Chống lãng phí đất đai, bất động sản: Cần giải quyết gốc rễ định giá đất

20/02/2025 08:15

Để thị trường bất động sản phát triển khỏe mạnh, bền vững, Nhà nước cần tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc đang tồn tại về vấn đề định giá đất; kiên quyết chống lãng phí đất đai, bất động sản.

(Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+)

(Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+)

 

Theo nhận định của giới chuyên gia, thị trường bất động sản Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội tăng trưởng trong kỷ nguyên mới. Tuy nhiên để nắm bắt được cơ hội, khơi thông nguồn lực, giải pháp quan trọng với các địa phương là cần xử lý triệt để các vướng mắc đang “cản trở” thị trường như vấn đề về định giá đất; quyết tâm chống lãng phí đất đai, bất động sản, tài sản công và đầu tư công, để tạo ra động lực tăng trưởng kinh tế, cũng như giúp thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, minh bạch hơn.

Cần sớm giải quyết “gốc rễ” vướng mắc

Bàn về vấn đề trên, Tiến sỹ Nguyễn Văn Khôi, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho rằng ngành bất động sản có đóng góp lớn vào GDP và có tác động lan tỏa mạnh mẽ đến các ngành kinh tế khác. Vì vậy, để thị trường bất động sản phát triển khỏe mạnh, bền vững, yêu cầu đặt ra là cần tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc đang tồn tại.

Cụ thể, theo ông Khôi, vướng mắc lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay liên quan đến vấn đề định giá đất. Tại nhiều địa phương, nhiều dự án bất động sản vẫn chưa thể triển khai do vướng mắc trong khâu định giá đất và tính tiền sử dụng đất.

Thực tế cho thấy việc xác định giá đất để tính nghĩa vụ tài chính cho doanh nghiệp chưa thống nhất, đã dẫn đến tình trạng chậm trễ trong phê duyệt và triển khai dự án. Thậm chí, một số dự án dù đã hoàn thành các thủ tục đầu tư nhưng vẫn phải chờ hướng dẫn cụ thể về cách tính tiền sử dụng đất. Điều này khiến doanh nghiệp mất thêm thời gian điều chỉnh kế hoạch tài chính, dẫn tới dự án bị tắc nghẽn.

“Vì vậy, ưu tiên hàng đầu hiện nay là tập trung tháo gỡ vướng mắc định giá đất, để hỗ trợ doanh nghiệp sớm triển khai dự án, qua đó góp phần thúc đẩy nguồn cung bất động sản và sự hồi phục, phát triển của thị trường bất động sản,” ông Khôi chia sẻ.

 

Đây không chỉ là nhiệm vụ cấp bách mà còn là chìa khóa để Việt Nam mạnh mẽ vươn mình, trở thành nước phát triển, sánh vai cùng các cường quốc năm châu như di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo đó, ông Khôi kiến nghị các bộ, ngành cần tư vấn cụ thể về các phương pháp định giá đất cho các địa phương, cũng như quy định cụ thể về các trường hợp áp dụng theo Nghị định số 71/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định về giá đất.

“Vấn đề ở đây là quy trình xác định trách nhiệm của tổ chức tư vấn, của cấp cao nhất là chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh, chịu trách nhiệm với Chính phủ. Trước khi tổ chức tư vấn đưa ra giá cụ thể, cấp có thẩm quyền phải thống nhất, đối với dự án cụ thể, thì phương pháp định giá đất là gì, cơ sở nào để áp dụng phương pháp này, từ đó mới bắt đầu tiếp tục giai đoạn tính toán giá đất cụ thể,” ông Khôi nêu quan điểm.

Tuy vậy, ông Khôi cũng lưu ý hiện khâu tính toán giá đất cụ thể vẫn chưa có quy định cụ thể. Vì vậy, cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực đất đai cần cần làm việc với các địa phương để xem xét, lựa chọn phương pháp định giá đất phù hợp, bởi đây chính là "gốc rễ" để giải quyết vướng mắc định giá đất tại các địa phương hiện nay.

