Doanh nghiệp bán lẻ đón đầu xu hướng mua sắm cuối năm

26/11/2023 07:36

Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán nên tại các địa phương, doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn nguồn hàng phục vụ cho dịp quan trọng này. Cùng đó, các kênh bán lẻ Việt đã bung khuyến mại nhằm đón đầu xu hướng mua sắm sôi động của thị trường nội địa thời điểm cuối năm.

Chú thích ảnh

Người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh ưu tiên mua sắm những sản phẩm giảm giá, khuyến mãi. Ảnh tư liệu: Mỹ Phương/TTXVN

Các chuyên gia thương mại dự kiến từ nay đến cuối năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có thể tăng trở lại khi kinh tế trong nước đang dần hồi phục, giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh, nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng như chương trình khuyến mại tập trung quốc gia, tháng khuyến mại tại nhiều địa phương, hội chợ hàng hóa Tết… 

Theo các chuyên gia, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 dự báo nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu sẽ tăng cao so với ngày thường nên nhiều doanh nghiệp đã triển khai phương án nhập hàng, đàm phán với nhà cung cấp để sẵn sàng phục vụ người tiêu dùng.

Bắt nhịp thị trường, các đơn vị lớn như Saigon Co.op, Aeon, Lotte Mart, Winmart, MM Mega Market... đã và đang liên tục thực hiện những đợt khuyến mãi lớn, kéo dài ở tất cả các ngành hàng.

Đơn cử, tối 24/11 tại Big C Thăng Long, chuỗi sự kiện khuyến mại “Hà Nội đêm không ngủ - HaNoi Midnight Sale” và “Online xuống phố” năm 2023 đã chính thức khởi động. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các chương trình khuyến mại tập trung Thành phố Hà Nội 2023.

Tại sự kiện, rất nhiều doanh nghiệp đã đồng hành và tham gia nhiều năm liên tiếp, tiêu biểu như hệ thống siêu thị Big C – Tập đoàn Central Retail cho biết vào dịp này, hệ thống Big C luôn đạt doanh thu tăng hơn 200% so với ngày thường. Năm nay, Big C triển khai nhiều chương trình ưu đãi đặc biệt được chuẩn bị kỹ lưỡng, kết hợp với khu trưng bày flashsale tại siêu thị sẽ góp phần thúc đẩy mức tăng trưởng hơn từ 20% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng nằm trong chuỗi hoạt động thuộc Chương trình Tháng Khuyến mại Hà Nội năm 2023, tính riêng vào hai ngày thứ 7, chủ nhật tuần thứ 2 của tháng 11 (tức ngày 11, 12/11), sự kiện “Ngày Vàng giá shock” đã được triển khai đồng loạt tại 50 “Điểm Vàng” của chương trình là các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng lớn tại Hà Nội như: Mediamart, BRGmart, Big C, MM Megamarket, Nguyễn Kim, Vultex, Saigon Co.opmart, Doji, Lan Chi, Hiền Lương, Winmart, Đức Thịnh…

Ngoài ra, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đang phối hợp với MM Mega Market Việt Nam triển khai Chương trình “Đánh bại lạm phát, Mua hàng bình ổn, Tiết kiệm thông minh” với hơn 1.000 mặt hàng bình ổn giá.

Danh mục 1.000 mặt hàng hàng bình ổn giá trải rộng từ bánh tươi, thực phẩm chế biến, nước giải khát, vật dụng gia đình, bánh – kẹo – ngũ cốc, thực phẩm và nhu yếu phẩm… Đây là chương trình MM Mega Market Việt Nam kết hợp cùng các nhà cung cấp lớn trong nước thực hiện nhằm đánh bại lạm phát, bình ổn giá, hỗ trợ người tiêu dùng mua sắm thông minh trước làn sóng tiêu dùng cuối năm.

Đại diện phía doanh nghiệp, ông Vũ Thanh Sơn - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết Giáp Thìn 2024, các đơn vị trực thuộc và Công ty thành viên Hapro đã lên kế hoạch dự trữ hàng phục vụ với số lượng hàng hóa trị giá 1.000 tỷ đồng.

Cụ thể, bao gồm lượng hàng hóa tham gia chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố Hà Nội như gạo, thịt lợn, thịt gà, trứng, thủy hải sản, dầu ăn, rau củ, thực phẩm chế biến, bánh mứt kẹo… Ngoài ra, Hapro còn dự trữ thêm nhóm mặt hàng như măng, miến, mộc nhĩ... và các loại quả, hạt khô phục vụ Tết, các mặt hàng khác như đồ gia dụng.

Nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong giai đoạn trước, trong và sau Tết Giáp Thìn 2024, tại hệ thống siêu thị GO!, Big C (thuộc Tập đoàn Central Retail), ngay từ tháng 9, đơn vị đã thỏa thuận ký kết với đối tác cung ứng hàng hóa phục vụ Tết với lượng hàng hóa tăng 20% so với năm 2023.
Hay tại hệ thống siêu thị Co.op Mart toàn quốc đang tích cực chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết. Năm nay, lượng hàng tại hệ thống siêu thị tăng khoảng 30% so với cùng kỳ và tăng 50% so với ngày bình thường. 

