"Cấp bách khôi phục sản xuất, đảm bảo đủ thực phẩm cho cuối năm"

17/09/2024 16:48

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị với Chính phủ sẽ có một nghị quyết chuyên đề về hỗ trợ phục hồi sản xuất sau cơn bão số 3.

Khu nuôi trồng thủy sản, đê kè biển và các hoạt động khác tại vùng biển huyện Kim Sơn. (Ảnh: Hải Yến/TTXVN)

Khu nuôi trồng thủy sản, đê kè biển và các hoạt động khác tại vùng biển huyện Kim Sơn. (Ảnh: Hải Yến/TTXVN)

 

Bão số 3 và mưa lũ sau bão đã làm trên 3.700 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; trên 26.000 con gia súc, trên 2,9 triệu con gia cầm bị chết. Đây cũng chính là thiệt hại về nguồn cung thực phẩm lớn cho cuối năm.

Trước tình hình này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến về việc sớm khôi phục sản xuất trong chăn nuôi và thủy sản để đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho trước, trong và sau Tết.

- Thứ trưởng đánh giá thế nào về thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra ở Bắc Bộ vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có định hướng gì trong khôi phục sản xuất?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Bão số 3 và mưa lũ sau bão đã gây thiệt hại, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Đây cũng là hai lĩnh vực có tăng trưởng cao nhất trong các lĩnh vực của ngành nông nghiệp. Tính toán sơ bộ bước đầu, thủy sản thiệt hại khoảng 2.500 tỷ đồng, chăn nuôi cũng khoảng 2.000 tỷ đồng. Tính chung cả ngành nông nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự tính suy giảm nông nghiệp sẽ khoảng 0,33%.

Với kinh nghiệm ứng phó bão lũ miền Trung cuối năm 2020 và dịch tả lợn châu Phi từng xảy ra, để nhanh chóng khôi phục sản xuất nếu hỗ trợ theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh sẽ không phù hợp với tình hình thực tiễn. Do vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị với Chính phủ sẽ có một nghị quyết chuyên đề về hỗ trợ phục hồi sản xuất sau cơn bão số 3. Đây là một văn bản rất quan trọng để đạt được mục tiêu phục hồi sản xuất nông nghiệp.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có đề xuất Chính phủ như thế nào trong việc khoanh nợ, giãn nợ hay là thực hiện các quyền lợi bảo hiểm cho các chủ trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Đầu tư cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản rất lớn. Với quy mô lớn, phương thức chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản rất hiện đại, đặc biệt là nuôi biển, nhiều hộ gia đình đã phải vay vốn rất lớn. Thiệt hại vừa qua, có những hộ gia đình mất vài chục tỷ đến hàng trăm tỷ đồng. Để sớm hỗ trợ người dân phục hồi sản xuất, như tôi đã chia sẻ là sẽ có nghị quyết của Chính phủ về chuyên đề này.

Về tổ chức thực hiện, Bộ trưởng sẽ giao cho các Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực họp với các địa phương, các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng để hỗ trợ các giải pháp về kỹ thuật, con giống, vật tư sản xuất, thức ăn, thuốc…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đề xuất Chính phủ hoãn, giãn nợ và có những hỗ trợ nhất định đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình và đặc biệt phải tiếp tục giải quyết vấn đề về bảo hiểm, tái bảo hiểm để phát triển thủy sản, chăn nuôi cũng như các lĩnh vực khác một cách bền vững hơn.

Ngay sau hội nghị do Thủ tướng Chính phủ chủ trì ngày 15/9, chiều 16/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã họp triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ có văn bản kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo ngân hàng thương mại trên cơ sở xác nhận của các địa phương để đình hoãn, giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất, thậm chí có những hỗ trợ để sớm phục hồi sản xuất chăn nuôi và thủy sản trong thời gian ngắn nhất.

- Những thiệt hại đã xảy ra liệu sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm cuối năm thế nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Thiệt hại trên sẽ ảnh hưởng đáng kể đối với tốc độ tăng trưởng của hai lĩnh vực này. Để giải quyết nguồn cung thực phẩm từ nay đến cuối năm, đặc biệt vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cùng vào cuộc để hỗ trợ người dân con giống, thức ăn, vật tư… sớm phục hồi sản xuất và đáp ứng tối đa được nhu cầu thực phẩm. Điều này cũng nhằm hạn chế nhất ảnh hưởng đến CPI, xuất khẩu, tăng trưởng ngành nông nghiệp. Do vậy, phục hồi sản xuất là yếu tố quan trọng nhất đối với nông nghiệp hiện nay.

ttxvn-chan nuoi.jpg

Trang trại chăn nuôi gà thương phẩm Bình Lương ở xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Về xuất khẩu, với đà tăng trưởng hiện nay, cùng với các nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các địa phương quyết tâm phấn đấu đạt được các chỉ tiêu Chính phủ giao thì chỉ tiêu xuất khẩu nông sản sẽ không có sự điều chỉnh.

Trong chăn nuôi với gà công nghiệp chỉ cần hơn 1 tháng, gà lông màu trên 3 tháng; vịt ngan chỉ có 45-50 ngày là có sản lượng. Từ nay đến Tết, ngành nông nghiệp có thể hoàn toàn phục hồi được với chu kỳ sản xuất tùy theo đối tượng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tin tưởng sẽ sớm phục hồi sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản để đảm bảo nguồn cung cho trong nước và xuất khẩu.

- Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của Thứ trưởng!./.

 

Nguồn: vietnamplus.vn

Viết bình luận mới