Chuyển giao 18 tập đoàn và tổng công ty về Bộ Tài chính
01/03/2025 11:57
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã phê duyệt chủ trương chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 18 Tập đoàn, Tổng công ty từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về Bộ Tài chính.
Lễ ký kết chuyển giao quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước từ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về Bộ Tài chính. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 1661/VPCP-ĐMDN truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc về chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 18 Tập đoàn, Tổng công ty từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về Bộ Tài chính.
Xét đề nghị của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (văn bản số 283/TTr-UBQLV về việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm đại diện chủ sở hữu về Bộ Công an và Bộ Tài chính) và Bộ Tài chính (văn bản số 51/TTr-BTC về việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 18 Tập đoàn, Tổng công ty từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về Bộ Tài chính), trên cơ sở các kết luận, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền và Nghị quyết số 38/NQ-CP của Chính phủ về việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 7 Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước là công ty cổ phần, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc có ý kiến như sau:
Phê duyệt chủ trương chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 18 Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về Bộ Tài chính.
Việc chuyển giao đối với 11 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục, quy định tại Nghị định số 23/2022/NĐ-CP của Chính phủ và các quy định pháp luật có liên quan.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Tài chính chủ trì, chỉ đạo các Tập đoàn, Tổng công ty, thực hiện chuyển giao đúng thời hạn yêu cầu của cấp có thẩm quyền, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định pháp luật, Nghị quyết số 38/NQ-CP của Chính phủ; việc quản lý vốn nhà nước phải hiệu quả hơn và không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm, vi phạm pháp luật; không làm thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước và doanh nghiệp./.
Danh sách các Tập đoàn, Tổng công ty thực hiện chuyển giao:
Các Tập đoàn, Tổng công ty do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (11 doanh nghiệp)
1. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam,
2. Tập đoàn Điện lực Việt Nam,
3. Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam,
4. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam,
5. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam,
6. Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước,
7. Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam,
8. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam,
9. Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam,
10. Tổng công ty Càphê Việt Nam,
11. Tổng công ty Lương thực miền Bắc.
Các Tập đoàn, Tổng công ty là công ty cổ phần (7 doanh nghiệp)
1. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam,
2. Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam,
3. Tổng công ty Hàng không Việt Nam,
4. Tổng công ty Hàng hải Việt Nam,
5. Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam,
6. Tổng công ty Lương thực miền Nam,
7. Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam.
Nguồn: vietnamplus.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Cần Thơ phát hiện 3 mẫu sữa không đạt chất lượng
Nền kinh tế lớn nhất châu Âu có thể thiệt hại 330 tỷ USD do thuế quan
Giá gạo Ấn Độ giảm xuống mức thấp nhất 5 tháng
Giá vàng cuối tuần giảm mạnh, thương hiệu SJC ”bốc hơi” 6 triệu đồng mỗi lượng
Tăng cường hợp tác giữa Hà Nội với các địa phương và doanh nghiệp tại Séc
Bộ Công Thương tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bị áp thuế đối ứng
Bộ Công Thương yêu cầu kiểm tra thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sữa và thuốc giả
Triển vọng lạc quan về thỏa thuận thương mại Mỹ-Liên minh châu Âu
Tỷ giá ngày 18/4: Các ngân hàng thương mại tiếp tục tăng giá đồng USD
Mỹ đề xuất áp thuế mới với thiết bị hàng hải Trung Quốc