Ngoài ra, để hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, hệ thống siêu thị Co.opmart đã kết hợp nhiều dòng sản phẩm của các thương hiệu Việt và nhãn hàng riêng của Saigon Co.op đáp ứng đủ mọi phân khúc tiêu dùng. Đặc biệt, còn dành riêng một khu vực để doanh nghiệp giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm). Hệ thống đã chuẩn bị nguồn hàng từ 3 tháng trước. Saigon Co.op cũng tính toán lại giá cả, cân đối thu chi nhằm mang đến nguồn hàng phong phú nhưng có giá ổn định, cùng nhiều ưu đãi. 

Tương tự, các hệ thống siêu thị khác như MM Mega Market, Satra, Aeon, Hapro/BRG Mart, Central Retail… cũng tấp nập các đơn hàng lớn, chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm.

Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, nhằm đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm, nhất là Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh đã làm việc với đơn vị để bình ổn thị trường; tập trung tổ chức chương trình khuyến mại, thực hiện chương trình, kết nối cung cầu; trong đó, đặc biệt chú ý liên kết vùng. Đồng thời, phối hợp với các tỉnh thành tạo nguồn hàng hóa dịp cuối năm, bảo đảm chất lượng hàng hóa, làm sao đem chất lượng tốt nhất cho người tiêu dùng.

Riêng Tp. Hồ Chí Minh, các tháng Tết, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 25 - 43% nhu cầu thị trường, bình quân mỗi tháng dự kiến cung ứng 5.000 tấn gạo, 70 triệu quả trứng gia cầm, 2.000 tấn đường, 1.000 tấn thực phẩm chế biến, 2.000 tấn dầu ăn, 10.000 tấn rau củ quả, 6.000 tấn thịt gia súc, 8.000 tấn thịt gia cầm, 200 tấn thuỷ hải sản...

Tại Đà Nẵng, đến thời điểm này, Sở Công Thương đã chuẩn bị phương án bảo đảm cung ứng hàng hóa, ổn định thị trường mặt hàng thực phẩm thiết yếu dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; kết nối doanh nghiệp phân phối, nhà cung cấp thực phẩm thiết yếu, tạo nguồn hàng bình ổn thị trường phục vụ Tết. 

Từ nay đến cuối năm, Sở Công Thương Đà Nẵng sẽ tổ chức một số sự kiện như phiên chợ thanh toán không tiền mặt kết hợp phát động “Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday” từ ngày 1 đến 3/12 với quy mô 50 gian hàng; phát động Tháng khuyến mại kích cầu mua sắm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đợt 2/2023 từ ngày 4/12/2023 đến 4/2/2024. Cùng đó là chương trình quảng bá Sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng - Đà Nẵng 2023 (đợt 3) từ ngày 5 đến 7/12… Đặc biệt, từ ngày 23 đến 28/1/2024 tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Đà Nẵng (số 9, đường Cách mạng Tháng Tám) dự kiến có 250 gian hàng của doanh nghiệp trong và ngoài thành phố tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm Hội chợ Xuân Đà Nẵng 2024…

Tuy nhiên, trước nhận định thị trường cuối năm và Tết sắp tới sẽ có nhiều biến động khó lường, các doanh nghiệp làm hàng Tết đều thận trọng khi tăng nguồn cung cũng như giữ nguyên giá khi đưa hàng đến người tiêu dùng. Do ảnh hưởng tình hình kinh tế, việc làm nhiều khó khăn trong suốt năm 2023, Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) phải tính toán kỹ lưỡng với kế hoạch làm hàng Tết và dành ngân sách hơn 540 tỷ đồng để dự trữ lượng hàng Tết 2024, tương đương sản lượng thực hiện cùng kỳ Tết 2023. 

Cụ thể, Vissan sẽ đưa ra thị trường gần 1.100 tấn thực phẩm tươi sống, tăng 5% so với cùng kỳ và 3.800 tấn thực phẩm chế biến; đồng thời dự trữ thêm từ 10 - 20% sản lượng hàng hóa để dự phòng trường hợp thiếu hụt.

Theo ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Công ty Vissan, từ tháng 6/2023, công ty đã bắt đầu dự trữ nguyên vật liệu, chuẩn bị tốt nguồn hàng hóa phục vụ cho thị trường cuối năm và Tết 2024. 

“Nhằm chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng, năm nay công ty cam kết không tăng giá, mà còn triển khai nhiều chương khuyến mãi, giảm giá từ 10 - 20% thường xuyên vào các ngày cuối tuần và sẽ nâng mức giảm giá lên đến 30% trong những ngày sát Tết”, ông Nguyễn Ngọc An nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam (AVR) cho rằng: Để thị trường nội địa duy trì đà tăng mạnh mẽ cần các chính sách tập trung vào doanh nghiệp cũng như quy hoạch tổng thể lại cung cầu nguồn nguyên liệu trên quy mô toàn quốc để nguồn cung trong nước không cạnh tranh lẫn nhau mà phát huy giá trị cốt lõi. 

Theo bà Lê Việt Nga- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, nhất là trong dịp lễ, Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

Mặt khác, Bộ sẽ chỉ đạo Sở Công Thương các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa, triển khai chương trình bình ổn thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu người dân trong những tháng cuối năm và dịp cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Bên cạnh đó, Bộ sẽ triển khai kịp thời và hiệu quả chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước nhằm tận dụng hiệu quả mùa vàng mua sắm cuối năm để thúc đẩy tăng trưởng thị trường nội địa.

 

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới