CNBC: Việt Nam chính thức trở thành “vua sầu riêng” thế giới
10/01/2025 13:22
Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam tăng gấp 7,8 lần so với năm 2022, chiếm gần 50% tổng giá trị xuất khẩu rau quả, chủ yếu nhờ vào nhu cầu cao từ thị trường Trung Quốc.
Công đoạn sơ chế sầu riêng đông lạnh xuất khẩu tại Đắk Lắk. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)
Theo báo cáo từ các nhà đầu tư, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đã tăng gấp 7,8 lần so với năm 2022, chiếm gần 50% tổng giá trị xuất khẩu rau quả.
Thành công này chủ yếu nhờ vào nhu cầu cao từ thị trường Trung Quốc, nơi sầu riêng được coi là trái cây xa xỉ và nguyên liệu sáng tạo trong ẩm thực.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang cố gắng vượt qua Thái Lan để trở thành quốc gia xuất khẩu sầu riêng lớn nhất sang Trung Quốc.
Cụ thể, tháng 11/2024, Trung Quốc đã nhập khẩu 1,53 triệu tấn sầu riêng với trị giá 6,83 tỷ USD từ các vựa hoa quả trên thế giới, tăng 9,4% so với năm trước. Trong đó, Việt Nam chiếm 47% thị phần tại thị trường này, tiến gần đến vị trí dẫn đầu của Thái Lan.
Sầu riêng đã trở thành trào lưu trong giới trung lưu Trung Quốc, với nhiều sản phẩm sáng tạo như lẩu sầu riêng, bánh mì sầu riêng và các bữa tiệc buffet theo chủ đề sầu riêng ngày càng thu hút người tiêu dùng.
Việt Nam đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội này bằng cách sản xuất sầu riêng ổn định quanh năm với chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường cao cấp.
Mặt khác, Indonesia vẫn gặp khó khăn trong việc bắt kịp. Theo số liệu từ Cơ quan Thống kê Trung ương Indonesia (BPS), giá trị xuất khẩu sầu riêng của nước này trong năm 2023 chỉ đạt 1,07 triệu USD, thấp xa so với thành tích của Việt Nam.
Mặc dù có sự tăng trưởng so với những năm trước, nhưng xuất khẩu sầu riêng của Indonesia vẫn chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
CNBC đánh giá, Việt Nam đã đạt được thành công vượt trội nhờ vào chiến lược tổng thể bao gồm nâng cao chất lượng, đổi mới công nghệ và mở rộng thị trường quốc tế.
Với diện tích trồng sầu riêng lên tới 150.000ha, Việt Nam tận dụng hiệu quả các khu vực như Đồng bằng sông Cửu Long và các vùng cao để sản xuất sầu riêng chất lượng cao quanh năm.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã ký kết thỏa thuận thương mại chiến lược với Trung Quốc qua nghị định thư xuất khẩu năm 2022, cam kết đảm bảo chất lượng sản phẩm theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm, theo dõi sản phẩm và áp dụng công nghệ đông lạnh hiện đại.
Năm 2024, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam ước tính sẽ đạt 4,3 tỷ USD, trở thành một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của quốc gia. Tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024 ước tính tăng 14,3%, đạt 405,53 tỷ USD.
Việt Nam đã chứng minh với thế giới rằng với chiến lược rõ ràng, trái cây địa phương có thể vươn ra thế giới và trở thành sản phẩm có giá trị cao./.
Nguồn: vietnamplus.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Ổn định kinh tế vĩ mô và hạ tầng là đòn bẩy cho thị trường bất động sản
Thời kỳ Trump 2.0: Thách thức lớn cho Việt Nam nhưng cơ hội vẫn còn
Shinhan Life Việt Nam chung tay vì sự phát triển bền vững của cộng đồng
Truyền thông Pháp: Với một Chính phủ chủ động, nền kinh tế Việt Nam đang trên đà vượt kỳ vọng
Việt Nam-Lào: Hợp tác thúc đẩy phát triển bền vững
Kỳ vọng đột phá trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Việt Nam-Lào
Tỷ giá ngoại tệ ngày 9/1: Giá đồng USD và nhân dân tệ biến động trái chiều
Giá vàng miếng SJC tăng 500.000 đồng mỗi lượng theo đà thế giới
An Giang: Mức thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ cao nhất đạt 123 triệu đồng
Thị trường hàng hóa: Sắc đỏ bao phủ bảng giá nhóm nông sản