Đơn hàng dồi dào, doanh nghiệp sản xuất kỳ vọng tăng trưởng mạnh về cuối năm
12/07/2024 16:33
Nhiều doanh nghiệp cho biết, đơn hàng đã bắt đầu ổn định, có doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết tháng 10-11/2024. Do đó, các doanh nghiệp sản xuất trong nước kỳ vọng tăng trưởng mạnh hơn về cuối năm.
Kỳ vọng 6 tháng cuối năm
Trong 6 tháng đầu năm 2024, dệt may là một trong số ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng trong top đầu cả nước với 16,282 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, hầu hết doanh nghiệp ngành may đã có đủ đơn hàng sản xuất tới hết quý 3/2024 và tiếp tục đàm phán ký kết cho quý 4/2024 – mùa cao điểm sản xuất cho các đơn hàng dịp Noel và Tết.
“Dựa trên những tín hiệu đã có, đặc biệt là tình hình hình đơn hàng về nhiều vào quý 3 và quý 4, kết hợp cùng mức tăng trưởng 5% trong nửa đầu năm, dự báo kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam năm 2024 tăng 8-10% so với năm 2023. Riêng với Tập đoàn, tín hiệu tích cực hơn từ thị trường, đặc biệt là ngành sợi, 6 tháng cuối năm kết quả sản xuất kinh doanh sẽ tốt hơn kỳ vọng”, ông Hiếu nhận định.
Cùng với đó, thông tin từ Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu da giày của Việt Nam đạt trên 6,5 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong năm 2024, Lefaso dự báo kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt khoảng 26 - 27 tỷ USD.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp đang liên tục tuyển dụng công nhân trở lại để đẩy nhanh tiến độ sản xuất sau giai đoạn phải cắt giảm. Theo bà Xuân, đối với thị trường xuất khẩu, ngành da giày vẫn tập trung vào 5 thị trường chính. Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 35%, tiếp đến là EU 26%, Nhật Bản và Hàn Quốc. Riêng Trung Quốc hiện chiếm 9% tỷ trọng và kim ngạch ngày một lớn, đây cũng là thị trường giúp ngành da giày có dư địa cho tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2024.
Theo phân tích của nhiều chuyên gia, các nền kinh tế lớn cũng là thị trường xuất khẩu tiềm năng của ngành da giày Việt Nam, năm 2024 có khởi sắc. Đặc biệt, Việt Nam có một số lợi thế cạnh tranh đáng kể so với các quốc gia sản xuất, xuất khẩu mặt hàng giày dép, túi xách khác.
Hiện 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết với lộ trình giảm thuế ngắn tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp da giày trong nước phát triển thị trường; chất lượng nguồn lao động tốt với kỹ năng hơn 30 năm sản xuất giày dép cùng uy tín thương hiệu giày dép made in Việt Nam ngày càng được khẳng định.
Trong năm 2024, bên cạnh thị trường có các FTA, ngành da giày Việt Nam tiếp tục mở rộng và đa dạng hoá thị trường, đồng thời chú trọng duy trì thị trường truyền thống như Mỹ, EU do sức mua và dung lượng thị trường lớn.
Với phân khúc sản phẩm, Việt Nam được đánh giá có thể sản xuất được những sản phẩm giày dép có chất lượng từ trung bình trở lên và sản phẩm có độ khó cao. Sắp tới, ngành giày dép không định hướng sản xuất sản phẩm có giá trị thấp bởi lợi nhuận thấp, lãng phí nguồn lực mà sẽ tiếp tục tập trung vào phân khúc sản phẩm trung và cao cấp.
Cũng nhiều khởi sắc, xuất khẩu gỗ và lâm sản 6 tháng đầu năm thu về 7,95 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 52,3% so với kế hoạch của cả năm. Trong đó, có một số thị trường chính tăng mạnh như: Hoa Kỳ đạt 4,38 tỷ USD, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm 2023; Trung Quốc đạt 1,059 tỷ USD, tăng 46,6%. Trong khi đó, giá trị nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 1,29 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hoa Kỳ vẫn đang là thị trường lớn nhất của xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam. Cụ thể, trong 6 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Hoa Kỳ đạt 4,38 tỷ USD, chiếm 55% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành. Từ đầu năm tới nay, gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu tới thị trường Hoa Kỳ tăng trưởng mạnh, cho thấy nhu cầu đang phục hồi nhanh tại thị trường này. Đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng xuất khẩu chính tới Hoa Kỳ, đây cũng là mặt hàng mang lại giá trị gia tăng cao cho ngành gỗ.
Ứng phó, hoá giải thách thức
Nhận định về thị trường gỗ trong thời gian tới, Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ hiện phải đối diện với những thách thức mới về cam kết quốc tế như tuân thủ quy định của châu Âu (EU) về chống phá rừng, trách nhiệm giải trình ngành gỗ để thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế theo luật Lacey (Mỹ), cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất…Do vậy, những tháng còn lại của năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vẫn đối diện với nhiều thách thức.
Trên thực tế, hiện Hoa Kỳ đang là thị trường chính của ngành gỗ tuy nhiên từ đầu năm 2022 đến nay, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Việt Nam liên tục phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá từ Hoa Kỳ, Hàn Quốc,... Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) chính thức thông báo áp dụng quy định mới về phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này. Việc này đang dấy lên những lo ngại sẽ có những tác động đến doanh nghiệp xuất khẩu gỗ của Việt Nam.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam nhận định, một số tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững như chính sách về sản phẩm sinh thái, trách nhiệm mở rộng với nhà sản xuất, truy xuất chuỗi cung ứng... có thể được các thị trường nhập khẩu giày dép lớn của Việt Nam áp dụng ngay trong năm này và một vài năm tới sẽ tác động tới xuất khẩu của ngành, bà Xuân cho rằng, việc tuân thủ là bắt buộc.
“Khi tuân thủ các quy định này, doanh nghiệp phải thực hiện rất nhiều hoạt động nhằm nâng cấp năng lực nội tại. Việc nâng cấp phải từ công nghệ, quản lý, cùng đó chi phí đầu vào ngày càng tăng trong khi chi phí đầu ra tăng rất thấp, đó là sức ép cực kỳ lớn đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong một thế giới cạnh tranh bình đẳng nếu chúng ta muốn tham gia thành công vào chuỗi cung ứng bắt buộc phải tuân thủ”, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam phân tích.
Đối với cơ chế định giá carbon (CBAM), bà Xuân cho hay, giày dép là ngành được đánh giá trong quá trình sản xuất gây ra phát thải lớn nên cũng nằm trong số đối tượng chịu tác động từ CBAM. EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam khoảng 6 tỷ Euro mỗi năm, do đó việc chuẩn bị để thay đổi và ứng phó với quy định này là cần thiết.
Để làm được điều này, đầu tiên doanh nghiệp phải tìm hiểu cặn kẽ thông tin, quy trình để đáp ứng và tuân thủ CBAM. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị sẵn nguồn lực lớn về con người và công nghệ, tài chính để tiến tới đáp ứng CBAM.
Vì vậy, doanh nghiệp không thể đơn lẻ khi ra biển lớn mà cần phải cùng tham gia vào hoạt động mạng lưới tốt hơn để nắm bắt thông tin, có kế hoạch chuẩn bị sâu hơn, tốt hơn, học hỏi và rút kinh nghiệm mới có thể thành công đáp ứng các quy định và tham gia chuỗi cung ứng.
Cũng theo bà Phan Thị Thanh Xuân, doanh nghiệp cần ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý để dòng chảy dữ liệu trong nhà máy liên tục giúp người lãnh đạo cập nhật thông tin, ra quyết định kịp thời. Đặc biệt, doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng bộ phận tuân thủ. Bộ phận này cập nhật thông tin về các yêu cầu của khách hàng để chuyển về hệ thống sản xuất một cách chính xác.
Ông Trần Thanh Hải, Cục phó Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, hoạt động xuất nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục ghi nhận kết quả tích cực. Theo số liệu ước của liên Bộ, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 369,6 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu ước đạt 189,5 tỷ USD, tăng 14,2% so; nhập khẩu ước đạt 180,2 tỷ USD, tăng 18,1%.
“Kinh tế toàn cầu năm 2024 vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định. Cuộc chiến chống lạm phát vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, đặc biệt là chính sách tiền tệ của các quốc gia lớn. Vấn đề công suất dư thừa tại Trung Quốc hiện tại cũng sẽ gia tăng áp lực cạnh tranh trên thị trường. Khi nhu cầu tiêu dùng suy giảm, nguồn hàng dư thừa với giá rẻ của Trung Quốc có thể được đẩy mạnh xuất khẩu sang các quốc gia khác”, ông Trần Thanh Hải nhận định.
Liên quan tới hoạt động xuất khẩu thời gian tới, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh, Bộ Công Thương tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại và kết nối doanh nghiệp cùng sản phẩm của doanh nghiệp (đặc biệt là hàng nông thủy sản) của Việt Nam tới hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia và vùng lãnh thổ, nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường.
Bên cạnh đó, các đơn vị của Bộ Công Thương cần phải rà soát các mặt hàng, thị trường trọng tâm, trọng điểm cần được ưu tiên để thực hiện xúc tiến thương mại trong ngắn, trung và dài hạn; đồng thời, phối hợp chặt chẽ để cùng triển khai được chuỗi các hoạt động mang tính chuyên môn của nhiều đơn vị trong khuôn khổ của một chương trình xúc tiến thương mại, nhằm nâng cao tính hiệu quả và tiết kiệm nguồn lực trong bối cảnh nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước còn eo hẹp.
Ngoài ra, cần phải phối hợp trong việc định hướng cho các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp để đề xuất, xây dựng kế hoạch triển khai hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường trong nước và xuất nhập khẩu, chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại phù hợp với các Chiến lược, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Thúc đẩy phát triển kinh tế xanh trong nông nghiệp
Bắc Ninh: Khởi sắc trong hoạt động sản xuất công nghiệp
Ngân hàng Thế giới: Lộ trình để Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập cao
Không để thiếu hàng, tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán
Nhân rộng mô hình thí điểm thành công Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao
Ninh Thuận: Liên kết chuỗi giá trị hướng đến xuất khẩu sản phẩm lợi thế
Kon Tum: Lý do khó phát triển diện tích chanh dây
Chuỗi tỷ USD rót vào sản xuất xanh
Làng hoa An Lạc hối hả chuẩn bị vụ Tết
Năng suất lúa sản xuất theo hướng hữu cơ tăng từ 10 - 15%