Đến năm 2030, xuất khẩu rau sẽ vượt 1 tỷ USD

21/11/2023 15:49

Đến năm 2030, sản lượng rau cả nước đạt từ 23 - 24 triệu tấn; trong đó, sản lượng rau phục vụ chế biến khoảng 1 - 1,3 triệu tấn. Giá trị kim ngạch xuất khẩu rau đạt khoảng 1 - 1,5 tỷ USD.

Chú thích ảnh

Phân loại sản phẩm cà rốt xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Nông sản Hưng Việt, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

   

Trên đây là những mục tiêu của Đề án Phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2030 mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới phê duyệt. Đề án nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của từng địa phương; phục vụ nhu cầu sử dụng rau ngày càng đa dạng của người tiêu dùng trong nước và quốc tế; cũng như khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển sản xuất, chế biến rau.

Theo đó sẽ phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ nhằm đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng rau trong nước và một phần xuất khẩu, phát triển bền vững ngành hàng rau; góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Đến năm 2030, định hướng diện tích rau cả nước đạt khoảng 1,2 - 1,3 triệu ha. Diện tích rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc cả nước khoảng 360.000 - 400.000 ha; trong đó, diện tích rau phục vụ chế biến khoảng 50.000 - 60.000 ha, với các loại như: cà chua, dưa chuột, ớt cay, khoai tây, một số loại rau cải...

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác định quy mô vùng sản xuất rau tập trung trong phương án Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch có liên quan khác.

Đồng thời, thực hiện chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp định hướng quy mô vùng trồng rau, ưu tiên tại các vùng tập trung; thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết sản xuất rau từ xây dựng vùng trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Các địa phương cần thực hiện đồng bộ giải pháp hỗ trợ phát triển hợp tác xã cả về chiều rộng và chiều sâu, đặc biệt chú trọng hỗ trợ thành lập mới và nâng cao năng lực cho các thành viên Hợp tác xã sản xuất rau an toàn để xây dựng mối liên kết bền vững giữa doanh nghiệp với hộ sản xuất rau.

Đối với hộ gia đình sản xuất rau, cần liên kết với doanh nghiệp thông qua hợp tác xã và tổ hợp tác để sản xuất rau tại các vùng tập trung, gắn với tiêu thụ sản phẩm; xây dựng mã số vùng trồng, bảo đảm truy xuất nguồn gốc; tham gia các khóa đào tạo, tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ về quy trình sản xuất rau an toàn, sơ chế, bảo quản rau.

Về thị trường tiêu thụ, đối với thị trường trong nước, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình xây dựng thương hiệu sản phẩm rau an toàn, gắn với mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý; đa dạng hóa các kênh phân phối rau an toàn, hình  thành các sàn giao dịch; đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, triển lãm, quảng bá, xúc tiến thương mại,... để người tiêu dùng có đủ thông tin về sản phẩm rau Việt Nam…

Đối với thị trường xuất khẩu, tiếp tục giữ vững những thị trường tiêu thụ rau truyền thống, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến mở rộng các thị trường mới; chủ động đàm phán tháo gỡ rào cản thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm rau Việt Nam được tiêu thụ rộng trên thị trường thế giới.

Cục Trồng trọt sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn địa phương triển khai thực hiện Đề án; đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách phát triển rau an toàn…

Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với Cục Trồng trọt hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện đề án, xây dựng mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu. Cục chủ trì rà soát tham mưu trình Bộ ban hành danh mục thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích sinh trưởng được phép lưu hành phù hợp với thông lệ quốc tế và các nước nhập khẩu rau; giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật…

 

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới