Doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm nguồn hàng dệt may tại Ấn Độ
24/01/2020 10:57
Từ ngày 20-22/1, tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Pragati Maidan, thủ đô New Delhi, Ấn Độ đã diễn ra Hội chợ dệt may quốc tế Ấn Độ lần thứ 64 (IIGF). Các doanh nghiệp Việt Nam đã tích cực tham dự sự kiện này để kết nối và tìm kiếm nguồn hàng nguyên phụ liệu dệt may.
Xuất khẩu dệt may của Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển. Ảnh: TTXVN phát
Đây là hội chợ chuyên ngành dệt may lớn của Ấn Độ và được đánh giá là một trong những hội chợ về dệt may lớn nhất trong khu vực. IIGF do Hiệp hội triển lãm dệt may quốc tế và Hội đồng xúc tiến xuất khẩu dệt may Ấn Độ phối hợp tổ chức 1 năm 2 lần vào tháng 1 và tháng 7 hàng năm, dưới sự bảo trợ của Bộ Dệt may Ấn Độ. Hội chợ lần này có sự tham dự của gần 1.000 công ty, doanh nghiệp quốc tế và Ấn Độ tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm, trang thiết bị, máy móc, nguyên phụ liệu, phụ kiện may mặc.
Tại hội chợ, các doanh nghiệp Việt Nam đã gặp gỡ, trao đổi và ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với một số đối tác Ấn Độ trong lĩnh vực vải kaki, vải thô, vải phục vụ ngành bảo hộ lao động và thời trang trẻ em.
Tổng quy mô ngành dệt may của Ấn Độ đạt khoảng 140 tỷ USD, với thị trường nội địa 100 tỷ USD và xuất khẩu trị giá 40 tỷ USD sẽ mang lại nhiều cơ hội cho ngành dệt may của Việt Nam thâm nhập thị trường Ấn Độ trong thời gian tới.
Kể từ năm 2014, chính phủ hai nước Việt Nam, Ấn Độ đã coi dệt may là một trong những ngành hàng chiến lược mà hai bên có thể tăng cường hợp tác, thúc đẩy thương mại song phương. Tuy nhiên thời gian qua, mặc dù các chính phủ, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp hai nước đã tích cực tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại, các buổi giao thương, gặp gỡ người bán – người mua, song kết quả đạt được còn khiêm tốn. Trong năm 2019, Ấn Độ nhập khẩu dệt may và nguyên phụ liệu xơ sợi khoảng 7,6 tỷ USD nhưng nhập khẩu từ Việt Nam chỉ khoảng 450 triệu USD (chiếm khoảng 6% tổng giá trị nhập khẩu của ngành may Ấn Độ). Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Ấn Độ các sản phẩm dệt may, nguyên phụ liệu và bông cũng đạt khoảng 450 triệu USD, chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng giá trị nhập khẩu khoảng 30 tỷ USD trong ngành này của Việt Nam.
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Doanh nghiệp châu Âu lạc quan vào tiềm năng tăng trưởng dài hạn của Việt Nam
Thị trường hàng hóa tiếp tục biến động mạnh, kim loại đồng loạt tăng giá
Truy quét hàng gian, hàng giả: Không để đánh trống bỏ dùi
Lãi suất ngân hàng ngày 30/6: Gửi tiết kiệm ở đâu lãi cao nhất?
Algeria tham vọng trở thành nhà cung cấp năng lượng sạch chủ chốt cho châu Âu
G7 ủng hộ đề xuất tránh mức thuế cao hơn cho các công ty Mỹ
Đề nghị JBIC hỗ trợ vốn và xử lý vướng mắc tại dự án lọc dầu tại Nghi Sơn
Dòng tiền luân chuyển tích cực giúp VN-Index vượt mốc 1.370 điểm
Giá vàng ngày 29/6: Bảng giá tại các công ty vàng bạc đá quý
Thủ tướng: Tiếp tục xem xét, giải quyết các quan tâm của phía Hoa Kỳ