Cơ hội phát triển thương mại tại Trung Đông - châu Phi

23/06/2019 11:35

Trung Đông – châu Phi là hai khu vực thị trường còn nhiều tiềm năng mở rộng hợp tác và phát triển thương mại cho doanh nghiệp Việt Nam. Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo triển vọng hợp tác và phát triển thương mại tại khu vực Trung Đông – châu Phi do Bộ Công Thương tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, ngày 21/6.

 

Chú thích ảnh

Tập kết, vận chuyển vải đi tiêu thụ ở huyện Thanh Hà (Hải Dương). Ảnh: Đình Huệ/TTXVN

Bà Phạm Hoài Linh, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi thông tin, Trung Đông gồm 15 quốc gia với tổng dân số khoảng 320 triệu người. Đây là khu vực có nền kinh tế phát triển nhanh với thu nhập bình quân đầu người thuộc hàng cao nhất thế giới, có quốc gia đạt tới hơn 66.000 USD/người/năm nên sức mua và khả năng thanh toán của các khách hàng ở khu vực này ngày càng gia tăng.

Đặc biệt, do điều kiện tự nhiên không phù hợp cho sản xuất nông nghiệp nên nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm của khu vực này rất cao. Trung Đông hiện nhập khẩu tới 80% hàng hóa lương thực, thực phẩm, tương đương khoảng 40 tỷ USD/năm và dự báo đến năm 2035 sẽ tăng lên 70 tỷ USD.

Theo bà Phạm Hoài Linh, Việt Nam và các nước Trung Đông có quan hệ ngoại giao, hợp tác hữu nghị truyền thống nhiều năm, khuôn khổ pháp lý cho phát triển và tăng cường hợp tác khá đầy đủ. Thêm vào đó cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu của khu vực này với Việt Nam mang tính bổ sung cho nhau.

Những mặt hàng Trung Đông cần đều sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam và ngược lại, những sản phẩm xuất khẩu của Trung Đông là nhóm hàng Việt Nam đang có nhu cầu cao. Mặc dù vậy, kết quả trao đổi thương mại thời gian qua chưa tương xứng với nhu cầu và khả năng của hai bên. Năm 2018, kim ngạch thương mại Việt Nam – Trung Đông mới đạt gần 14 tỷ USD; trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 8,7 tỷ USD và nhập khẩu hơn 5 tỷ USD.

Là khu vực tập có sức mua và khả năng tài chính cao nên đây cũng là khu vực có yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa khá cao. Chính vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam muốn đẩy mạnh xuất khẩu vào Trung Đông cần tập trung cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời, nghiên cứu, đổi mới quy cách, mẫu mã phù hợp với tập quán tiêu dùng của các nước, đặc biệt lưu ý tới tiêu chuẩn Halal dành cho người Hồi giáo.

Bên cạnh đó, Trung Đông cũng là nơi tiềm ẩn nhiều bất ổn về an ninh – chính trị có nhiều xung đột về tôn giáo, sắc tộc và tập quán kinh doanh khác biệt, tồn tại tình trạng cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng để lừa đảo thương mại. Chính vì vậy doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ, xác định thị trường mục tiêu và kiểm chứng thông tin về đối tác trước khi tiến hành hợp tác, giao dịch.

Phân tích thị trường châu Phi, bà Nguyễn Minh Phương, Trưởng phòng Tây Á- châu Phi, Bộ Công Thương cho biết, châu Phi gồm 55 quốc gia với dân số khoảng 1,3 tỷ người là một khu vực có nguồn tài nguyên dồi dào nhưng sản xuất chưa phát triển, do đó nhu cầu hàng tiêu dùng, lương thực rất lớn. Mặt khác, đây cũng là nơi cung cấp các nguyên liệu thiên nhiên và nông sản thô phục vụ ngành sản xuất, chế biến của Việt Nam.

Việt Nam hiện xuất khẩu gạo, điện thoại và các linh kiện điện tử, hàng thủy sản, cà phê, sản phẩm may mặc, giày dép và nhập từ châu Phi hạt điều nguyên liệu, bông, gỗ, nguyên phụ liệu và thức ăn gia súc. Đáng chú ý, mặc dù nhu cầu nhập khẩu của thị trường này ngày càng tăng, yêu cầu về các tiêu chuẩn hàng hóa khá dễ tính so với các khu vực khác nhưng hiện nay Việt Nam đang nhập siêu từ châu Phi gần 1 tỷ USD mỗi năm.

Theo bà Nguyễn Minh Phương, tiềm năng xuất khẩu vào châu Phi còn rất lớn, gạo, cà phê, tinh bột sắn sẽ là những sản phẩm mà châu phi có nhu cầu cao trong những năm tới với mức tăng mỗi năm từ 10 - 20%. Tuy nhiên  đây cũng là khu vực thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro do khác biệt về văn hóa, tập quán kinh doanh, thói quen thanh toán. Ngoài ra, việc thiếu thông tin thị trường và khoảng cách địa lý cùng một số rào cản về mặt bảo hộ thương mại cũng khiến việc phát triển thị trường châu Phi gặp khó khăn.

Để khai thác được tiềm năng của thị trường này, doanh nghiệp cần tích cực cập nhật thông tin thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, có chiến lược và phương thức tiếp cận phù hợp. Doanh nghiệp cũng có thể hướng tới giải pháp xuất khẩu đầu tư, mở văn phòng đại diện hoặc xây dựng kho ngoại quan để thuận lợi trong việc xuất khẩu vào châu Phi.

Bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi cho biết, Trung Đông và châu Phi với khoảng 70 quốc gia là khu vực thị trường có nhiều tiềm năng để Việt Nam đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư. Năm 2018, trao đổi thương mại giữa Việt Nam với châu Phi – Trung Đông đạt 17 tỷ USD. Trong 5 tháng đầu năm 2019, kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam với châu Phi – Trung Đông đạt khoảng 8,3 tỷ USD.

Châu Phi là thị trường xuất khẩu quan trọng của các mặt hàng nông sản, sản phẩm tiêu dùng, hàng gia dụng, đồng thời là nơi cung ứng nguyên liệu đầu vào cho các ngành gỗ, bông, hạt điều, kim loại của Việt Nam. Còn Trung Đông là thị trường xuất khẩu thủy sản, hạt điều, tiêu, cà phê, sản phẩm dệt may, vật liệu xây dựng và cung ứng cho Việt Nam các mặt hàng dầu mỏ, khí đốt, hóa chất, chất dẻo…

Trong bối cảnh cạnh tranh thương mại ngày càng mạnh mẽ thì việc khai thác những khu vực thị trường còn nhiều dư địa và phù hợp với năng lực sản xuất của Việt Nam như Trung Đông – châu Phi là hết sức quan trọng để nâng cao giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, để khắc phục những sự khác biệt về văn hóa, tôn giáo, khoảng cách địa lý, các doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu thị trường, có chiến lược kinh doanh phù hợp để hạn chế rủi ro và phát huy thế mạnh của mình trong việc chinh phục thị trường.

 

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới