo ra các sản phẩm nông nghiệp tôm sạch, lúa sạch, giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường từ quá trình nuôi tôm và trồng lúa.
Hay như tại Cà Mau, sản xuất nông nghiệp sạch theo mô hình tôm-lúa đã mang lại kết quả khả quan.
Theo ông Nguyễn Hoàng Bạo, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thới Bình, Cà Mau, vừa qua, Cà Mau vừa đạt chứng nhận BAP (thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất).
Đây là chứng nhận quốc tế thứ 2 và là chứng nhận BAP đầu tiên của Việt Nam được trao cho vùng chuyên canh tôm-lúa trên địa bàn tỉnh Thới Bình.
Vùng lúa-tôm của địa phương vừa được tổ chức Bureau Veritas tại Việt Nam trao giấy chứng nhận BAP của Tổ chức Liên minh thủy sản toàn cầu (GAA).
Lợi ích lớn nhất khi được cấp chứng nhận BAP chính là giải quyết vấn đề nuôi tôm không bền vững cho các hộ nuôi tôm quy mô nhỏ, từ đó, giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường, bảo đảm lợi ích xã hội, góp phần thay đổi thói quen sản xuất, cách suy nghĩ của người nuôi và doanh nghiệp; đồng thời, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững môi trường, xã hội, an sinh và an toàn thực phẩm.
Do đó, khi đạt được chứng nhận BAP, tôm Cà Mau nói riêng, tôm Việt Nam nói chung sẽ rộng đường xuất khẩu đến hầu hết các quốc gia khó tính trên thế giới. Bởi, GAA hiện có hơn 1.100 thành viên ở 70 quốc gia và đã trở thành tổ chức nổi bật nhất đại diện cho ngành công nghiệp thủy sản toàn cầu.
Theo đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xã hội tôm chứng nhận Minh Phú, đơn vị đồng hành thực hiện dự án cho biết, khi có giấy chứng nhận BAP, các nông hộ sản xuất trong chuỗi liên kết sẽ được doanh nghiệp liên kết bao tiêu, thu mua toàn bộ tôm (cả tôm sú và tôm càng xanh) đạt chứng nhận BAP với giá cao so với giá tôm trên thị trường, không lo về đầu ra.
Ngược lại, khi có được nguồn nguyên liệu đạt chứng nhận, đơn vị thu mua cũng yên tâm khi bảo đảm được nguồn cung cấp tôm nguyên liệu sạch, bền vững, có truy suất nguồn gốc rõ ràng theo tiêu chuẩn toàn cầu…
Đây cũng là điều kiện và cơ hội tốt để Cà Mau quảng bá hình ảnh con tôm của địa phương ra thị trường thế giới, nhất là ở những thị trường khó tính, tiêu chuẩn khắt khe./.
Nguồn: vietnamplus.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Không để thiếu hàng, tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán
Nhân rộng mô hình thí điểm thành công Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao
Ninh Thuận: Liên kết chuỗi giá trị hướng đến xuất khẩu sản phẩm lợi thế
Kon Tum: Lý do khó phát triển diện tích chanh dây
Chuỗi tỷ USD rót vào sản xuất xanh
Làng hoa An Lạc hối hả chuẩn bị vụ Tết
Năng suất lúa sản xuất theo hướng hữu cơ tăng từ 10 - 15%
Xanh hóa quy trình sản xuất và chế biến trong xuất khẩu cá tra
Giá nhiều loại thủy sản tăng cao
Nhu cầu đặt hoa cúc mâm xôi Tết tăng cao, giá cũng tăng