Đơn vị nào quản lý tòa nhà đắc địa bậc nhất Hồ Gươm?
09/03/2025 18:10
Đơn vị đang quản lý, vận hành tòa nhà đắc địa bậc nhất Hồ Gươm là doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng chủ lực tại Hà Nội, vận hành hơn 100 tuyến khắp thủ đô.
Doanh nghiệp lớn vận tải công cộng
Hà Nội vừa thống nhất với đề xuất của các sở, ngành về việc phá bỏ tòa nhà “Hàm cá mập”, định hướng làm không gian ngầm, đồng thời mở rộng Quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục (quận Hoàn Kiếm).
Tòa nhà Hàm cá mập do Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) quản lý và vận hành. Đây là DNNN trực thuộc UBND TP Hà Nội, được thành lập năm 2004. Trụ sở chính của Transerco đặt tại số 5 Lê Thánh Tông, quận Hoàn Kiếm và Trung tâm Thương mại và Dịch vụ ở số 32 Nguyễn Công Trứ, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Tổng công ty đang điều hành theo 4 lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính: Vận tải hành khách công cộng; Hạ tầng vận tải; Kinh doanh vận tải; Thương mại dịch vụ và giá trị gia tăng. Công ty này có trên 10.000 lao động, vốn điều lệ 1.200 tỷ đồng, và tổng tài sản trên 2.500 tỷ đồng.
Trong đó, vận tải hành khách công cộng - đặc biệt là hệ thống xe buýt - là “xương sống” của công ty. Với mạng lưới xe buýt phủ khắp Hà Nội và các khu vực lân cận, Transerco đã trở thành phương tiện di chuyển quen thuộc của hàng triệu người dân. Các tuyến xe buýt được vận hành bởi Xí nghiệp Xe buýt Hà Nội, Xe buýt Thăng Long hay Xe buýt 10-10.
Transerco quản lý và vận hành một hệ thống xe buýt với thương hiệu Hanoibus, gồm hơn 100 tuyến và hơn 1.000 phương tiện, phục vụ gần 50 triệu lượt khách vé lượt và cung cấp 1,4 triệu tem vé tháng mỗi năm, phủ khắp nội thành và các khu vực ngoại ô, kết nối Hà Nội với các tỉnh lân cận.
Đặc biệt, trong nội đô, Transerco có các tuyến xe buýt kết nối các trường đại học, bệnh viện, khu đô thị, các điểm du lịch xung quanh Hà Nội, các bến xe đầu mối, sân bay Nội Bài; tuyến buýt hai tầng Citytour phục vụ khách du lịch; tuyến buýt nhanh BRT...
Transerco là doanh nghiệp chủ lực trong hệ thống vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội. Ảnh: Transerco
Năm 2024, Transerco vận chuyển hơn 234 triệu lượt, tăng 4,5% so với năm trước, chiếm 58% lượng vận chuyển tại Hà Nội.
Ngoài ra, Transerco quản lý bến bãi và dịch vụ điểm đỗ xe công cộng tại Thủ đô Hà Nội. Doanh nghiệp này hiện có hơn 10.000 lao động đang làm việc tại 12 đơn vị trực thuộc và 5 công ty con.
Tổng công ty cũng đầu tư xe buýt điện và xây dựng hạ tầng trạm sạc thí điểm cho ba tuyến xe buýt theo chỉ đạo của thành phố, sử dụng nguồn vốn tự có và bắt đầu vận hành từ tháng 2.
Quản lý nhiều bến bãi, điểm đỗ
Ngoài các hoạt động vận tải hành khách, các dịch vụ gắn với giao thông tĩnh cũng là một thế mạnh chủ chốt của Transerco. Doanh nghiệp được giao quản lý vận hành hệ thống bến xe đầu mối lớn của thành phố, gồm Bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm và Yên Nghĩa cùng một số bến xe phụ trợ loại 2.
Hàng năm, các bến xe đầu mối lớn thuộc quản lý của Transerco tiếp nhận gần 3 triệu lượt xe, cùng gần 25 triệu lượt hành khách. Dịch vụ trông giữ phương tiện phục vụ hơn 8 triệu lượt mỗi năm.
Tòa "hàm cá mập". Ảnh: Crystal
Doanh nghiệp này còn tham gia khai thác dịch vụ trông giữ phương tiện trong trung tâm thành phố tại các gara đỗ xe cao tầng trong các tuyến phố chính như: Nguyễn Công Trứ, Trường Chinh, Trần Nhật Duật, Nguyễn Công Hoan... và các điểm trông giữ xe được cấp phép.
Một điểm đáng chú ý khác là mảng thương mại dịch vụ, trong đó có việc quản lý và vận hành tòa nhà “Hàm cá mập”. Tòa nhà này nằm tại số 1-3-5 Đinh Tiên Hoàng. Đây không chỉ là một trung tâm thương mại sầm uất mà còn từng được xem là biểu tượng kiến trúc gần Hồ Gươm, thu hút đông đảo du khách và người dân nhờ vị trí đắc địa.
Cụ thể, phía bắc tòa nhà này giáp phố Cầu Gỗ, phía nam giáp phố Đinh Tiên Hoàng, phía tây giáp đường Lê Thái Tổ và quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Tòa nhà có mặt tiền hướng ra hồ Hoàn Kiếm, được xây dựng trên diện tích đất 310m2, với thiết kế 5 tầng, thêm 1 tầng lửng và 1 tầng tum.
Tổng diện tích sàn là 1.758m2, bao gồm sảnh, hành lang, thang bộ và thang máy. Công trình này được xây dựng từ năm 1993 và được cải tạo, gia cố để duy trì chất lượng.
Nguồn: vietnamnet.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Giá gạo Ấn Độ giảm xuống mức thấp nhất 5 tháng
Giá vàng cuối tuần giảm mạnh, thương hiệu SJC ”bốc hơi” 6 triệu đồng mỗi lượng
Tăng cường hợp tác giữa Hà Nội với các địa phương và doanh nghiệp tại Séc
Bộ Công Thương tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bị áp thuế đối ứng
Bộ Công Thương yêu cầu kiểm tra thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sữa và thuốc giả
Triển vọng lạc quan về thỏa thuận thương mại Mỹ-Liên minh châu Âu
Tỷ giá ngày 18/4: Các ngân hàng thương mại tiếp tục tăng giá đồng USD
Mỹ đề xuất áp thuế mới với thiết bị hàng hải Trung Quốc
Netflix "vượt bão" kinh tế, lợi nhuận quý vượt xa kỳ vọng
Giá vàng thế giới giảm, thương hiệu SJC vẫn tăng 2 triệu đồng mỗi lượng