Doanh nghiệp cảng biển Việt Nam đón sóng tăng trưởng xuất khẩu

27/10/2021 12:47

Tổng sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển nội địa dự báo ở mức tăng trưởng hai con số 15% và 14% trong năm 2021 và 2022.

Các container hàng hóa tại Cảng Hải Phòng. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Các container hàng hóa tại Cảng Hải Phòng. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, doanh nghiệp ngành cảng biển vẫn đạt được kết quả kinh doanh tích cực.

Giới phân tích cho rằng các chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 đã giúp các đối tác thương mại chính của Việt Nam mở cửa trở lại nền kinh tế.

Cùng với đó là cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do được ký kết, điều này sẽ hỗ trợ cho các đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam, dẫn dắt tăng trưởng lưu lượng hàng hóa thông qua cảng biển và sân bay trong tương lai.

Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), ngành cảng biển duy trì triển vọng khả quan nhờ chiến dịch tiêm chủng toàn cầu củng cố triển vọng thương mại và gia tăng lượng hàng hóa qua cảng.

Tổng sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển nội địa dự báo ở mức tăng trưởng hai con số 15% và 14% trong năm 2021 và 2022. Tăng trưởng sản lượng container vận tải được hỗ trợ bởi sự kỳ vọng các hoạt động sản xuất công nghiệp dần phục hồi.

Dự báo này của VDSC dựa trên kỳ vọng Việt Nam hoàn thành lộ trình tiêm chủng cho 70% dân số vào cuối quý 1/2022.

VDSC cũng đánh giá vai trò của cảng nước sâu trong hệ thống cảng biển Việt Nam ngày càng quan trọng khi nâng cao hiệu quả hoạt động của các hãng tàu và đáp ứng hoàn hảo cho các tuyến vận tải kết nối Việt Nam với các đối tác thương mại quan trọng. Thực tế, thị phần của các cảng nước sâu và số tuyến vận tải đường dài ngày càng tăng trong nước.

Doanh nghiep cang bien Viet Nam don song tang truong xuat khau hinh anh 1
Cảng nước sâu Gemalink - Dự án cảng có quy mô lớn nhất trong cụm cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải, cũng là cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam, là một trong số 19 cảng lớn của thế giới đón được các siêu tàu lớn nhất thế giới hiện nay. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Về vận tải container nội địa, tăng trưởng sản lượng container vận tải được hỗ trợ bởi sự kỳ vọng các hoạt động sản xuất công nghiệp dần phục hồi.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, trong 10 tháng năm 2021, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam ước tính đạt 587 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong khi sản lượng nhiều mặt hàng qua cảng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thì hàng container vẫn duy trì được đà tăng trưởng 2 con số với khối lượng 10 tháng ước tính đạt gần 20,3 triệu TEU, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020.

Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, hiện Chính phủ đã triển khai kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, đồng thời chỉ đạo các giải pháp đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế. Đây sẽ là những nhân tố hứa hẹn hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển duy trì đà tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

Theo Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), triển vọng tăng trưởng sẽ có sự phân hóa giữa các doanh nghiệp cảng biển; trong đó, sự tăng trưởng cao chủ yếu ở các doanh nghiệp khai thác ở hai cụm cảng nước sâu là Lạch Huyện và Cái Mép-Thị Vải.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 313.000 tỷ đồng để hướng tới đầu tư và phát triển hệ thống cảng biển đồng bộ, hiện đại, dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội.

Theo quy hoạch này. Việt Nam sẽ xây dựng các bến cảng quy mô lớn phục vụ các khu kinh tế, khu công nghiệp. Thông qua hệ thống này, Việt Nam sẽ đáp ứng lượng hàng hóa thông quan từ 1.140 đến 1.423 triệu tấn.

Thực tế, triển vọng ngành cảng biển luôn gắn liền với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho rằng, các nhóm ngành xuất khẩu sẽ có sự hồi phục tích cực trong giai đoạn tái thiết nền kinh tế hậu đại dịch khi triển vọng tăng trưởng đến từ sự phục hồi của hoạt động sản xuất sau gián đoạn chuỗi cung ứng trong làn sóng COVID-19 lần thứ 4.

Nhu cầu toàn cầu tăng nhanh đến từ các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU cùng với việc tham gia sâu rộng vào các Hiệp định Thương mại tự do như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (UKFTA)... Vì vậy, Agriseco đánh giá xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng 2 chữ số trong các tháng cuối năm 2021 và năm 2022.

Các chuyên gia từ Công ty c; phần Chứng khoán SSI (SSI) cũng cho biết, mức tăng giá cước vận tải đã diễn ra trên diện rộng; trong đó, mỗi tuyến Nam-Bắc tăng từ 70-160% so với đầu năm 2021. Giá cước cũng tăng ở vận chuyển container rỗng ở nhiều tuyến từ 20% lên 50%, ở tuyến quốc tế Hải Phòng-Hồng Kông (Trung Quốc), tăng 25%.

Theo SSI, nhu cầu vận tải container dự kiến sẽ tăng dần trở lại sau các đợt giãn cách xã hội do COVID-19, trong khi đó nguồn cung lại khan hiếm do nhiều tàu container trong nước đã được cho thuê ra thị trường quốc tế.

Được hưởng lợi từ tăng trưởng xuất khẩu, cùng với giá cước vận tải tăng cao, nhiều doanh nghiệp ngành cảng biển có kết quả kinh doanh nổi bật trong bối cảnh nhiều ngành kinh tế đang gặp vô vàn khó khăn do dịch COVID-19.

Công ty cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (mã chứng khoán: HAH) - doanh nghiệp kinh doanh chính ở các mảng vận tải tàu và cảng biển, kho bãi, cảng cạn (depot), đã công bố mức giá cước vận tải mới, có hiệu lực từ ngày 13/10. Đây là lần điều chỉnh giá thứ 2 trong vòng 1 tháng.

Các chuyên gia từ SSI cho rằng nhờ gia tăng thị phần và đóng góp lớn từ các tàu cho thuê, Công ty cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An sẽ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng, dù sản lượng vận tải nội địa chịu ảnh hưởng tiêu cực, do dịch bệnh lan mạnh tới khu vực sản xuất.

SSI ước tính lợi nhuận sau thuế trong quý 3/2021 của Công ty cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An ở mức 80 tỷ đồng, gấp 3,7 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Trong khi đó, doanh nghiệp đầu ngành cảng biển là Công ty cổ phần Gemadept (mã chứng khoán GMD) được SSI kỳ vọng sẽ giữ đà tăng trưởng trong quý 3/2021, với lợi nhuận ước tính đạt 174 tỷ đồng, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trên thị trường chứng khoán, các cổ phiếu doanh nghiệp cảng biển tăng trưởng rất mạnh nhờ kết quả kinh doanh tích cực và triển vọng sáng của ngành.

Cụ thể, GMD chốt phiên 26/10 có giá 50.400 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 52% so với chốt phiên giao dịch đầu năm (4/1). Tương tự, các mã cổ phiếu cảng biển như: HAH tăng gần 282%, SGP tăng 237%, PHP tăng hơn 88,6%, DVP tăng hơn 28%, TCL tăng 30%, VSC tăng gần 26%, CLL tăng gần 12%./.

 

Nguồn: vietnamplus.vn

Viết bình luận mới