Phải kiên quyết chống lãng phí

Tiến sỹ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ Quốc gia, cũng nhấn mạnh thị trường bất động sản Việt Nam đang bước vào một kỷ nguyên mới với nhiều cơ hội và thách thức.

vnp-bat-dong-san.jpg

(Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+)

“Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang chậm lại, Việt Nam lại đặt ra mục tiêu tăng trưởng cao hơn năm 2024. Điều này tất nhiên là áp lực rất lớn, nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội cho nền kinh tế và thị trường bất động sản,” ông Lực nhìn nhận.

Vì vậy, để thúc đẩy sự phát triển bền vững và lành mạnh của thị trường bất động sản, ông Lực cho rằng Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về đất đai, xây dựng và bất động sản (nhất là ban hành các hướng dẫn chi tiết cho các luật và nghị quyết mới theo hướng rõ ràng, nhất quán) đồng thời cần tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan, kịp thời tháo gỡ vướng mắc và có chế tài xử lý vi phạm chặt chẽ.

Một trong những ưu tiên hàng đầu là cần có giải pháp cụ thể và khả thi nhằm ổn định và hạ nhiệt mặt bằng giá bất động sản, đặc biệt là phân khúc nhà ở vừa túi tiền, bình dân. Để làm được điều này, Nhà nước cần tập trung xử lý những bất cập lớn đã được chỉ ra, từ pháp lý, chi phí đầu vào, cung - cầu đến vấn đề đầu cơ và quản lý thuế.

Nhà nước cũng cần đa dạng hóa nguồn vốn và phát triển tài chính bất động sản (trong đó, các công cụ tài chính như thị trường trái phiếu doanh nghiệp, quỹ phát triển nhà ở xã hội, quỹ đầu tư tín thác bất động sản cần được thúc đẩy mạnh mẽ); đẩy nhanh quá trình thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch bất động sản, kết hợp với lộ trình đánh thuế bất động sản hợp lý để tăng cường tính minh bạch trên thị trường.

Đặc biệt, thời gian tới cần quyết tâm chống lãng phí, nhất là trong lĩnh vực đất đai, bất động sản, tài sản công và đầu tư công. Theo ông Lực, việc xử lý triệt để dự án tồn đọng, kiểm soát chặt chẽ nguồn lực đất đai sẽ tạo ra động lực tăng trưởng kinh tế, cũng như giúp thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, minh bạch hơn.

Song song với đó, cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai, nhà ở, bất động sản cũng cần phải xây dựng lộ trình cụ thể để thiết lập cơ sở dữ liệu về đất đai, bất động sản, hoàn thiện cơ chế quản lý và sử dụng nguồn dữ liệu này.

Ông Lực cũng cho rằng để thích ứng với bối cảnh thị trường đầy biến động, các doanh nghiệp bất động sản cần tiếp tục tái cấu trúc hoạt động, đồng thời kiểm soát chặt chẽ rủi ro dòng tiền và nợ đáo hạn nhằm đảm bảo sự ổn định tài chính.

“Doanh nghiệp nên chủ động tìm hiểu và tiếp cận các chương trình, gói hỗ trợ, đặc biệt là các chính sách về nhà ở xã hội, đầu tư hạ tầng, cũng như các nghị quyết mới. Đồng thời cần đa dạng hóa nguồn vốn và sản phẩm là yếu tố then chốt để giảm phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng, từ đó đưa giá bất động sản về mức hợp lý hơn, tạo điều kiện cho thị trường phát triển bền vững,” ông Lực gợi ý.

Bên cạnh đó, theo ông Lực, doanh nghiệp bất động sản cũng cần đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển bất động sản xanh, để ngành bất động sản thích ứng được với xu hướng phát triển của tương lai. Quan trọng hơn là nâng cao năng lực quản trị, xây dựng văn hóa doanh nghiệp vững mạnh, chuẩn hóa quy trình, sản phẩm và nhân sự theo các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản mới./.

Nguồn: vietnamplus.vn 

Viết bình luận mới