Canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp giảm chi phí sản xuất đến 30%
31/08/2024 10:18
Vụ lúa Thu Đông 2024, tỉnh Đồng Tháp tham gia thực hiện Đề án Phát triển bền vững một 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh Đồng Tháp đưa diện tích canh tác theo mô hình này đến cuối năm 2024 là 20.000 ha lúa.
Kết quả bước đầu thực hiện đề án giúp giảm chi phí sản xuất lúa khoảng 30% so với ruộng lúa đối chứng. Lợi nhuận mô hình canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp cao hơn ruộng lúa đối chứng hơn 2 triệu đồng/ha.
Ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết: Đồng Tháp là 1 trong 5 tỉnh được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn thí điểm Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.
Đề án hướng tới mục tiêu, đối với diện tích lúa tham gia đề án, lượng lúa giống gieo sạ giảm còn dưới 70 kg/ha. Lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học giảm 30%; 100% rơm tại các vùng chuyên canh được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng hoặc cày vùi và sử dụng vi sinh phân hủy rơm rạ để bổ sung dinh dưỡng trả lại cho đất. Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 8%; giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 40%; trong đó, tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa đạt trên 50%…
Tham gia đề án, tỉnh Đồng Tháp đăng ký diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao toàn tỉnh đến năm 2025 là 70.000 ha và đến năm 2030 là 163.000 ha, được thực hiện tại 8 huyện, thành phố: huyện Tân Hồng, Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình, Cao Lãnh, Tháp Mười, Lấp Vò và thành phố Hồng Ngự.
Mô hình sản xuất lúa theo Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” được tỉnh Đồng Tháp chọn Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi, xã Láng Biển, huyện Tháp Mười làm thí điểm đầu tiên tại tỉnh Đồng Tháp, với diện tích thực hiện hơn 43 ha, có 20 hộ dân tham gia.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng – Giám đốc Hợp tác xã Thắng Lợi, tham gia đề án, vụ lúa Thu Đông năm 2024, hợp tác xã đã sử dụng giống lúa OM18, áp dụng quy trình canh tác bền vững bằng biện pháp sạ cụm, sạ hàng kết hợp vùi phân trong đất; giảm lượng giống gieo sạ; quản lý nước "ướt khô xen kẽ". Vụ lúa thực hiện theo đề án cho năng suất bình quân 6,9 tấn/ha, lợi nhuận cao hơn 2.255.000 đồng/ha so với ruộng lúa đối chứng, đặc biệt cho thu nhập thêm 800.000 đồng/ha từ việc bán rơm sau thu hoạch.
Bước đầu, nông dân trong hợp tác xã đã có sự đồng thuận rất cao trong việc thực hiện đề án, với các quy trình canh tác mới, qua đó giúp giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân thuốc, bằng việc sử dụng giải pháp bón phân vùi trong đất trước khi gieo sạ. Ước tính sản xuất lúa trong mô hình của đề án giảm được 30% chi phí.
Hiện hợp tác xã liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ lúa với giá theo thị trường và được công thêm 100 đồng/kg lúa. Từ hiệu quả mô hình, hiện hợp tác xã có thêm nhiều nông dân đăng ký tham gia mô hình. Dự kiến vụ Đông Xuân 2024-2025, hợp tác xã tăng diện tích sản xuất lên 150 ha.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, thành viên Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi, huyện Tháp Mười tham gia đề án, ông Nghĩa gieo sạ vụ lúa Thu Đông năm 2024 với hơn 2 ha, đây là vụ đầu tiên ông tham gia thực hiện mô hình thí điểm của Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Ông Nghĩa cho biết, ông thực hiện đề án được hỗ trợ của các ngành chuyên môn, chính quyền địa phương trong canh tác lúa, qua đó đã tạo động lực cho ông tích cực tham gia nhằm góp phần thực hiện tốt đề án. Khi tham gia mô hình, ông nghĩa phải ghi chép nhật ký sản xuất, tham gia đầy đủ các buổi tập huấn, tuân thủ quy trình hướng dẫn sản xuất lúa và đặc biệt là không được đốt rơm rạ trên đồng ruộng. Ông Nghĩa cũng được hỗ trợ 50% chi phí vật tư như lúa giống, phân bón, chế phẩm phân hủy rơm rạ, chi phí đánh giá phát thải khí nhà kính...
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Không để thiếu hàng, tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán
Nhân rộng mô hình thí điểm thành công Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao
Ninh Thuận: Liên kết chuỗi giá trị hướng đến xuất khẩu sản phẩm lợi thế
Kon Tum: Lý do khó phát triển diện tích chanh dây
Chuỗi tỷ USD rót vào sản xuất xanh
Làng hoa An Lạc hối hả chuẩn bị vụ Tết
Năng suất lúa sản xuất theo hướng hữu cơ tăng từ 10 - 15%
Xanh hóa quy trình sản xuất và chế biến trong xuất khẩu cá tra
Giá nhiều loại thủy sản tăng cao
Nhu cầu đặt hoa cúc mâm xôi Tết tăng cao, giá cũng tăng